Bắt đầu từ ngày 29/11, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi được tổ chức tại Dakar – Senegal trong hai ngày liên tiếp. Do quy mô và mức độ tham gia lần này không bằng những lần trước, nên có nhận định cho rằng bữa tiệc hợp tác Trung – Phi sắp kết thúc, và có thể thời khắc vỡ mộng đã đến.
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi tổ chức tại Senegal vào năm 2021, nhưng cấp độ không còn được như trước. Hình ảnh Diễn đàn Trung Quốc-châu Phi tại Bắc Kinh vào ngày 4/9/2018, khi đó ông Tập Cận Bình và các nguyên thủ nhiều nước châu Phi đã tham dự (Lintao Zhang/AFP/ Getty Images).
Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney của Úc nói với Epoch Times vào ngày 28 rằng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thâm nhập châu Phi từ 20 – 30 năm, hàng năm chi rất nhiều tiền giúp con cái của các quan chức chính quyền địa phương châu Phi đến du học ở Trung Quốc. ĐCSTQ đã rất thành công trong kiểu mua chuộc này. Nhưng gần đây, người dân tại các địa phương ở châu Phi ngày càng bất bình vì các tranh chấp khai thác mỏ, bóc lột lao động và kinh tế tước đoạt (predatory economics).
Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi được tổ chức 3 năm một lần, lần gần nhất được tổ chức mở rộng tại Bắc Kinh vào năm 2018, tham gia bao gồm nhà lãnh đạo từ các nước như Nigeria, Madagascar, Guinea-Bissau, Zimbabwe, Tunisia, Sao Tome và Principe, Algeria, Morocco, và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi.
Nhưng quy mô tổ chức lần này nhỏ hơn nhiều, đã gần 2 năm lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình không ra nước ngoài. Vì Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào đã không thể tham dự, nên vào ngày 29/11 ông Tập Cận Bình đã tham dự qua video từ Bắc Kinh. Mức độ tham gia của các nguyên thủ tại châu Phi không còn như trước, chỉ còn được như một hội nghị cấp bộ trưởng.
Vào ngày 26/11, tờ Le Monde của Pháp đã đăng phóng sự đặc biệt với chủ đề “Châu Phi và Trung Quốc – Khoảnh khắc vỡ mộng”. Trong đó đề cập bữa tiệc hợp tác Trung – Phi đã kết thúc, cả hai phía cùng cảm thấy có chút vỡ mộng về nhau, đều nhận ra để kích thích sự phát triển thì không chỉ có vấn đề vung tiền là xong.
Trong ví dụ gần đây nhất, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đang đánh giá lại mỏ đồng và các thỏa thuận đầu tư khai thác khác đã ký với ĐCSTQ. Qua đó, họ nhận thấy rằng nhiều phần của hợp đồng quy mô lớn “cơ sở hạ tầng khoáng sản” được ký kết năm 2008 dưới lãnh đạo của cựu Tổng thống Kabila đến nay chưa được thực hiện, bao gồm 31 bệnh viện được ĐCSTQ quy hoạch nhưng chưa cái nào được hoàn thành, và tuyên bố xây dựng hai trường đại học nhưng cũng không thấy.
Lịch sử trợ giúp của ĐCSTQ đối với châu Phi đã có từ lâu. Ngay từ những năm 1950 khi các phong trào chống thực dân và giành độc lập dân tộc bùng nổ ở châu Phi, ông Mao Trạch Đông đã đề xuất lý luận “thế giới thứ ba” để hỗ trợ phong trào giải phóng dân tộc châu Phi, và ĐCSTQ đã sử dụng lý luận này để lôi kéo các nước châu Phi giúp mở rộng không gian quốc tế cho họ.
Ông Phùng Sùng Nghĩa nói rằng, “Ngay cả trong thời kỳ Đại nhảy vọt và Nạn đói lớn nhưng ĐCSTQ đã không gián đoạn sự trợ giúp đối với các nước châu Phi, vẫn mua chuộc giới lãnh đạo của các nước châu Phi. Cách này cũng được họ dùng để kiểm soát các tổ chức quốc tế, ĐCSTQ chi rất nhiều vốn trong việc này”.
ĐCSTQ đã thành lập 62 Viện Khổng Tử ở châu Phi, từ năm 2006 đã thành lập học bổng để hỗ trợ sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc. Từ năm 2003 – 2018, số lượng sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc đã tăng gấp 40 lần. Giới quan sát có chỉ ra rằng họ sử dụng các Học viện Khổng Tử để thâm nhập vào hệ thống giáo dục toàn cầu và xuất khẩu hệ tư tưởng toàn trị ra thế giới.
Ông Phùng Sùng Nghĩa cho biết, nhiều dự án của ĐCSTQ ở châu Phi không khả thi về mặt kinh tế, hoặc thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, và cuối cùng đã trở thành những dự án dở dang hoang phế, những dự án vung tiền hoang phí mà không hiệu quả đã thành gánh nặng nợ nần là yếu tố quan trọng ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc – châu Phi.
Ông cho rằng một số nước châu Phi sau khi dân chủ hóa sẽ còn bất mãn hơn với chế độ độc tài mà ĐCSTQ đã mua chuộc. Năm ngoái, trong truy cứu của cộng đồng quốc tế đòi bồi thường vì dịch bệnh COVID-19 cũng có tham gia của nhiều nước châu Phi. Điều này cho thấy ‘thời kỳ vỡ mộng’ đã đến. Sau 20 – 30 năm, họ phát hiện ĐCSTQ còn tồi tệ hơn những người thực dân trước đây, vì vậy họ không còn duy trì mối quan hệ thân thiết với ĐCSTQ nữa.
Gần đây đã xảy ra nhiều cuộc xung đột trong các trại khai thác mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuần trước đã có nhóm vũ trang tấn công người Trung Quốc làm 2 người chết và 8 người mất tích. Trước đó, dân làng ở nhiều ngôi làng tại tỉnh Nam Kivu của Congo đã tổ chức phản đối việc khai thác vàng trái phép của các công ty Trung Quốc. Kết quả là 6 giấy phép khai thác của các công ty Trung Quốc đã bị hủy bỏ.
Bà Hà Thanh Liên, một học giả xã hội học kinh tế Trung Quốc người Mỹ gốc Hoa từng nói, trong mắt người dân châu Phi và cánh tả trên thế giới thì Trung Quốc là một nước tiêu biểu cho chủ nghĩa thực dân mới nhưng tệ hơn và đáng ghét hơn các nước thực dân trước đây. Vì ĐCSTQ đã dùng tiền mua chuộc sự ủng hộ của những người cầm quyền ở các nước châu Phi, nhưng mua được chính phủ mà không thể đủ tiền để mua được xã hội. Tội cướp tài nguyên và hủy hoại môi trường của đảng này đã bị các tổ chức nhân quyền và bảo vệ môi trường châu Phi lên án.
Trong bài báo “Lịch sử, hiện trạng và tương lai của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi”, hãng tin BBC của Anh đã đề cập rằng 53 trong số 54 nước châu Phi là thành viên của diễn đàn, chỉ có nước duy nhất không tham gia là Eswatini (tên gọi cũ là Swaziland) là nước không có quan hệ ngoại giao Trung Quốc mà thay vào đó là thân Đài Loan.
Bài viết đề cập rằng ngay trước khi diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi lần thứ 8, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thăm 3 nước châu Phi và nhắc nhở các nước cảnh giác trước “bẫy nợ” của ĐCSTQ, qua đó nhấn mạnh Mỹ muốn cung cấp cho châu Phi một hướng đi khác, để thuyết phục các nước châu Phi hợp tác trong các dự án của Mỹ nhằm mang lại lợi ích cho người lao động địa phương và bền vững hơn.
Sau động thái từ ông Blinken, vào ngày 26/11, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện ĐCSTQ đã ban hành sách trắng “Hợp tác Trung Quốc – châu Phi trong kỷ nguyên mới”, Ngoại trưởng ĐCSTQ là Vương Nghị cũng đến Senegal và được giới quan sát ví như là Mỹ và Trung Quốc đang đấu nhau ở châu Phi.
Ông Lư Chính Phong (Lu Zhengfeng) – Phó giáo sư Khoa Quốc tế và Đại Lục tại Đại học Kim Môn Đài Loan, cho rằng sự hiện diện của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi qua video cho thấy, ông Tập sẽ tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở châu Phi cũng như cung cấp hỗ trợ vắc-xin COVID-19 cùng các khoản vay mới. “ĐCSTQ sẽ không thể hiện sự yếu kém, ít nhất là hứa hẹn bằng lời rằng sẽ tiếp tục, còn chuyện tiền có đến hay không thì phải chờ xem”.
ĐCSTQ đã mở nguồn cung cấp thủy sản xa bờ và xây dựng các căn cứ quân sự mới ở châu Phi, ông Lư Chính Phong chỉ ra đây có thể coi là một hiện tượng trong khuôn khổ cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc, còn “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ đã quá tốn kém nên việc duy trì được bao lâu còn tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế và chính trị của họ.
Tông Văn, Epoch Times
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…