Lập trường cứng rắn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với vấn đề hạt nhân Iran đã gây ra những phản ứng khác nhau từ người dân Iran. Các phóng viên Reuters hôm thứ Bảy (14/10) ghi nhận rằng bên trong chế độ Tehran một số người thờ ơ, những người khác bày tỏ niềm tự hào dân tộc, đoàn chết chống Mỹ, nhưng đa số thường dân thực sự lo lắng sẽ tái diễn tình trạng khó khăn kinh tế khi thỏa thuận hạt nhân kết thúc.
Người dân thủ đô Tehran mua báo để nắm bắt thông tin về vấn đề Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trước đó vào hôm thứ Sáu (13/10), trong một chuyển dịch chính sách ngoại giao lớn đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng ông có thể đơn phương kết thúc Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt chế tài kinh tế lên chế độ Tehran.
Theo Reuters, các nhà chức trách Iran gần đây thừa nhận rằng có tới 15% số người trong độ tuổi lao động tại Iran đang bị thất nghiệp. Nhiều người lao động chỉ được trả số tiền công ít ỏi, điều này có nghĩa rằng con số người không thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống còn cao hơn rất nhiều số liệu mà chính quyền Iran công bố.
Để cải thiện nền kinh tế, Tổng thống Rouhani đã trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư toàn cầu tới Iran kể từ sau khi các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ theo Thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có một vài nhà đầu tư Châu Âu quay trở lại thị trường Iran, trong đó có nhà sản xuất máy bay Airbus, Tập đoàn năng lượng Total của Pháp và công ty Siemnes của Đức.
Thiếu đầu tư nước ngoài đồng nghĩa với không tạo ra được nhiều việc làm và nếu nhiều biện pháp trừng phạt hơn được áp đặt, sẽ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thất nghiệp. Reuters cho biết các cửa hàng trao đổi ngoại tệ tại Iran đang từ chối bán ra thị trường đồng USD do lo ngại về tình trạng bất ổn sẽ dẫn tới đồng Rial bị mất giá như đã từng xảy ra trong quá khứ. Người dân cũng lo lắng các chế tài mới sẽ khiến cho giá các nhu yếu phẩm như gạo, bánh mì, sữa và các sản phẩm từ sữa tăng cao.
Gholamali Part, giáo viên tiểu học 43 tuổi, sống tại thủ đô Tehran nói với Reuters rằng: “Lo lắng của tôi là nền kinh tế sẽ trở lại thời kỳ bị trừng phạt khi đó chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm và thuốc men thiết yếu. Tôi muốn con trai mình có cuộc sống tốt”.
Anh Hossein, người từ chối nêu tên đầy đủ, nói với Reuters rằng anh và hàng triệu người dân Iran khác – những người chịu ảnh hưởng chính từ các chế tài quốc tế, không có nhiều hy vọng về tương lai của thỏa thuận hạt nhân. “Chúng tôi sẽ bị trừng phạt một lần nữa”, anh Hossein nói một cách bi quan.
Mặc dù đã rất mệt mỏi vì những khó khăn kinh tế trong những năm bị trừng phạt nặng nề do chương trình hạt nhân, nhưng nhiều người vẫn kiên quyết ủng hộ quyết định của các nhà cầm quyền Iran trong việc chống lại các áp lực từ phía Mỹ.
Minou Khosravani, một người nội trợ 37 tuổi, mẹ của hai đứa trẻ, sống ở thành phố Yazd, nói với Reuters rằng: “Ma quỷ nào xui khiến ông Trump đe dọa đất nước và người dân Iran? Tất nhiên chúng tôi không muốn kinh tế khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ là con rối của họ và làm bất cứ điều gì họ nói”.
Thợ cắt tóc Ziba Ghanbari, 42 tuổi, sống ở thành phố miền bắc Rasht cho hay: “Tôi không phải là người ủng hộ chế độ hiện nay. Nhưng tôi đứng về phía các nhà cầm quyền Iran chống lại ông Trump và áp lực vô lý của ông ta lên Iran”.
Người Iran trên khắp thế giới cũng dùng mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận trước phát biểu của Tổng thống Mỹ.
Ông Mostafa Tjzadeh, cựu quan chức đã từng là tù nhân lương tâm 7 năm tại Iran, đăng tweet rằng: “Một quốc gia, Một thông điệp: Nói Không với #Trump. Chúng ta sẽ cùng nhau”.
Nhà báo Niloofar Ghadiri tweet: “Hùng biện dài dòng, ít có thực chất”.
Tuy vậy, cũng có một số người tỏ ra thờ ơ với tình cảnh khó khăn sắp tới của đất nước. Arjang Bakhtiari, 19 tuổi, sống trong gia đình giàu có, sở hữu nhiều nhà máy ở các thành phố khắp Iran, đã nói rằng: “Tôi không quan tâm. Tôi sẽ có những ngày nghỉ nếu thỏa thuận [hạt nhân] thất bại. Điều quan trọng là tôi có thể đi nghỉ với bạn bè”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…