Hôm thứ Sáu (8/7), cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời sau khi bị ám sát trong buổi phát biểu, gây chấn động thế giới. Sinh ra trong một gia đình chính trị nổi tiếng, ông Abe là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, và “Abenomics” (chính sách kinh tế) của ông sẽ luôn được ghi nhớ.
Ông Abe được cho là đã mang lại sự ổn định cho Nhật Bản sau một thời kỳ kinh tế bất ổn và liên tục thay đổi các nhà lãnh đạo. Ông Abe là một người thuộc phe bảo thủ trung thành, xuất thân trong một gia đình chính trị, đã đạt được nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình và có tầm ảnh hưởng khá lớn cả trong và ngoài nước.
Chính sách kinh tế “Abenomics” đặc trưng của ông đã được thúc đẩy trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, tìm cách đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ. Chính sách này đã thu hút sự chú ý của quốc tế hơn so với các chính sách mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản khác theo đuổi.
Về chính sách đối ngoại, ông đã ủng hộ vai trò nổi bật hơn của quân đội Nhật Bản, nhằm đối phó một cách quyết đoán hơn với các mối đe dọa từ Triều Tiên và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn được Hoa Kỳ khen ngợi, nhưng lại gây ra sự bất an cho Bắc Kinh. Ông tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản và mở rộng chi tiêu quân sự.
Ông có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và từng cảnh báo: “Nhật Bản không thể để Đài Loan bị xâm lược bằng vũ lực, ‘Đài Loan xảy ra chuyện’ cũng giống như Nhật Bản xảy ra chuyện.” Ông cũng từng thúc giục Hoa Kỳ từ bỏ chiến lược mơ hồ đối với Đài Loan.
Ngày 21/9/1954: Ông Shinzo Abe sinh ra ở Tokyo. Cha của ông, ông Shintaro Abe, từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; mẹ ông là bà Yoko Kishi, con gái của cựu Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke.
Năm 1977: Ông Abe tốt nghiệp Đại học Seikei ở Tokyo với bằng chính trị học. Sau khi di cư đến Hoa Kỳ, ông học chính sách công trong 3 học kỳ tại Đại học Nam California.
Năm 1979: Ông Abe bắt đầu làm việc tại Kobe Steel khi công ty này mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Năm 1982: Ông Abe rời công ty này, để tìm kiếm các vị trí mới trong bộ ngoại giao và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Năm 1993: Ông Abe lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do trong Hạ viện, đại diện cho tỉnh Yamaguchi. Ông vốn được coi là một người thuộc phe bảo thủ, lại trở thành một thành viên của Seiwakai, phe lớn nhất của đảng này từng do cha ông Shintaro Abe lãnh đạo, người đã qua đời vào năm 1991.
Ngày 21/9/2003: Ông Abe là Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do.
Năm 2005: Ông Abe được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng nội các cho Thủ tướng Junichiro Koizumi. Cùng năm, ông được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do và dự kiến sẽ đảm nhận chức thủ tướng.
Ngày 26/9/2006: Lần đầu tiên, ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản, giám sát các cải cách kinh tế, đồng thời có lập trường cứng rắn với Triều Tiên.
Năm 2007: Sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, sau 52 năm, lần đầu tiên, Đảng Dân chủ Tự do mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp và ông Abe từ chức thủ tướng với lý do sức khỏe. Ông bị viêm loét đại tràng, và có thể được kiểm soát bằng thuốc.
Năm 2012: Lần thứ 2, ông Abe trở thành thủ tướng sau khi được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do.
Năm 2013: Để thúc đẩy tăng trưởng, ông Abe đưa ra chính sách “Abenomics”, với đặc điểm là nới lỏng cho vay và cải cách cơ cấu. Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn, nhưng đã được cải thiện phần nào sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm 2014-2020: Ông Abe được bầu lại làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, và đảm nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ thủ tướng trong tổng số 4 nhiệm kỳ. Trong thời gian này, ông đã phát triển mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump, cùng tổ chức hội nghị thượng đỉnh và chơi golf cùng nhau.
Ngày 26/5/2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump chơi golf và chụp ảnh cùng chung tại Câu lạc bộ đồng quê ở thành phố Mobara, Chiba. (Ảnh: Kimimasa Mayama / Pool / AFP)
Ngày 24/8/2020: Ông Abe trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.
Ngày 28/8/2020: Sau một đợt bệnh viêm loét đại tràng phát tác, một lần nữa viện lý do sức khỏe, ông Abe đã tuyên bố rời khỏi nhiệm kỳ thủ tướng.
Năm 2021: Mặc dù đã hết nhiệm kỳ, nhưng Abe đã cho thấy rằng ông vẫn có thể chọc giận Bắc Kinh bằng những bình luận về Đài Loan. ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Trong một bài phát biểu, ông Abe cảnh báo Trung Quốc rằng “các cuộc phiêu lưu quân sự sẽ dẫn đến sự tự sát về kinh tế.”
Tháng 12/2021: Phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan tổ chức hôm 1/12, ông Abe đã lưu ý rằng Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư), Quần đảo Sakishima và đảo Yonaguni của Nhật Bản chỉ cách Đài Loan chừng trên dưới 100 km. Từ đó, cựu Thủ tướng Nhật khẳng định một cuộc xâm lược vũ trang nhắm vào Đài Loan sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Nhật Bản.
Ông Abe nói: “Tình trạng khẩn cấp tại Đài Loan là tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản, và do đó cũng là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật – Mỹ. Mọi người tại Bắc Kinh, đặc biệt Chủ tịch Tập Cận Bình, không bao giờ nên hiểu sai về nhận thức này của Nhật”.
Nhật Bản và Đài Loan phải hợp tác cùng nhau để bảo vệ tự do và dân chủ, ông Abe nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả bằng cách hứa hẹn một cuộc tắm máu.
“Bất cứ ai dám quay lại con đường cũ của chủ nghĩa quân phiệt và bất chấp giới hạn của người dân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc tắm máu,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cảnh báo vào tháng 12/2021.
Bản ghi chép bằng tiếng Anh chính thức của Bộ Ngoại giao về lời nhận xét của ông Uông sau đó đã bỏ từ “tắm máu”, thay vào đó dịch lời cảnh báo của ông thành: “Những ai dám theo đuổi con đường quân phiệt cũ và thách thức giới hạn của chúng tôi sẽ phải đụng độ với người dân Trung Quốc!”
Ngày 8/7/2022: Ông Shinzo Abe bị bắn chết khi đang phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Nara. Cảnh sát đã bắt giữ một nam nghi phạm và vụ việc hiện đang được điều tra.
Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, ông Fumio Kishida, bày tỏ sự chia buồn trước vụ ám sát ông Shinzo Abe.
Ông nói rằng ông đã dành “rất nhiều thời gian ở cùng ông Abe.” “Tôi đã nhận được những lời khuyên và sự hỗ trợ quý giá từ ông ấy, và tôi rất biết ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Abe.”
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ tiếc thương về cái chết của ông Abe và nói rằng ông ấy là “người bạn thân thiết của nước Mỹ”. Cựu ngoại trưởng nhận định rằng thế giới bây giờ “sẽ tồi tệ hơn nhiều” khi không còn ông Abe.
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…