Chuyện đời cựu quan chức ngoại giao cấp cao: Vì sao tôi thoái ĐCSTQ
- Minh Nhật
- •
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) từng là Đệ nhất Tham vụ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc. Tháng 5 năm 2005, ông Trần bất ngờ đào thoát khỏi vị trí của mình tại Tổng lãnh sự. Ông xuất hiện trước công chúng vào ngày 4/6/2005 tại lễ tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn ở Sydney, phơi bày chính sách gián điệp và bắt cóc của Trung Quốc tại Úc, đồng thời hứa rằng sẽ tiết lộ tất cả những gì bản thân biết về những hoạt động đen tối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cũng vào ngày 4 tháng 6 này, ông Trần cùng vợ tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ:
Nguyên Đệ nhất Tham vụ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Trần Dụng Lâm, và vợ tuyên bố thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trần Dụng Lâm
Sydney, Úc
20:51 ngày 4 tháng 6, 2005
Sự kiện ông Trần Dụng Lâm đào thoát xuất hiện cùng lúc với sự việc một nhân viên phòng 610 trốn khỏi Trung Quốc và xin tị nạn tại Úc (Xem bài: Chuyện đời của cựu quan chức phòng 610: “Vì sao tôi trốn khỏi Trung Quốc?”). Điều này đã gây ra một cơn chấn động không nhỏ trên phương diện nhân quyền và ngoại giao của phương Tây đối với ĐCSTQ vào thời bấy giờ.
Phần chia sẻ dưới đây được ghi lại từ bản ghi âm trực tiếp bài phát biểu của ông Trần trong một cuộc họp cộng đồng người Hoa ở Melbourne vào tháng 8/2005.
*
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Hội Văn hóa Baiming đã cho tôi cơ hội giao lưu với cộng đồng người Hoa tại địa phương. Sau khi thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tôi không có bất kỳ cơ hội nào để nói chuyện với cộng đồng người Hoa vì một số lý do, đặc biệt là vì lý do an ninh. Hôm nay, tôi ở đây để nói về những suy nghĩ của tôi và kể câu chuyện của tôi, để các bạn có thể biết rõ tôi là người như thế nào. Về việc bạn có thể hiểu tôi hay không, điều đó phụ thuộc vào chính bạn.
Sau khi tôi thoái ĐCSTQ, nhiều người Hoa nghĩ rằng hành động của tôi ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Hoa. Tất nhiên, người ta cũng thấy ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của người Úc. Nó đã trở thành một chủ đề thảo luận trong xã hội dòng chính. Mọi người cũng chỉ trích cách chính phủ xử lý sự kiện này. Các bình luận không chỉ đến từ cộng đồng người Hoa, mà còn từ xã hội chính thống của Úc. Toàn bộ xã hội Úc đang chú ý rất nhiều đến những sự kiện liên quan đến câu chuyện công khai của tôi.
Nhiều người hỏi mục đích của tôi khi đào thoát khỏi Lãnh sự quán. Nhiều người không hiểu tại sao tôi rời bỏ. Họ nghĩ rằng tôi rời khỏi Lãnh sự quán đơn giản vì tôi muốn đạt được mục đích cá nhân nào đó. Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng tôi luôn căm ghét ĐCSTQ kể từ khi cha tôi bị bức hại đến chết. Nếu đúng như vậy thì tại sao tôi không thoái ĐCSTQ sớm hơn? Tôi muốn nói với mọi người rằng tôi đã mất nhiều thời gian để nhận ra cảm xúc thật sự mà bản thân dành cho ĐCSTQ, và chúng phải mất một thời gian dài để xuất hiện. Giống như một hạt giống phải nảy mầm, rồi dần dần phát triển từ nhỏ đến lớn, những cảm nhận về sự bất công mà ĐCSTQ gây ra cần có thời gian và một quá trình để trưởng thành.
Tôi là một người bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường, vì vậy không dễ dàng gì để tôi có thể đưa ra quyết định đó. Không phải tôi không nghĩ đến hậu quả của việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ; tôi cũng không chỉ nghĩ đơn giản, “Tôi muốn ở lại Úc, vì vậy tôi sẽ thoái ĐCSTQ.” Tôi biết rằng có nhiều người đã rời khỏi lãnh sự quán Trung Quốc, nhưng nhiều người trong số họ đã đến Hoa Kỳ vì chính phủ Hoa Kỳ dễ dàng chấp nhận họ hơn. Tình huống của họ không khó như tôi.
Tôi muốn bắt đầu bằng cách kể về thời thơ ấu của mình. Mẹ tôi là một giáo viên và cha tôi từng là sinh viên của Đại học Thanh Hoa. Năm 1971, khi cha tôi về quê nghỉ hè, ông đã chép lại bằng thư pháp một yêu cầu khiếu nại cho một người dân trong làng, đơn giản vì ông có chữ viết đẹp. Ông ấy không chống lại ĐCSTQ. Những người khác đã thực hiện việc khiếu nại. Tuy nhiên, ông lại bị chính quyền làng bắt cóc trên đường về nhà và giam cầm trong một cầu thang hẹp. Họ không cho ông ăn gì và đánh đập ông thường xuyên. Sau hai tuần, họ đánh ông đến chết.
Cái chết của cha đã có một tác động rất lớn đến gia đình tôi. Chúng tôi đã mất một bờ vai, mất sự ổn định. Lúc đó tôi mới ba tuổi và có hai anh trai, một em gái. Mẹ tôi tự mình nuôi dưỡng chúng tôi. Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn như thế nào. Khi đó ở làng, một góa phụ không thể tái hôn. Vậy nên sau khi cha tôi qua đời, chúng tôi sống rất khó khăn. Tuy nhiên, mẹ tôi rất cứng cỏi. Mẹ luôn động viên tôi học hành chăm chỉ để gia đình tôi có thể vượt lên trên cuộc sống của những người dân trong làng, trở nên tốt đẹp hơn.
Khi tôi 12 tuổi, ông bà muốn tôi làm nông dân. Họ nói rằng tôi có thể làm việc trong đội sản xuất và kiếm được một số tiền. Như thế, cuộc sống của chúng tôi có thể tốt hơn một chút; ít nhất, chúng tôi sẽ có thức ăn mà tôi kiếm được. Nhưng mẹ tôi nói rằng tôi học giỏi, vì vậy dù cuộc sống của chúng tôi có khó khăn đến đâu, mẹ cũng sẽ cho tôi học thay vì trở thành một người nông dân.
Tôi luôn học tập chăm chỉ. Khi tôi học trung học cơ sở, tôi luôn đứng đầu lớp. Năm 1985, tôi trúng tuyển vào trường Cao đẳng Ngoại giao sau kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi nhận ra rằng mình sẽ có một công việc ổn định. Ít nhất, tôi sẽ không phải lo lắng về cuộc sống của mình. Giờ đây khi nhìn lại quá khứ, tôi nhận ra rằng nếu mẹ không nhất quyết cho tôi tiếp tục học, thì dù cuộc sống có cải thiện, bây giờ tôi cũng sẽ là một người nông dân. Và tôi sẽ không ở đây để gặp gỡ với các bạn.
Khi tôi học tại trường Cao đẳng Ngoại giao, tôi đã học được nhiều tư tưởng và triết lý mới, đặc biệt là một số tư tưởng triết học phương Tây từ Socrates, từ Plato đến Rousseau. Sau khi tìm hiểu về các trường phái tư tưởng khác nhau, tôi bắt đầu suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến cái chết do bị tra tấn của cha tôi trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Khi phong trào ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đang diễn ra, tôi đang thực tập tại NBC, công ty phát thanh truyền hình Hoa Kỳ. Mặc dù không tham gia vào toàn bộ phong trào, tôi đã dành nhiều thời gian ở Thiên An Môn trong các cuộc biểu tình. Tôi tham gia cuộc diễu hành và ủng hộ phong trào dân chủ. Tôi đã ở Quảng trường Thiên An Môn vào đêm ngày 3 tháng 6. Tôi đã chứng kiến vụ thảm sát. Một trong những người bạn cùng lớp của tôi đã bị bắn gần phổi. Bác sĩ xác nhận rằng viên đạn đã nổ trong người anh và anh bị thương rất nặng. Thật may mắn là cuối cùng anh ấy đã được cứu. Tôi hiểu toàn bộ tình hình của phong trào ủng hộ dân chủ thời bấy giờ.
Vào thời điểm đó, tôi đã trải nghiệm phong trào ủng hộ dân chủ như một sinh viên bình thường. Tôi đã chứng kiến lịch sử thực sự. Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã biến sự kiện này thành một “sự xáo trộn chính trị”. Tôi biết lịch sử thực sự đã bị buộc phải viết lại. Tôi tình cờ tốt nghiệp năm đó. Vào thời điểm ấy, nhà trường đã yêu cầu tất cả học sinh phải nộp một “văn bản ăn năn hối cải”. Chỉ sau khi viết lời sám hối, nhà trường mới cấp bằng tốt nghiệp cho chúng tôi.
Mẹ tôi hy vọng rằng tôi có thể làm việc ở Bắc Kinh, vì vậy tôi đã tiếp tục theo học ngành Quan hệ quốc tế tại trường Cao đẳng Ngoại giao. Kết quả là tôi đã có đủ tư cách để vào Bộ Ngoại giao sau hai năm. Sau khi vào Bộ Ngoại giao, tôi làm việc trong Đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji từ năm 1994 đến 1998. Tôi được bổ nhiệm đến Sydney năm 2001. Tôi làm việc ở đó cho đến khi tôi rời Lãnh sự quán vào tháng 5 vừa rồi.
Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, tôi bắt đầu nghĩ về ĐCSTQ. Tôi cảm thấy thật mệt mỏi khi phải sống theo hệ thống. Tôi đặc biệt cảm thấy mình không có tự do về tinh thần. Khi tôi thực tập với NBC, tôi nghĩ rằng những phóng viên đó thực sự có tinh thần cống hiến. Họ sẵn sàng làm việc. Họ được tự do về tinh thần và công việc. Tuy nhiên, tôi không được tự do khi làm việc cho Bộ Ngoại giao. Sau khi vụ việc Thiên An Môn xảy ra, chính quyền trung ương đã bắt đầu một loạt các chiến dịch tẩy não. Lúc đầu, Đặng Tiểu Bình đề xuất phản đối việc tự do hóa giai cấp tư bản. Sau đó là thuyết “ba đại diện” của Giang Trạch Dân. Hiện tại [năm 2005] là “giáo dục tiên phong” các Đảng viên ĐCSTQ của Hồ Cẩm Đào. Sau 14 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao, với tư cách là người trong hệ thống của ĐCSTQ, tôi biết toàn bộ hoạt động của hệ thống. Tôi đã chứng kiến sự thối nát của nó và biết cách ĐCSTQ kiểm soát con người, kiểm soát suy nghĩ của con người và kiểm soát tôn giáo. Sau năm 1949, chúng ta biết rằng ĐCSTQ đã tiến hành một loạt các phong trào toàn trị, tất cả đều nhằm vào những người vô tội. Ước tính một cách thận trọng, ĐCSTQ đã tước đi mạng sống của 35 triệu người. Một ước tính rộng hơn là có lẽ 80 triệu người đã mất mạng. Khi nói về số người chết lên tới 35 triệu hay 80 triệu, về cơ bản có rất ít sự khác biệt trong ý nghĩa mà hai con số này mô tả.
Lý do chính khiến tôi thoái ĐCSTQ là do những gì tôi đã trải nghiệm khi làm việc ở Sydney trong bốn năm qua. Quan trọng nhất, tôi đồng cảm với Pháp Luân Công. Trước khi đến Sydney, tôi đã biết rất ít về Pháp Luân Công. Tôi chỉ biết rằng ĐCSTQ gọi đó là một tà giáo và phát đi nhiều vụ án tự sát được cho là do những người tu luyện Pháp Luân Công thực hiện. Mọi người ở Trung Quốc đều tin những câu chuyện này vì ĐCSTQ tích cực định hướng dư luận, và nhiều lần phát sóng những câu chuyện đó ở Trung Quốc. Mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin vào chúng, mặc dù nhiều trường hợp về cơ bản là hoàn toàn bịa đặt.
Tôi đã tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công vì tôi phụ trách “Ngũ độc” [hay năm phong trào đòi độc lập về tự chủ hay về tín ngưỡng mà ĐCSTQ gọi tắt là ngũ độc], đó là nền độc lập của Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, phong trào ủng hộ dân chủ và Pháp Luân Công. Năm điều này được cho là nguy hiểm đối với ĐCSTQ. Tôi tiếp xúc và ngày càng hiểu rõ hơn về Pháp Luân Công trong bốn năm. Tôi đã nghiên cứu nghiêm túc về Pháp Luân Công cũng như các bài phát biểu và lý thuyết của [người sáng lập Pháp Luân Công,] ông Lý Hồng Chí. Đặc biệt là qua những lần tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, tôi nhận ra hai đặc điểm của họ mà tôi thấy ấn tượng nhất. Một là sự chân thành; còn lại là lòng trắc ẩn.
Nếu bạn hỏi một học viên Pháp Luân Công, “Bạn có phải là học viên Pháp Luân Công không?” Anh ấy có thể sẽ trực tiếp trả lời, “Vâng, tôi đúng là.” Nếu anh ta không trả lời, bạn hỏi anh ta hai lần nữa, và anh ta vẫn không trả lời, thì anh ta đúng là một học viên Pháp Luân Công. Bởi vì học viên Pháp Luân Công không nói dối. Điều này gây ấn tượng sâu sắc cho tôi. Vì điểm này, nhân viên của Lãnh sự quán cho rằng việc kiểm soát các học viên Pháp Luân Công và lập danh sách đen về họ rất dễ dàng. Họ hoàn toàn có thể biết chắc chắn liệu người xin thị thực có phải là học viên Pháp Luân Công hay không trong vòng một phút. Nếu anh ta là một học viên Pháp Luân Công, tên của anh ta hoặc cô ta sẽ bị đưa vào danh sách đen.
Chính sách của Lãnh sự quán là tịch thu hộ chiếu của các học viên Pháp Luân Công khi họ đến gia hạn hộ chiếu. Thực ra, việc gia hạn hộ chiếu của họ rất đơn giản. Họ chỉ phải viết một văn bản ăn năn hối cải. Một người không tu luyện Pháp Luân Công sẽ làm như vậy. Để gia hạn hộ chiếu của mình, anh ta chỉ phải nói, “Pháp Luân Công là một *** giáo.” [Ở Úc,] có được hộ chiếu hợp lệ là điều quan trọng nhất [với người Hoa], phải không? Nhưng tôi tôn trọng các học viên Pháp Luân Công ở chỗ, bất kể điều gì xảy ra, họ sẽ không viết một lời hoặc nói “Pháp Luân Công là một *** giáo.” Họ nghĩ rằng nói ra những lời đó là phản bội lương tâm và nguyên tắc nói điều chân thật của họ.
Pháp Luân Công bị ĐCSTQ liệt vào danh sách các nhân tố gây bất ổn định. Họ bị nghiêm cấm nhập cảnh vào Trung Quốc trong những thời điểm “nhạy cảm” như Đại hội Đại biểu Nhân dân, Đại hội ĐCSTQ hoặc ngày 1/10 [Quốc khánh của ĐCSTQ].
Trong thời gian tôi làm việc tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Wang Xiaoqiang và Yuan Ying, hai phó giám đốc của Phòng 610 Trung ương, đã kiểm tra công việc về Pháp Luân Công tại các Đại sứ quán Trung Quốc ở Úc và New Zealand. Vào cuối năm 2003, Yuan Ying đã nói chuyện với chúng tôi về tình hình của Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông cho biết có khoảng 60.000 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc; một nửa ở trong các trại lao động và nhà tù, và một nửa bị giám sát nghiêm ngặt. Wang Xiaoqiang, một quan chức khác của Phòng 610, đến Lãnh sự quán vào năm 2002. Vào thời điểm đó, anh ta nói rằng cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang diễn ra không suôn sẻ. Mỗi ngày, hàng trăm học viên Pháp Luân Công có mặt tại Quảng trường Thiên An Môn để phản đối, và tất nhiên cảnh sát đã ở đó chờ bắt họ. Wang nói rằng anh ấy không thể hiểu được các học viên Pháp Luân Công. Họ đều rất yên bình. Khi cảnh sát yêu cầu họ lên xe, hầu hết họ đều làm theo. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cảm thấy mất mặt vì có quá nhiều học viên đến Quảng trường Thiên An Môn. Tới Thiên An Môn là một vấn đề rất nhạy cảm.
Khi làm việc tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, vì tôi có thiện cảm với các học viên Pháp Luân Công nên tôi khá buông lỏng trong việc thực hiện các chính sách của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Chính sách của Chính phủ Trung ương ĐCSTQ là: “Tích cực chống lại Pháp Luân Công trên mọi lĩnh vực, và giành được sự ủng hộ cũng như cảm thông của quần chúng”. Chính sách này yêu cầu chúng tôi phải có chiến lược đối với mọi hoạt động mà Pháp Luân Công tổ chức, bao gồm cả cuộc biểu tình của họ trước Lãnh sự quán. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức cho những người Hoa ở nước ngoài khác thực hiện các cuộc biểu tình phản đối Pháp Luân Công, mặc dù kế hoạch này sau đó đã bị bỏ dở. Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc biểu tình phản đối một cuộc biểu tình khác trước Lãnh sự quán là không phù hợp, vì sẽ dễ gây ra nhầm lẫn. Chúng tôi đã lên nhiều kế hoạch tương tự và thậm chí bắt đầu chuẩn bị để thực hiện chúng.
Ngoài ra, các học viên Pháp Luân Công thường tham gia hoạt động do chính quyền thành phố tổ chức và đăng ký gian hàng trong các hoạt động đó. Trước năm 2002, Pháp Luân Công hoàn toàn không phản đối chính phủ Trung Quốc [ở nước ngoài, dù cuộc đàn áp trong nước đã bắt đầu vào năm 1999]. Tuy nhiên, phản ứng của Lãnh sự quán về các hoạt động của Pháp Luân Công là khá gay gắt. Ví dụ, nếu Pháp Luân Công thuê một phần công viên, chúng tôi sẽ yêu cầu người quản lý các công viên, Tổng công ty Cảng Sydney, hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công.
Đã hơn sáu năm kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999. Tôi hoàn toàn hiểu tại sao các học viên Pháp Luân Công lại đẩy mạnh các hoạt động chống lại ĐCSTQ. Ngay từ đầu họ không hề chống lại ĐCSTQ. Nhưng không ai sẽ kiên nhẫn vô hạn. Một người có bao nhiêu khoảng thời gian sáu năm trong cuộc đời? Tôi hiểu các học viên Pháp Luân Công. Trước năm 2001, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đã thu thập danh sách khoảng 800 học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi gọi nó là danh sách đen. Hầu như tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Sydney đều có tên trong danh sách. Nếu chúng tôi phát hiện ra bất kỳ người nào có tên trong danh sách đen đang xin gia hạn thị thực hoặc hộ chiếu, chúng tôi sẽ gọi người đó đến để nói chuyện và dễ dàng xác định xem họ có phải là học viên Pháp Luân Công hay không. Nếu đúng, tất cả thông tin chi tiết trên hộ chiếu của anh ta sẽ được ghi lại và gửi đến các cơ quan cấp phép nhập cảnh Trung Quốc trên toàn cầu. Bằng cách này, người đó sẽ nằm trong danh sách lớn và sẽ không thể nhập cảnh vào Trung Quốc nữa.
Danh sách lớn này do Bộ Công an Trung Quốc và Bộ An ninh Quốc gia tổng hợp. Mỗi bộ đều có kênh riêng. Hiện tại ở Trung Quốc, Pháp Luân Công là vấn đề quan trọng nhất đối với ĐCSTQ, vấn đề được cho là ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Tất cả các cơ quan chính phủ phối hợp chặt chẽ về vấn đề này và họ đều hy vọng sẽ làm tốt để đổi lấy sự thăng tiến và phần thưởng.
Một số người hỏi tại sao tôi lại đợi đến lúc kết thúc nhiệm kỳ tại Lãnh sự quán Trung Quốc rồi mới rời đi. Thành thật mà nói, lúc đầu tôi đã không có can đảm; nếu có can đảm đó thì xưa kia tôi đã tham gia các phong trào sinh viên ngày 4 tháng 6 [tại Thiên An Môn] một cách tích cực hơn. Vì cân nhắc cho gia đình và vì bản năng khi đứng trước mối đe dọa tính mạng, tôi không thể làm điều đó. Có rất nhiều người khác giống như tôi bên trong chính phủ Trung Quốc, và họ cũng đang lúng túng. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, tôi đột nhiên nhận ra rằng người kế nhiệm của tôi sẽ chú ý đến nhiều việc tôi đã làm và ông ta sẽ báo cáo tôi với ĐCSTQ.
Tôi luôn cảm thông với các học viên Pháp Luân Công, vì vậy tôi đã xóa danh sách đen của khoảng 800 học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi chỉ có tên của họ và Bộ Công an sẽ cần phải xác minh tất cả các chi tiết trước khi thêm họ vào danh sách toàn cầu. Tuy nhiên, tôi không thể làm gì cho 120 học viên Pháp Luân Công khác, những người đã có tên trong danh sách toàn cầu. Khi rời Lãnh sự quán, tôi đã mang theo tất cả các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Tôi đã mất một thời gian dài để đưa ra quyết định kiểu này sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố. Thông tin lãnh sự quán mà tôi tiết lộ đều liên quan đến Pháp Luân Công, nhân quyền và các phong trào dân chủ, và tôi hy vọng những gì tôi làm sẽ giúp ngăn chặn ĐCSTQ bức hại những người này. Tôi đã tự mình tố cáo ĐCSTQ, và tôi cảm thấy an ủi khi làm như vậy.
Tôi đào thoát khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc để tìm kiếm sự giải thoát tinh thần và tự do lương tâm, và tôi hy vọng mình có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi cũng hy vọng những gì tôi đã làm sẽ thức tỉnh nhiều người có lương tâm và những người trong hệ thống ĐCSTQ có thể thoát khỏi âm mưu thống trị tinh thần của ĐCSTQ.
Tôi cũng muốn nhân cơ hội để giải thích về vấn đề mà tôi đã tiết lộ liên quan đến Úc. ĐCSTQ có một nghìn gián điệp và người cung cấp thông tin ở Úc. Đó là một sự thật, mặc dù ĐCSTQ sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó.
ĐCSTQ đã nhanh chóng xác định vị trí của tôi sau khi tôi đào tẩu khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc. Tôi nhận thấy có một gián điệp chuyên nghiệp bên trong Lãnh sự quán Úc. Tôi biết điều đó vì đó là cách duy nhất họ có thể tìm thấy địa chỉ mới của tôi một cách nhanh chóng. Họ không nói chuyện với tôi. Thay vào đó, họ muốn quan sát người mà tôi đang liên lạc. Tôi tiếp tục xuất hiện vào ngày 4 tháng 7 và tiết lộ rằng ĐCSTQ có hàng nghìn gián điệp và người cung cấp thông tin ở Úc. Trên thực tế, Cơ quan Tình báo Úc xác nhận rằng có rất nhiều gián điệp của ĐCSTQ ở Úc.
Nhiều người nghĩ rằng tôi đang ám chỉ tất cả các gián điệp đều thuộc cộng đồng người Hoa. Điều này không đúng. Thậm chí còn có những gián điệp của ĐCSTQ bên trong chính phủ Úc. Nhiệm vụ của gián điệp ĐCSTQ khá khác biệt so với nhiệm vụ của gián điệp các nước khác. Nhiệm vụ chính của gián điệp ĐCSTQ là theo dõi hoạt động của các nhóm chống đối ĐCSTQ, đặc biệt là các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Ngoài ra, như tôi đã đề cập, khi gặp các tổ chức người Hoa ở Sydney, ĐCSTQ muốn kiểm soát tâm trí và tinh thần của người Hoa ở nước ngoài. Họ thao túng Hoa kiều và kích động thù hận trong chúng ta. Có những người cung cấp thông tin cho ĐCSTQ trong số những người giữ liên hệ chặt chẽ với Lãnh sự quán.
Một lãnh đạo cộng đồng người Hoa nói với tôi rằng anh ta làm việc với Lãnh sự quán Trung Quốc vì sợ nếu anh ta không làm những gì ĐCSTQ muốn thì Lãnh sự quán sẽ gây rắc rối khi anh ta và những người Hoa khác xin thị thực Trung Quốc. Tôi hoàn toàn hiểu nỗi sợ hãi của anh bởi vì ĐCSTQ luôn cố gắng kiểm soát người Trung Quốc, đặc biệt là những người Hoa ở nước ngoài. Sau nhiều thế hệ bị ĐCSTQ tẩy não, nhiều người, trong đó có tôi, rất kính sợ Đảng. Không phải bất kỳ ai giao dịch với ĐCSTQ đều là gián điệp hoặc người cung cấp thông tin; xin đừng nói như vậy.
Tôi tin rằng nhiều Hoa kiều yêu nước. Tôi cũng là một người yêu nước. Tuy nhiên, tôi chống lại ĐCSTQ và chống lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc. Thật đáng buồn khi ĐCSTQ kiểm soát ý chí của rất nhiều Hoa kiều, và nhiều người dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ đã làm những điều trái với ý muốn của họ. ĐCSTQ sử dụng các lợi ích kinh tế và tài chính để lôi kéo và kích động chủ nghĩa dân tộc, do đó tạo ra sự hiểu lầm giữa người Trung Quốc, mặc dù ĐCSTQ tuyên bố sẽ thúc đẩy hợp tác. Đây là tất cả những cách mà ĐCSTQ sử dụng để bẻ cong mọi người và đè bẹp tinh thần của họ.
Tôi hy vọng tất cả người dân Trung Quốc có thể thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ như tôi đã từng làm. Tôi hy vọng nhiều người đòi lại tự do lương tâm của họ. Hệ thống ĐCSTQ đã hoàn toàn thối nát; không có hy vọng để nó thay đổi tốt hơn. Với những lợi ích tài chính được kết nối với quyền lực chính trị, không có hy vọng nào cho việc ĐCSTQ trở thành dân chủ. Thay vào đó, mục đích của mọi cuộc cải cách chính trị là tăng cường sự kiểm soát của nó. ĐCSTQ tuyên bố đã hướng tới các giá trị dân chủ kể từ năm 1949, nhưng chúng ta có thấy nền dân chủ ở Trung Quốc không? Sau năm 1989 [với cuộc thảm sát Thiên An Môn], ĐCSTQ một lần nữa tuyên bố đang xây dựng một xã hội dân chủ với các đặc điểm xã hội chủ nghĩa, nhưng bạn có thể nhìn thấy hy vọng của nền dân chủ ở đâu? Tất cả đều là những lời dối trá của ĐCSTQ.
Trước khi đào tẩu khỏi Lãnh sự quán, tôi đã đọc cuốn “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” [gọi tắt là Cửu Bình] do tờ Epoch Times xuất bản. Đây là cuốn sách duy nhất phơi bày hoàn toàn bản chất thật sự của ĐCSTQ. Như tôi đã nói, ở Hoa Kỳ, ĐCSTQ là một con sói đội lốt cừu. Nó thậm chí sẽ không thể nhổ ra một chiếc xương sau khi nuốt chửng con người. Nó thậm chí đã buộc mọi người phải nói rằng nó là một con sói tốt, sau khi nó ăn thịt người. Tôi đề nghị tất cả người dân Trung Quốc hãy đọc “Cửu Bình”.
Theo The Epoch Times
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thoái ĐCSTQ cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công