Theo các nhà phân tích, lời đề nghị 100 triệu USD của Ngân hàng AIIB cho VP Bank của Việt Nam là một “cành ô liu” của Bắc Kinh chìa tới Hà Nội.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn đã phê duyệt khoản vay 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) có trụ sở tại Hà Nội, theo Nikkei. Đây là cam kết đầu tiên đối với một ngân hàng Việt Nam được phía Trung Quốc thực hiện khi căng thẳng giữa hai bên gia tăng ở Biển Đông.
AIIB cho biết trong một thông cáo phát hành hôm 17/7 rằng họ sẽ “hỗ trợ tài chính thương mại và tài chính vốn lưu động của VP Bank” bằng khoản vay mới. Ngân hàng VP là một trong những ngân hàng tư nhân quan trọng của Việt Nam. Việt Nam là một trong 57 thành viên sáng lập của AIIB.
Phó Chủ tịch về hoạt động đầu tư của AIIB, ông D.J. Pandian cho biết khoản vay này là khoản tài trợ trung gian đầu tiên của AIIB tại Việt Nam và Đông Nam Á nhằm mục đích giúp quốc gia phục hồi sau đại dịch COVID-19. AIIB hy vọng VP Bank sẽ tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây mặc dù đã xử lý hiệu quả đại dịch. Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam chỉ tăng 0,36% trong quý II, giảm mạnh so với 3,8% trong năm trước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2020 từ mức 7% vào năm 2019.
Các nhà phân tích cho biết khoản vay 100 triệu USD có liên quan đến mục tiêu cho vay rõ ràng của AIIB để hỗ trợ “Sáng kiến Vành đai và Con đường,” chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh.
“Khoản vay mới từ AIIB có thể được sử dụng cho một dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến Trung Quốc tại Việt Nam”, một nhà phân tích nhận định khi VP Bank thường cho vay các dự án cơ sở hạ tầng. VP Bank cũng nói với một cuộc họp kín vào tháng 5 rằng họ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
> SCMP: Bắc Kinh cố gắng xoa dịu căng thẳng với Việt Nam ở biển Đông
Trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2017, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ về khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Những kế hoạch này đã được phía Trung Quốc đề xuất từ năm 2003 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương thông qua cải thiện kết nối giữa Vân Nam và Quảng Tây với 12 thành phố và tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, thỏa thuận không đảm bảo rằng BRI sẽ đạt được những bước đột phá tại Việt Nam trong tương lai gần.
Một nhà phân tích chính trị cho biết khoản vay AIIB có thể được coi là “cành ô liu” mà Bắc Kinh chìa tới Hà Nội để khuyến khích chính phủ nới lỏng lập trường của mình ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Thông báo của AIIB được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội lên án mạnh mẽ các hành vi xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh khi nước này thành lập hai quận mới trong vùng biển tranh chấp. Hà Nội được cho là đang xem xét để kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Bất chấp tác động tiêu cực ban đầu của đợt bùng phát COVID-19, VP Bank đã ghi nhận mức tăng 51,6% lên 5,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 224,7 triệu USD) lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2020 so với một năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm của công ty trong năm 2020 là 10 nghìn tỷ đồng, giảm chỉ 1% so với năm trước.
VP Bank tuyên bố trên trang web của mình rằng họ là một trong năm ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu và cũng nằm trong top ba ngân hàng thương mại bán lẻ tư nhân hàng đầu Việt Nam về cho vay và lợi nhuận.
Lê Vy (theo Nikkei)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…