Lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thường xuyên bắn tên lửa và thử hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế bất an, hệ quả là Mỹ cũng phải nâng cấp hành động quân sự, kéo tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang hướng đến chiến tranh. Có chuyên gia Đức chỉ ra, hai nước Trung Quốc và Nga đã bất lực ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, hiện nay trừ khử Kim Jong-un trở thành quan điểm chung của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nga.
Trên Nhật báo Thế giới (World Journal) ngày 19/12, tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Minsk (Đức) cho rằng tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay là cuộc đối đầu ba bên với bốn nước diễn tập quân sự, Kim Jong-un hiện ở tình trạng địch vây tứ bề, dường như ngày vui không còn nhiều. Bài viết phân tích, sau ngày 29/11, khi Kim Jong-un bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 và tuyên bố tầm bắn có khả năng bao phủ lãnh thổ Mỹ, Mỹ và Hàn Quốc đã cùng tổ chức diễn tập không quân lớn nhất trong lịch sử nhắm vào mục tiêu hơn 700 căn cứ cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, đồng thời Mỹ còn đẩy mạnh phong tỏa trên biển chống lại Bắc Triều Tiên. Đáp lại, Bắc Triều Tiên tiếp tục đe dọa “Sắp hết sức chịu đựng.”… Như vậy, câu hỏi bây giờ là khi nào thì chiến tranh sẽ bùng nổ?
Vì cả Trung Quốc lẫn Nga đều không thể ngăn chặn đối đầu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên ngừng leo thang, cho nên hai nước cũng đang tích cực chuẩn bị cho xung đột quân sự có thể xảy ra. Gần đây, chiến khu phía bắc của Trung Quốc ở vùng biên giới Bắc Triều Tiên đã tổ chức cuộc tập trận mang tên “Nghiêm Hàn – 2017”. Có thông tin chỉ ra, Trung Quốc đã tăng cường giám sát bức xạ hạt nhân vùng biên giới Bắc Triều Tiên và cho thành lập các khu định cư người tị nạn, đã điều động binh lực hùng hậu tại Diên Biên ở tỉnh Cát Lâm.
Vào đầu Tháng Mười Hai, Bộ Quốc phòng Nga có thông báo, tiếp sau đợt tập trận đổ bộ lên bờ tại vùng biên giới Nga – Bắc Triều Tiên, lính Hải quân lục chiến Nga sẽ tiếp tục diễn tập bắn đạn thật tại vùng này. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tiết lộ, Nga đang chuẩn bị diễn tập tự vệ để đáp ứng với tình hình leo thang vùng biên giới.
Cuối cùng bài viết cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Nga không muốn nhìn thấy cuộc chiến tranh Triều Tiên, nhưng lại không thể ngăn chặn được. Quyền lợi của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã rơi vào trạng thái đối lập, mối quan hệ giữa hai nước sẽ triệt để tan vỡ bất cứ lúc nào. Cả Trung Quốc và Nga đều không thích Kim Jong-un, đã có ý buông xuôi. Vì vậy, thoát khỏi Kim Jong-un đang dần dần trở thành nhận thức chung của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, cũng có nhận định, không hẳn loại bỏ Kim Jong-un hoàn toàn phù hợp lợi ích của cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Dĩ nhiên kết thúc chế độ Kim Jong-un và thống nhất được bán đảo là mong muốn của Hàn Quốc. Nhưng hiện nay các nhà chức trách Hàn Quốc có vẻ chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, có xu hướng áp dụng chính sách nhượng bộ Bắc Triều Tiên, vì Olympic mùa đông PyeongChang 2018 mà Hàn Quốc đã có ý định hoãn cuộc tập trận chung thường niên Mỹ – Hàn Quốc vào năm tới. Vả lại, một khi chiến tranh nổ ra, Hàn Quốc sẽ là mục tiêu hàng đầu của Bắc Triều Tiên, vì vậy Hàn Quốc cực lực phản đối chiến tranh, không có tiếng nói chung với Mỹ trong vấn đề này.
Đối với Nga, dưới tình hình Mỹ – Hàn không đồng thuận và Trung Quốc – Bắc Triều Tiên thù địch là cơ hội cho chính quyền Putin. Nhiều nhận định chỉ ra, cùng với cộng đồng quốc tế tăng cường biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên đã khiến hợp tác kinh tế giữa Nga và Bắc Triều Tiên chặt chẽ hơn, các chuyến thăm nhau giữa hai nước cũng thường xuyên hơn. Gần đây, Nga dường như đã thay thế Trung Quốc đóng vai trò hòa giải giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ – Hàn.
Nhiều nhà quan sát chung quan điểm cho rằng, Nga đang cố gắng lợi dụng sức ảnh hưởng này để chống lại Mỹ. Tuy nhiên, nếu bán đảo Triều Tiên thực sự chiến tranh, khả năng can thiệp của Nga là rất thấp.
Mặc dù trước đây Trung Quốc và Bắc Triều Tiên tuyên bố có “lời thề máu quan hệ đồng minh”, nhưng hiện họ ngày càng đối đầu nhau. Do hạt nhân của Bắc Triều Tiên không ngừng đe dọa an toàn vùng đông bắc Trung Quốc, còn Kim Jong-un không ngừng có các hành động khiêu khích khiến Trung Quốc ngày càng chịu áp lực lớn hơn từ Mỹ, thậm chí vấn đề còn gây nguy hại cho thương mại Trung – Mỹ. Vì vậy, nhiều chuyên gia Trung Quốc ở nước ngoài cho rằng, ở mức độ nào đó phía Trung Quốc cũng muốn Mỹ có thể loại bỏ Kim Jong-un, nhưng không muốn chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.
Gần đây Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tiết lộ, Trung Quốc và Mỹ đã đã thảo luận trong “trường hợp khẩn cấp” mà quân đội Mỹ phải đưa quân đến Bắc Triều Tiên, Mỹ hứa sau khi sứ mệnh của Mỹ hoàn thành, Mỹ sẽ rút quân về Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về cuộc chiến.
Đa số giới quan sát cho rằng Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi quyết tâm giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên của Mỹ là không thể lay chuyển, do đó khả năng chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong năm tới rất cao.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…