Gần một năm qua dưới sự cầm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn, mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã nổi sóng căng thẳng hơn trước, ít nhiều là do bà Thái thể hiện rõ lập trường cứng rắn hơn nhiều người tiền nhiệm về vấn đề độc lập, tự quyết với Bắc Kinh.
Bà Thái đã thực hiện bước đột phá ngoại giao chưa từng có vào ngày 2/12/2016 bằng cách gọi điện chúc mừng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Washington và Đài Bắc kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan năm 1979.
Nhưng vấn đề là từ đó, bà đã đánh giá quá cao “động thái ngoại giao xuất sắc” của mình. Ở một chừng mừng nào đó, bà đã nghĩ rằng mình có thể giành lợi thế trước cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình và muốn dùng Washington để gây sức ép lên Bắc Kinh, giúp chấm dứt tình trạng Đài Loan bị cô lập về ngoại giao và xử lý vấn đề đánh bắt cá tại vùng biển tranh chấp.
Nhưng kỳ thực, bà Thái đã quá lạc quan và những diễn biến sau đó giữa Washington và Đài Bắc đã không như những gì bà mong muốn.
Ông Trump là một doanh nhân lọc lõi, và cơ bản cũng như các tổng thống tiền nhiệm, điều duy nhất ông quan tâm trong chính sách đối ngoại là làm thế nào để bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia Mỹ.
Có lẽ bà Thái đã chưa hoàn toàn quen với tính cách không kiêng nể ai trong hành động của ông Trump hoặc bà đã đánh giá quá cao khả năng đàm phán của mình, bởi vậy bà đã tính toán sai lầm hướng tiến triển trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan. Hai sự kiện gần đây chứng minh cho điều đó.
Sự kiện thứ nhất, vào ngày 27/4 trong cuộc phóng vấn với hãng tin Reuters, khi được phóng viên hỏi liệu bà sẽ điện đàm với Tổng thống Trump một lần nữa, bà Thái trả lời rằng bà mong muốn có nhiều hơn các cuộc trao đổi trực tiếp với chính quyền Mỹ về các vấn đề cơ bản và do đó bà sẽ rất vui khi có thể nói chuyện với ông Trump thêm lần nữa.
Tuy nhiên, chỉ nửa giờ sau cuộc phỏng vấn của bà Thái, ở bên kia địa cầu, tại Washington, ông Trump cũng tham gia cuộc phỏng vấn định kỳ với Reuters tại Nhà Trắng.
Lúc đó, khi được phóng viên Reuters đề cập đến việc Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn bày tỏ mong muốn được nói chuyện lại với ông, Tổng thống Trump không trả lời trực tiếp vào vấn đề này và nói rằng điều cuối cùng ông muốn làm là gây ra rắc rối không cần thiết với Chủ tịch Tập Cận Bình và không muốn hủy hoại mối quan hệ đang tiến triển giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc đối phó với khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Câu trả lời của ông Trump dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng của bà Thái, bởi vì những gì ông nói có nghĩa rằng vị thế của Đài Loan đứng sau điều mà Mỹ đang cần ở Bắc Kinh: kiềm chế Bắc Triều Tiên, và chừng nào mối đe dọa này còn hiện hữu, ông Trump sẽ không làm Bắc Kinh phẫn nộ chỉ vì lợi ích của Đài Loan.
Sự kiện thứ hai, vào tuần trước, ông Terry Gou, sáng lập viên và đang là đương kim Chủ tịch Tập đoàn Công Nghệ Foxconn, Đài Loan được mời tới thăm Nhà Trắng lần 2 và tiếp kiến Tổng thống Trump.
Theo các phương tiện truyền thông Đài Loan, ông Gou được mời đến gặp ông Trump chỉ để thảo luận về dự án đầu tư của công ty Foxconn tại Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng họ cũng có thể đã trao đổi về những điều khác, bởi xét cho cùng ông Gou không phải là một doanh nhân thuần túy: Chủ tịch Foxconn được biết đến rộng rãi là ứng viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020.
Khi được các phóng viên hỏi tại sao Nhà Trắng lại cư xử với bà Thái và ông Gou trái ngược nhau như vậy, ông Chiu Yi – nhà lập pháp Quốc Dân Đảng, người nổi tiếng trong nước với những đánh giá chính trị, đã nói: Trong mắt ông Trump, Terry Gou là một ‘tài sản’ hữu ích và có giá trị bởi vì ông có thể giúp tạo ra việc làm ở Mỹ, trong khi bà Thái Anh Văn hiện không hơn một người gây rắc rối, do đó ông Trump mới có cách hành xử với họ khác nhau rõ ràng như thế.
Đối với Đài Loan, hai sự kiện này có thể chỉ ra một thực tế khắc nghiệt mà Tổng thống Thái Anh Văn và người Đài Loan phải chấp nhận: trong trò chơi quyền lực lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Đài Loan vẫn chỉ là một con cờ. Chừng nào Hoa Kỳ còn cần Trung Quốc giải quyết mối đe dọa an ninh đầu tiên của họ là Triều Tiên, lợi ích của Đài Loan lúc nào cũng xếp sau.
Xuân Thành
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…