Sau hơn một năm điều tra của phóng viên BBC về video ngắn làm nhục người châu Phi được tải lên nền tảng mạng xã hội TikTok, bộ phim tài liệu “Phân biệt chủng tộc để rao bán” (Racism for Sale) của BBC công bố đã trở thành biến cố ngoại giao Trung Quốc – châu Phi. Phía Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng “cáo lỗi” và hứa xử lý tình hình, tuy nhiên giữa lời nói và việc làm của họ xưa nay luôn là dấu hỏi lớn.
Một nhóm trẻ em châu Phi mặc quần cộc và áo tay ngắn màu đỏ hét vào máy quay video bằng tiếng Trung Quốc: “Tôi là quỷ đen, chỉ số IQ thấp! Ya!” Giọng điệu của chúng cho thấy sự phấn khích và vui vẻ, rõ ràng không biết đang nói gì. Hồi tháng 2/2020, video đã được tải lên nền tảng mạng xã hội TikTok của Trung Quốc. Ai đã quay video? Tại sao lại quay video như vậy?
Sau hơn một năm điều tra, các phóng viên BBC cuối cùng cũng tìm được câu trả lời và mới đây đã phát sóng bộ phim tài liệu “Phân biệt chủng tộc để rao bán” (Racism for Sale) kể về toàn bộ quá trình điều tra. Người đàn ông Trung Quốc tên Lư Khắc (Luke) thực hiện đoạn phim ngắn này đã bị chính quyền Malawi truy nã. Ngày 20/6, có tin xác nhận anh ta đã bị bắt tại Zambia, chính quyền Malawi đang tìm cách dẫn độ anh ta.
Các video ngắn do những cá nhân thực hiện có thể được bán trực tuyến ở Trung Quốc với giá từ 10 – 70 USD cho mỗi video. Sau năm 2015, loại video chúc phúc sử dụng người da đen nói bằng tiếng Trung dường như đã trở thành xu hướng thịnh hành của người làm video ngắn tại Trung Quốc, trở thành một xu thế kinh doanh. Trong nhiều video khác nhau cho thấy cảnh người da đen cầm bảng đen có viết chữ Trung Quốc, họ hoặc là ca hát nhảy múa, hoặc thực hiện các hành động khác nhau. Vấn đề là không phải tất cả những gì họ trình bày đều có ý tốt, như video ở trên đề cập.
Khi phóng viên Runako Celina của chương trình BBC “Con mắt châu Phi” (Africa Eye) nhìn thấy đoạn video xúc phạm trẻ em châu Phi, trong một lúc lâu cô đã như bất động. Vì quá phẫn uất, cô quyết tìm ra hung thủ thực hiện video. Celina đã học tập và sống ở Trung Quốc trong 6 năm, cô coi Trung Quốc là một trong những nơi cô trưởng thành.
Bộ phim tài liệu cho biết khó khăn lớn nhất là tìm ra nơi kẻ thực hiện quay video, vì châu Phi rất rộng lớn và có rất nhiều cảnh tương tự. Celina nhận thấy rằng các video có trẻ em da đen chủ yếu được phát từ hai tài khoản TikTok. Cô và một phóng viên khác đã kiểm tra lần lượt, sau khi xem qua hàng trăm video cuối cùng họ đã tìm ra manh mối quan trọng: trong một video có cảnh bảng quảng cáo của một công ty xây dựng ở một vị trí kém nổi bật. Cô đã gọi điện để xác nhận vị trí của bảng quảng cáo thì biết đó là ở một ngôi làng tên Njewa gần thủ đô Lilongwe của Cộng hòa Malawi.
Malawi là nước ở đông nam châu Phi, nằm giữa các nước như Tanzania, Zambia và Mozambique. Malawi từng được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới.
Trong một video khác, Celina cũng nhìn thấy một ID Trung Quốc có viết chữ “Lư Khắc” (卢克 / Luke) mà cô suy đoán là tên của kẻ thực hiện video. Lư Khắc có 14 “người bạn” trên Facebook, một trong số đó là nhà báo truyền hình Johan Ripas người Thụy Điển. Celina lại liên lạc với Ripas và được biết rằng Ripas đã phỏng vấn Lư Khắc khi anh đến Malawi vào năm 2017 để đưa tin về thương mại giữa Trung Quốc và Malawi.
Sau khi xác định xong địa điểm là lúc phải hành động. Celina liên lạc với phóng viên Henry Mhango người Malawi, và cả hai tiến thẳng đến làng Njewa.
Bộ phim tài liệu đã quay các cuộc phỏng vấn của họ tại địa phương làng Njewa. Từ người dân làng, họ biết được rằng người đàn ông Trung Quốc tự xưng là Susu (cách phát âm tiếng Trung của từ “thúc thúc, 叔叔, nghĩa là “chú”), và anh ta tuyên bố rằng anh ta muốn mang văn hóa Trung Quốc đến địa phương và dạy trẻ em châu Phi sử dụng tiếng Trung Quốc cùng các kiến thức liên quan. Nhưng một số người dân thắc mắc rằng sau vài năm, những đứa trẻ theo anh ta học chỉ học được một vài cách phát âm tiếng Trung. Về việc quay phim của Lư Khắc, hầu hết dân làng nghĩ rằng có thể anh ta muốn chuyển những bộ phim này cho một số tổ chức ở Trung Quốc để giúp cải thiện cuộc sống ở đây và nhận thêm nguồn hỗ trợ.
Qua tìm hiểu, phóng viên Celina được biết, cứ một ngày tham gia quay video, Lư Khắc trả cho mỗi đứa trẻ nửa USD. Trong một cuộc gặp kín với một phóng viên ngầm (người Trung Quốc) khác của BBC, Lư Khắc nói rằng có ngày nhiều nhất anh ta quay được 380 video, mỗi video có thể bán được với giá 200 nhân dân tệ (khoảng 30 USD). Tức là có ngày nhiều nhất anh ta có thể kiếm được hơn 10.000 USD.
Làm thế nào mà Lư Khắc sản xuất video hiệu quả như vậy? Trong số những đứa trẻ mà anh ta ghi hình có một cậu bé da đen rất dễ thương mà Lư Khắc dùng làm biển hiệu trong quảng cáo của mình. Celina đã tìm thấy đứa trẻ và được biết tên là Bright mới 6 tuổi. Bé Bright cho biết bắt đầu tham gia làm video từ năm 4 tuổi, cứ khi bé làm sai điều gì đó là “Susu” sẽ cấu véo hoặc dùng gậy đánh bé. Mẹ của Bright cho biết cảm thấy rất buồn khi con mình phải chịu đựng như vậy.
Video “Tôi là quỷ đen” có thực sự do Lư Khắc làm? Khi phóng viên ngầm của BBC hỏi, phản ứng đầu tiên của Lư Khắc là: “Đúng vậy! Cái này do tôi!” Nhưng chỉ vài giây sau thì anh ta đột ngột đổi ý nói rằng do người bạn quay và người đó đã về Trung Quốc. Lư Khắc cũng đề nghị phóng viên xóa đoạn video đó khỏi điện thoại di động, “Đừng để người da đen xem nếu không muốn bị tấn công”. Trong cuộc nói chuyện giữa hai bên, Lư Khắc tỏ thái độ khinh thường người da đen.
Ở phần cuối phim tài liệu, phóng viên Celina và phóng viên địa phương Mhango quyết định trực tiếp gặp hỏi Lư Khắc, nhưng Lư Khắc phủ nhận tất cả. Tuy vậy anh ta đã có lúc sơ ý nhắc đến hai từ “quỷ đen”.
Sau khi chương trình của BBC được phát sóng, người dân Malawi đã bày tỏ phẫn nộ. Cảnh sát địa phương đã mở một cuộc điều tra pháp lý. Bộ Ngoại giao Malawi lên án mạnh mẽ.
Giám đốc điều hành Sylvester Namiwa của Trung tâm Sáng kiến Phát triển Kinh tế và Dân chủ Malawi cho biết, loại video này không chỉ xúc phạm người Malawi mà còn cả những người da đen trên toàn cầu. “Chúng tôi yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc xin lỗi công khai tất cả người dân Malawi và cộng đồng người da đen trên toàn thế giới. Nếu không, chúng tôi sẽ buộc phải huy động người Malawi tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa cho đến khi nào được đáp ứng yêu cầu”.
Trưởng bộ phận luật quyền trẻ em của khoa luật Đại học Malawi là Comfort Mankhwazi cho biết, nhóm của cô sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trên đường phố vào tuần tới để kiến nghị với Đại sứ quán Trung Quốc. “Một trong những điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là kiểu kiếm tiền bằng cách sỉ nhục những đứa trẻ, trong khi những đứa trẻ không biết chúng đang làm gì. Chúng tôi nghĩ rằng những đứa trẻ này phải được bồi thường tương xứng, theo một nghĩa nào đó thì chính chúng đã kiếm được tiền”.
Trước sức ép của dư luận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malawi đã phản hồi bằng một loạt tweet từ ngày 14 – 18/6, bày tỏ quan tâm sâu sắc, lên án nạn phân biệt chủng tộc và không khoan nhượng đối với hành vi phân biệt chủng tộc. Đại sứ quán Trung Quốc cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Malawi để giải quyết thỏa đáng vấn đề. Đáng chú ý là vào tháng Ba năm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc và Chính phủ Malawi mới ký kết thỏa thuận hợp tác “Vành đai và Con đường”.
Sau khi BBC phát sóng phim tài liệu, Lư Khắc bị chính quyền Malawi truy nã, sau đó tài khoản TikTok của anh ta đã bị xóa và tài khoản Facebook của anh ta đã được đổi tên.
Phát ngôn viên Sở di trú Malawi là Pasqually Zulu nói với AFP vào hôm 20/6: “Sau khi trốn đến Zambia bằng con đường nào đó không rõ, anh ta đã bị bắt tại Chipata”. Phát ngôn viên cảnh sát Malawi là Harry Namwaza nói: “Chúng tôi muốn anh ta hầu tòa ở Malawi. Chính quyền Malawi đang tìm cách dẫn độ Lư Khắc về”.
Những biện hộ của sứ quán Trung Quốc dù cho thấy thiện chí, nhưng để có thể tin tưởng lại là vấn đề khác. Nhà bình luận thời sự, Tiến sĩ Dương Quý Viễn (Yang Guiyuan) người Hoa tại Mỹ nói với phóng viên Epoch Times, rằng Đại sứ quán Trung Quốc chỉ nói vậy để làm dịu sự việc. Cảnh sát Internet của nhà cầm quyền Trung Quốc có thể không biết về một lượng lớn video như vậy sao? Nếu thực sự là “không khoan nhượng” thì họ đã bắt xóa những video đó từ lâu rồi, có cần đợi đến bây giờ như tuyên bố không? Nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với người Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông như thế nào? Quan chức nào có thể ngăn chặn sự phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc này? Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, chịu ảnh hưởng từ trên như thế nên Trung Quốc ngày càng phố biến tình trạng sỉ nhục ức hiếp những người yếu thế.
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…