Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyển dụng một nhóm những người thông thạo tiếng Anh tuyên truyền cho mình trên các phương tiện truyền thông xã hội bên ngoài Trung Quốc như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube, giúp né tránh sự chỉ trích của quốc tế.
Ngày 30/3, hãng tin AP đã công bố một báo cáo điều tra dài nói rằng ĐCSTQ đã âm thầm lôi kéo một nhóm “những người nổi tiếng trên Internet” nói tiếng Anh để tuyên truyền ở nước ngoài, chuyển dịch những phê bình của quốc tế, đồng thời thúc đẩy những quan điểm chính của ĐCSTQ về các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và chiến tranh Nga – Ukraine.
Hãng tin AP đã xác định được hàng chục tài khoản như vậy, những tài khoản này có hơn 10 triệu người theo dõi, hầu hết thuộc sở hữu của các nhà báo từ các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ. ĐCSTQ cũng đã thuê các công ty tuyển dụng những người phương Tây có ảnh hưởng, những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trên mạng internet để truyền tải những thông điệp được trau chuốt kỹ lưỡng lên mạng xã hội. Cũng có một số người phương Tây đăng những nhận xét ủng hộ Trung Quốc trên các kênh YouTube và Twitter, tất cả đều được ĐCSTQ bí mật hỗ trợ hoặc tài trợ.
Miburo, công ty có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi các chiến dịch thông tin sai lệch ở nước ngoài, cho biết với sự giúp đỡ của những người có ảnh hưởng này, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành tuyên truyền kiểu tấn công đối với người dùng không chút nghi ngờ trên Instagram, Facebook, TikTok và YouTube toàn thế giới. Lực lượng tuyền truyền bao gồm ít nhất 200 người nổi tiếng trên Internet có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc hoặc các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ, và họ hoạt động bằng 38 ngôn ngữ khác nhau. Đó chỉ là một phần nhỏ của những gì đã được phát hiện.
Hãng tin AP xác định một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói tiếng Anh, chủ yếu là phụ nữ trẻ. Họ tự gọi mình là “du khách” và chia sẻ ảnh cũng như video cho thấy Trung Quốc là một điểm đến bình dị.
Những cá nhân này đã không chủ động tiết lộ mối quan hệ của họ với Chính phủ ĐCSTQ và không đề cập đến người thuê họ, chẳng hạn như Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN, Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Tân Hoa xã.
Ví dụ: Vica Li, người có tổng cộng 1,4 triệu người theo dõi trên TikTok, YouTube, Instagram và Facebook, tự mô tả mình là một “blogger về đời sống” và “người yêu ẩm thực“. Cô sử dụng Zoom để dạy các khóa học tiếng Trung và muốn dạy cho người hâm mộ của cô “hiểu về Trung Quốc“.
Nhưng điều mà Vica Li không tiết lộ đó là cô từng là phóng viên của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), đây là một kênh truyền thông của ĐCSTQ. Trong khi Vica Li nói với những người “follow cô” rằng cô “tự tạo tất cả các kênh này“, nhưng tài khoản Facebook của cô lại cho thấy có ít nhất 9 người đang quản lý.
Lý Thanh Thanh (Li Jingjing), một YouTuber khác được hãng tin AP xác nhận, tự mô tả mình là một “khách du lịch”, “người kể chuyện” và “phóng viên”. Cô hy vọng 21.000 người hâm mộ “nhìn thế giới qua ống kính của tôi”. Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bị lên án rộng rãi, Lý Thanh Thanh đã phát một đoạn video tuyên bố rằng Ukraine đang thực hiện tội ác diệt chủng, Mỹ và NATO đã kích động cuộc xâm lược của Nga. Nhưng điều mà cô không tiết lộ, rằng cô là một phóng viên của CGTN, và những quan điểm bày tỏ không chỉ của riêng cô, mà còn là những quan điểm của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một người khác nữa là Jessica Zang, cũng là một vlogger của CGTN, hiếm khi đề cập đến ông chủ của mình, cô nói 1,3 triệu người theo dõi trên Facebook (Facebook và Instagram đã xác định tài khoản của cô là “truyền thông của Trung Quốc (ĐCSTQ)”). Zang đã đăng rất nhiều ảnh du lịch phong cảnh, nhưng chúng xen kẽ với các bài viết tuyên truyền, chẳng hạn như video phỏng vấn có tiêu đề “Người nước ngoài ở Bắc Kinh nhìn nhận thế nào về ĐCSTQ và cuộc sống của họ ở Trung Quốc ra sao?” để mỹ hoá đảng này.
Vào tháng Tư năm ngoái, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã cố gắng mở rộng quy mô người ảnh hưởng của mình, họ mời những người nói tiếng Anh tham gia vào một cuộc thi kéo dài một tháng và những người đủ điều kiện sẽ đến London, Nairobi hoặc Washington để làm các công việc trên mạng xã hội.
Công ty CGTN Mỹ đã đăng ký làm đại lý nước ngoài của ĐCSTQ, các công ty công nghệ như Facebook và Twitter đã cam kết cảnh báo người dùng Mỹ về tuyên truyền nước ngoài bằng cách đánh dấu các tài khoản truyền thông do nhà nước hậu thuẫn. Nhiều tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng của ĐCSTQ được đánh dấu là phương tiện truyền thông do nhà nước bảo trợ.
Tờ Guardian đưa tin, Tổng lãnh sự quán ĐCSTQ tại New York đã ký một hợp đồng trị giá 300.000 USD với Vippi Media thuộc sở hữu của Vipinder Jaswal – một cộng tác viên của Newsweek từng là quản lý cấp cao của Fox News và ngân hàng HSBC. Theo lời tự giới thiệu trên trang web cá nhân của ông Vipp Jaswal, người sáng lập Vippi Media, ông Vipp là một cựu nhà đàm phán con tin, Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn trí tuệ giữa các cá nhân, một chuyên gia viết báo cho Newsweek và là một cựu MC phát thanh quốc gia. Ông nói rằng ông có 30 năm kinh nghiệm quốc tế trong quản lý cấp cao của các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 về lĩnh vực truyền thông và tài chính, sự nghiệp của ông “trải dài khắp 7 quốc gia trên 3 châu lục”.
Theo hợp đồng, Jaswal sẽ giúp ĐCSTQ phát động tấn công trên mạng xã hội, thuê số lượng lớn những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phương Tây thực hiện các chương trình trên TikTok, Instagram và Twitch để quảng bá Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và Paralympic (Thế vận hội người khuyết tật) sau đó.
Bài viết cho biết trước thềm Thế vận hội Mùa đông 2022, ĐCSTQ đang chuyển sang mời những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp cải thiện hình ảnh bị tổn hại của họ.
Hợp đồng này được đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, bắt đầu vào tháng 11/2021 và kết thúc với Thế vận hội Mùa đông vào tháng 3/2022. Theo hợp đồng, Jaswal nhận được khoản thanh toán trước 210.000 USD ngay sau khi ký kết thỏa thuận.
Hợp đồng đưa ra một chiến lược truyền thông xã hội chi tiết, theo đó những người có ảnh hưởng phương Tây sẽ sản xuất từ 3 – 5 chương trình cho khán giả mục tiêu của họ. Dựa theo số lượng người theo dõi và hoạt động của nền tảng, những người có ảnh hưởng được chia thành ba cấp: người ảnh hưởng lớn, người ảnh hưởng trung bình, và người ảnh hưởng nhỏ.
Theo hợp đồng, ĐCSTQ yêu cầu 70% nội dung tuyên truyền liên quan đến văn hóa (làm nổi bật lịch sử, di tích văn hóa và cuộc sống hiện đại của Bắc Kinh), 20% liên quan đến “hợp tác tốt đẹp” trong quan hệ Mỹ – Trung, và 10% nội dung còn lại sẽ liên quan đến các tin tức và xu hướng chung của lãnh sự quán.
Jaswal nói với Guardian rằng công ty của ông ta đã nhận được lời đề nghị hợp tác từ khoảng 50 người có ảnh hưởng, bao gồm cả các cựu vận động viên Olympic và các doanh nhân. Theo hợp đồng, Jaswal có kế hoạch cung cấp 3,4 triệu lần tuyên truyền tích cực về ĐCSTQ trên các nền tảng mạng xã hội mà những người trẻ tuổi thường xuyên sử dụng.
Việc ký kết hợp đồng vào năm ngoái diễn ra khi vào tháng 12 các quan chức Mỹ, Anh, Canada và Úc tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội tại Bắc Kinh vì cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền.
Ngoài ra, người dẫn chương trình Đài phát thanh Chicago, ông John St. Augustine nói với Hãng tin AP rằng một người bạn sống ở Falls Church thuộc tiểu bang Virginia và sở hữu Đài Phát thanh Thế giới Mới (New World Radio), đã mời ông cùng một đội ngũ của Bắc Kinh tổ chức một podcast có tên “Cầu nối” (The Bridge).
Ông nói nói rằng ông không biết CGTN đã trả cho Đài Thế giới Mới 389.000 USD để sản xuất podcast, theo tài liệu nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ, đài phát thanh này cũng được trả hàng triệu đô để phát sóng nội dung của CGTN 12 giờ một ngày.
Patricia Lane, đồng chủ sở hữu của Đài phát thanh Thế giới Mới, nói rằng mối quan hệ của đài với CGTN đã kết thúc vào tháng 12.
Hãng tin AP cho biết, ngày càng nhiều người nổi tiếng trên Internet nói tiếng Anh cũng đang quảng bá các thông điệp ủng hộ Trung Quốc qua các video YouTube hoặc Twitter, họ xây dựng một hệ sinh thái trực tuyến với sự hỗ trợ mạnh mẽ của ĐCSTQ.
Hãng tin AP trích dẫn 2 ví dụ: blogger video người Anh Jason Lightfoot, có kênh “Cuộc sống ở Trung Quốc” trên YouTube. Youtuber Andy Boreham tại New Zealand là một phụ trách chuyên mục của Nhật báo Thượng Hải, và điều hành kênh “Truyền thông nước ngoài nhìn Trung Quốc” trên YouTube. Họ đều truyền bá thông tin ủng hộ ĐCSTQ.
Tờ New York Times từng đưa tin rằng những video này rất bình thường và đơn giản, nhưng ở khía cạnh khác, chúng thường được tổ chức và quảng bá bởi Chính phủ Trung Quốc. Thứ nhất, những người có ảnh hưởng phương Tây thân Bắc Kinh này được ĐCSTQ hỗ trợ và có thể đến thăm và quay phim các khu vực của Trung Quốc, những nơi này đều là nơi mà chính quyền cản trở các nhà báo nước ngoài đưa tin.
Thứ hai, họ hoặc đã nhận được tài trợ từ ĐCSTQ hoặc ĐCSTQ đã giúp họ quảng bá video của mình. Ví dụ, sau khi người nổi tiếng Internet phương Tây Raz Gal-Or đăng video về trang trại trồng bông của mình ở Tân Cương trên YouTube, trong vòng vài tuần, video đã được chia sẻ bởi ít nhất 35 tài khoản Facebook và Twitter do Đại sứ quán Trung Quốc và cơ quan truyền thông nhà nước vận hành, những tài khoản này có tổng cộng khoảng 400 triệu người hâm mộ.
Youtuber người Mỹ Matthew Tye và bạn đối tác Winston Sterzel tin rằng trong nhiều trường hợp, ĐCSTQ đang trả tiền cho sáng tác của những người có ảnh hưởng ở phương Tây này.
Năm ngoái, hai người họ đã nhận được một email từ Hong Kong Pear Technology gửi đến những người có ảnh hưởng trên YouTube, yêu cầu họ chia sẻ một video tuyên truyền của tỉnh Hải Nam Trung Quốc trên kênh của họ.
Matthew Tye và Winston Sterzel đã sống ở Trung Quốc nhiều năm, và là những người công khai phê bình ĐCSTQ. Họ cho rằng Hong Kong Pear Technology có thể đã gửi nhầm thư, nhưng họ giả vờ quan tâm và sau một vài cuộc thảo luận qua lại, công ty này đã nhanh chóng đưa ra yêu cầu, yêu cầu họ đăng video tuyên truyền, khẳng định COVID-19 không có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà từ loài hươu đuôi trắng ở Bắc Mỹ.
Một nhân viên của công ty này viết trong thư điện tử rằng: “Chúng tôi có thể cung cấp 2.000 USD (cân nhắc đến tính chất của loại nội dung này, nên hoàn toàn có thể thương lượng), nếu bạn có hứng thú, hãy cho tôi biết.”
Sau khi Matthew Tye và Winston Sterzel yêu cầu cung cấp các bài viết chứng minh các tuyên bố sai sự thật, các thư điện tử trao đổi cũng chấm dứt.
Matthew Tye và Winston Sterzel cho biết, cuộc trao đổi đã mở ra bức màn về cách Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên internet tuyên truyền và từ đó thu lợi.
Trí Đạt (t/h)
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…