Thế Giới

Chuyên gia: Cảnh giác với việc ĐCSTQ lợi dụng đình chiến thuế quan để kéo dài thời gian

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc tạm thời đạt được một thỏa thuận đình chiến về thuế quan, các chuyên gia cảnh báo rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cố gắng kéo dài thời gian trong vòng 3 tháng tới, nhằm giành thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong. (Ảnh ghép)

Từ ngày 10 đến 11/5, đại diện hai nước Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán tại Thụy Sĩ. Mỹ đồng ý giảm phần lớn mức thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng giảm mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Mức thuế sau khi giảm sẽ được duy trì trong 90 ngày, trong thời gian đó hai bên sẽ tiếp tục đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận rộng lớn hơn.

Ông William Lee, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Milken, một tổ chức tư vấn kinh tế độc lập có trụ sở tại California, nhận định rằng kết quả vòng đàm phán lần này là một “trận hòa” giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Mỹ và Trung Quốc đều giành chiến thắng. Không bên nào giành được ưu thế tuyệt đối,” ông nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Epoch Times.

Ông chỉ ra rằng ĐCSTQ không thể để hoạt động thương mại đối ngoại suy giảm quá lâu, vì xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Trung Quốc. Theo ông, đây cũng là một chiến thắng cho Mỹ, vì “một số thị trường trong nước thực sự đã hồi phục”.

Ông Christopher Balding, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hiệp hội Henry Jackson (Henry Jackson Society) có trụ sở ở London và là người viết bài cho tờ Epoch Times, cho rằng kết quả của cuộc đàm phán đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đua marathon giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Balding nhận định: “Đây hoàn toàn không phải là một thỏa thuận mang tính cách mạng. Có thể nói, điều duy nhất mà hai bên thực sự đồng thuận là thành lập một nhóm làm việc để tiếp tục thảo luận về đàm phán.”

Chiến thuật kéo dài thời gian của ĐCSTQ

Một số chuyên gia cho rằng nhìn về tương lai, Chính phủ Mỹ cần tìm ra những chiến lược phù hợp để dẫn dắt ĐCSTQ vào bàn đàm phán thương mại, đồng thời tránh rơi vào bẫy.

Ông Alexander Liao, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc từng làm việc nhiều thập kỷ tại Hồng Kông, London và Washington, nhận định rằng ĐCSTQ có thể sẽ cố tình kéo dài đàm phán, thậm chí có thể đến tận năm 2026.

“Dưới góc nhìn của ĐCSTQ, nhiệm kỳ của (Tổng thống Mỹ) Donald Trump có giới hạn thời gian, đó là một điểm yếu lớn. Thêm vào đó, việc Đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh trong Quốc hội Mỹ cũng là một điểm yếu nghiêm trọng,” ông Liao nói.

Ông cho rằng nếu ĐCSTQ có thể kéo dài đàm phán đến tháng Một hoặc tháng Hai năm 2026, và làm leo thang căng thẳng thương mại trở lại, điều đó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026.

Với Trung Quốc, đây là một chiến thuật bất ngờ.

“Trong Binh pháp Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc Tôn Tử đã nói rằng: ‘Đánh vào nơi địch không phòng bị, xuất hiện nơi địch không ngờ tới. Đó là cách giành chiến thắng của binh gia, không thể tiết lộ trước được’,” ông Liao nói.

“Thời điểm, địa điểm và cách thức của cuộc chiến, đều là những yếu tố then chốt để nắm giữ quyền chủ động.”

Ông Liao nhấn mạnh rằng nếu các cuộc đàm phán sắp tới không có tiến triển, Chính phủ Mỹ có thể cần quay trở lại thế tấn công.

Ông nói: “Mỹ cần dốc toàn lực trong cuộc chiến thương mại, buộc ĐCSTQ phải quay về theo lộ trình thời gian của Mỹ.”

Ông Yeh Yao-Yuan, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Houston, Texas, cho rằng các quan chức Mỹ sẽ không bị lừa bởi bất kỳ động thái kéo dài nào từ phía ĐCSTQ.

“Nếu Bắc Kinh không đưa ra được kết quả thực chất nào cho Washington trước tháng Bảy, ông Trump có thể sẽ khôi phục lại các mức thuế quan,” ông Yeh nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt khác, chẳng hạn như đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các ngành và công ty cụ thể của Trung Quốc.

Ông Yeh nhận định rằng ĐCSTQ có thể đang sử dụng chiến thuật trì hoãn, nhưng điều này lại có khả năng sẽ nâng cao vị thế của ông Trump trong nước Mỹ.

“Sự khác biệt so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump là bây giờ cái nhìn của người dân Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi,” ông nói.

“Nếu ĐCSTQ kéo dài đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, điều đó có thể có lợi cho ông Trump, vì người dân Mỹ hiện nay mong muốn chính quyền có lập trường cứng rắn hơn với ĐCSTQ.”

Cuộc đối đầu Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn

Các chuyên gia từng nói với tờ Epoch Times rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dịu đi chỉ vì một thỏa thuận đình chiến thuế quan có thể đạt được. Và điều đó dường như đang xảy ra.

Trong thời gian “tạm yên” khi căng thẳng thương mại với Washington được giảm nhẹ, Bắc Kinh tiếp tục hành động để củng cố tham vọng và vị thế thách thức Mỹ trên nhiều mặt trận rộng lớn hơn.

Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố đình chiến thuế quan, vào ngày 13/5, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tiếp đón các nguyên thủ quốc gia từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe tại Bắc Kinh. Kết quả của hội nghị là Colombia chính thức gia nhập sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), trở thành quốc gia Nam Mỹ thứ 11 tham gia sáng kiến này.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một công cụ quan trọng mà chính quyền ĐCSTQ sử dụng để thách thức ảnh hưởng của phương Tây trên toàn cầu.

“ĐCSTQ đang tận dụng ảnh hưởng của họ ở khu vực Nam bán cầu. Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung không chỉ giới hạn trong thương mại,” ông Mike Sun, một doanh nhân Mỹ với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn cho các nhà đầu tư và thương nhân nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, chia sẻ với tờ Epoch Times. Để tránh bị trả đũa bởi chính quyền ĐCSTQ, ông sử dụng hóa danh.

“Việc kiềm chế sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ và ảnh hưởng toàn cầu của nước này chính là mặt trận chính trong cuộc cạnh tranh này,” ông nói thêm.

Cùng ngày ông Tập tổ chức hội nghị “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, Washington đã tăng cường thực thi các biện pháp hạn chế hiện có nhằm bảo đảm vị thế dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo rằng việc sử dụng chip tiên tiến của Huawei ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều sẽ vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Chính quyền Trump nghi ngờ rằng những sản phẩm này được phát triển bằng công nghệ hoặc thiết bị có nguồn gốc bất hợp pháp từ Mỹ.

Ngoài ra, vào ngày 13/5, Bộ Thương mại Mỹ cũng cảnh báo công chúng không nên sử dụng chip AI của Mỹ để huấn luyện cho các công ty Trung Quốc, cũng như không tham gia vào các giao dịch nhằm né tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Ông Balding cho rằng thỏa thuận đình chiến thuế quan không thay đổi bản chất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói rằng kết quả sau 90 ngày có thể có “nhiều khả năng khác nhau”, nhưng trong cuộc đối đầu với chính quyền ĐCSTQ, bất kỳ chiến lược nào được áp dụng cũng cần được thực hiện một cách thận trọng và đến nơi đến chốn, thì Mỹ mới có khả năng giành chiến thắng.

Andrew Moran & Terri Wu

Published by
Andrew Moran & Terri Wu

Recent Posts

TikTok thông báo nhân viên tại Mỹ làm việc tại nhà, nghi sắp cắt giảm nhân sự

TikTok Shop đã thông báo cho nhân viên tại Mỹ làm việc tại nhà, nhằm…

3 giờ ago

Tập đoàn Trump xây sân golf tại Việt Nam, Eric Trump tham dự lễ động thổ

Ngày 21/5, Tập đoàn Trump cùng đối tác địa phương đã tổ chức lễ động…

3 giờ ago

Ngoại trưởng Rubio: Syria có thể sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng vài tuần

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cảnh báo với các nhà lập pháp tại Washington…

3 giờ ago

Tấm lòng hiếu khách giúp cả làng giàu có thịnh vượng suốt 400 năm

Hiếu khách giúp sĩ tử vừa đỗ đạt làm lễ vinh quy bái tổ, nghĩa…

4 giờ ago

Ngẫm về chiến tranh và hòa bình qua tác phẩm phúng dụ của Pompeo Batoni

Một bức tranh mang giá trị nghệ thuật thời kỳ tân cổ điển, gửi gắm…

4 giờ ago

Pakistan và Trung Quốc tăng cường đầu tư thương mại, duy trì liên lạc chặt chẽ

Pakistan tuyên bố hôm thứ Tư (21/5) rằng quốc gia này đã đạt được thỏa…

4 giờ ago