Các nhà chức trách Cuba hôm thứ Ba (13/7, giờ địa phương) xác nhận một người đàn ông đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc những ngày qua.
Bộ An ninh Nội địa Cuba, trong tuyên bố phát đi hôm 13/7, đã nói rằng họ “tiếc thương cái chết” của người đàn ông Diubis Laurencio Tejeda, 36 tuổi.
Tuyên bố của giới chức Cuba đánh dấu ca tử vong đầu tiên được xác nhận trong cuộc biểu tình lớn nhất tại quốc gia cộng sản này trong nhiều thập kỷ qua.
Theo tuyên bố chính thức của Bộ Nội vụ Cuba, ông Tejeda đã chết vào hôm thứ Hai (12/7, giờ địa phương) trong khi tham gia vào một cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát tại Arroyo Naranjo, ngoại ô thủ đô Havana.
Những người khác đã bị bắt giữ và bị thương, trong đó có một số sĩ quan an ninh, nhưng chế độ Cuba không thông báo cụ thể số liệu này.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, các nhà quan sát và các nhà hoạt động cho biết hơn 100 người, bao gồm các nhà báo độc lập và các nhà bất đồng chính kiến, đã bị bắt sau các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa từng có ở Cuba.
Phong trào biểu tình đòi tự do San Isidro của Cuba vào cuối ngày thứ Hai (12/7) đã công bố trên Twitter danh sách 144 người bị giam giữ hoặc được báo cáo là “đã biến mất” sau khi hàng nghìn người Cuba xuống đường tại hàng chục thành phố và thị trấn.
Cũng trong tuyên bố của Bộ An ninh Nội địa, chế độ Cuba cáo buộc những người biểu tình đang phá hoại các ngôi nhà, đốt lửa và làm hư hại lưới điện. Họ cũng cáo buộc người biểu tình đã tấn công cảnh sát và các thường dân bằng dao, đá và những đồ vật khác.
Thông tấn xã Cuba đưa tin rằng “các nhóm có tổ chức của những thành phần phản xã hội và tội phạm” đã cố gắng tiếp cận một đồn cảnh sát ở ngoại ô La Guinera, âm mưu thực hiện một cuộc tấn công các sĩ quan và phá hủy trụ sở này.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại nhiều thành phố trên khắp Cuba vào ngày Chủ Nhật (11/7, giờ địa phương). Hàng nghìn người dân tràn xuống các đường phố từ Santiago tới Havana kêu gọi tự do và chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Họ hô vang các khẩu hiệu như “đả đảo chế độ độc tài”, “tự do” và “đất mẹ và cuộc sống”.
Theo hãng tin AP, những người biểu tình tập hợp tại một số điểm tập trung đã chia sẻ hình ảnh biểu tình lên các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook.
Cũng theo AP, giới chức Cuba sau đó vào chiều 11/7 đã bắt đầu cắt dịch vụ internet ở một số thành phố để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến phát sóng trực tiếp hình ảnh biểu tình lên mạng xã hội.
NetBlocks, công ty giám sát Internet Toàn cầu, loan báo rằng chế độ Cuba từ hôm 12/7 đã đang hạn chế tiếp cận các nền tảng mạng xã hội và nhắn tin, trong đó có Facebook, Instagram, WhatsApp, và Telegram. Havana bị cáo buộc đã sử dụng các hệ thống công nghệ do Trung Quốc sản xuất để kiểm soát và ngăn chặn tiếp cận internet.
Hôm 13/7, Mỹ đã kêu gọi nhà cầm quyền Cuba chấm dứt hạn chế internet và thể hiện “sự tôn trọng tiếng nói của người dân bằng cách mở lại tất cả các phương tiện liên lạc, cả trực tuyến và ngoại tuyến”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…