Cuba hôm thứ Sáu (22/12) đã trở thành quốc gia thứ hai tại Mỹ La-tinh và Caribe sau Colombia cho phép được làm cho người mắc bệnh nan y chết một cách nhẹ nhàng và không đau đớn.
Biện pháp y tế gây tranh cãi nêu trên được Quốc hội Cuba thông qua hôm 22/12 khi cập nhật khung pháp lý của quốc gia cộng sản này về hệ thông y tế đại trà và miễn phí.
Theo Reuters, bản thảo cuối cùng của luật trên tuyên bố: “Quyền được chết đường hoàng của người dân được công nhận trong các quyết định cuối đời, trong đó có thể bao gồm giới hạn của nỗ lực trị liệu, chăm sóc tiếp tục hoặc giảm đau, và các thủ tục hợp lệ kết thúc sự sống”.
Làm chết không đau đớn và tự nguyện chết với sự trợ giúp y tế bị hầu hết các tôn giáo phản đối và gây ra tranh cãi lớn trên thế giới. Chỉ một số ít các quốc gia cho phép thực hiện làm chết không đau đớn, trong khi một số khác coi hành vi đó tương đương với giết người.
Giáo hội Công giáo La Mã Cuba chưa trả lời yêu cầu bình luận về động thái pháp lý mới nhất nêu trên của giới chức Cuba.
Tiến sĩ Alberto Roque có chuyên môn về đạo đức sinh học của Viện Ưng thư học và Sinh vật học phóng xạ tại Havana, trung tâm ung thư hàng đầu của Cuba, đã hoan nghênh luật mới và nói rằng biện pháp này thiết lập “khung pháp lý cho hành vi làm chết không đau đớn ở bất kỳ dạng thức nào trong tương lai, chẳng hạn như làm chết không đau đớn chủ động hoặc tự nguyện chết với sự trợ giúp”.
Truyền thông nhà nước Cuba thời gian qua hiếm khi đề cập đến việc chính phủ nước này sẽ phê chuẩn hành vi làm chết không đau đớn và cũng không có các cuộc thảo luận công khai về chủ đề này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Alberto Roque nhận định rằng chủ đề này sẽ được nhắc đến nhiều hơn khi giới chức tiến hành soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực thi luật mới và các quy định liên quan.
Đứng bên ngoài Viện Ưng thư học và Sinh vật học phóng xạ, y tá Suaima Lopez, 47 tuổi, đang chịu đau đớn vì bệnh ung thư trực tràng, đã nói bà ủng hộ việc cho phép làm chết không đau đớn trong trường hợp bà hoặc các bệnh nhân khác không thể phục hồi.
“Các gia đình muốn giữ những người thân yêu của họ sống cho đến tận những thời khắc sau cùng, nhưng mọi người phải nghĩ cho những đau đớn họ phải chịu đựng”, bà Suaima Lopez nói với Reuters.
“Nếu mà chúng ta cho phép chết đường hoàng… vào một thời điểm nhất định khi không còn làm gì thêm được nữa… thì hãy để tôi chết thanh thản, một cách yên bình và nhẹ nhàng”, bà Suaima Lopez nói.
Hải Đăng (Theo Reuters)
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…