Sau nhiều thập kỷ đứng bên lề tranh cấp biển Đông giữa một số quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, gần đây Indonesia đã bắt đầu có những động thái đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh hải quân với các cuộc tập trận bắn đạn thật quanh quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Indonesia tập trận trên biển đông Java vào tháng 6/2014
Tờ New York Times (NYT) cho hay gần đây Indonesia đã có những động thái mạnh mẽ hơn tại biển Đông. Chính quyền Jakarta tăng cường quân đội tại đảo Natuna nhằm thực hiện kế hoạch phát triển tàu chiến hải quân. Hơn nữa, Indonesia cũng đã công khai phản đối yêu sách vô lý của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra có xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi đảo Natuna.
Trong năm 2016, giữa Indonesia và Trung Quốc đã xảy ra 3 vụ đụng độ trên biển, trong đó hai bên đều đã nổ súng cảnh cáo. Một trong các vụ va chạm này, tàu chiến Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc và toàn bộ thủy thủ đoàn.
Ông Ian J. Storey, chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận định rằng Indonesia “đã là một bên trong các tranh chấp – và họ càng sớm xác nhận [chính thức] thực tế này càng tốt”.
Tranh chấp của Indonesia chủ yếu nằm ở vùng biển phía bắc đảo Natura – một khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản, nằm gần với khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một phần nằm trong yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Từ năm ngoái, Indonesia đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đảo Natura. Trong đó, họ đẩy mạnh việc mở rộng cảng hải quân trên đảo chính để neo đậu được các tàu lớn hơn và kéo dài đường băng tại căn cứ không quân giúp các máy bay cỡ lớn có thể hoạt động.
Về phía Trung Quốc, sau 3 vụ đụng độ trên biển với hải quân Indonesia, Bộ Ngoại giao nước này đã phát đi một tuyên bố trong đó Bắc Kinh lần đầu tiên yêu sách rằng đường chín đoạn của họ có bao gồm “các bãi đánh cá truyền thống” nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lập tức yêu cầu giới chức nước này xua đuổi hàng trăm tàu đánh cá nước ngoài đang hoạt động trái phép trong vùng biển Indonesia.
Ông Widodo cũng chủ trì một cuộc họp nội các ngay trên tàu chiến ngoài khơi đảo Natuna chỉ vài ngày sau vụ va chạm thứ 3 với tàu Trung Quốc. Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2015, Tổng thống Indonesia khi trả lời phỏng vấn một tờ báo của Nhật đã nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế.
Vào 14/7 vừa qua, Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia đã tổ chức một cuộc họp báo cao cấp đáng chú ý để phát hành bản đồ lãnh thổ quốc gia đầu tiên kể từ năm 2005, trong đó lần đầu công bố tên mới cho vùng biển ngoài khơi đảo Natuna là biển Bắc Natuna. Vùng biển này Trung Quốc vẫn gọi là biển Nam Trung Hoa, trong khi Việt Nam gọi là biển Đông và Philippines gọi là biển Tây Philippines. Bản đồ mới cũng bao gồm các đường biên giới trên biển mới với Singapore và Philippines, trong đó Indonesia đã ký kết các thỏa thuận với các nước này vào năm 2015.
Ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế Hàng hải Indonesia, nói với các nhà báo rằng bản đồ nước này mới cung cấp thể hiện “rõ ràng về các khu vực thăm dò tài nguyên thiên nhiên“.
Trong cùng ngày, Quân lực Indonesia và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản đã ký quyết định cho phép tàu chiến tham gia bảo vệ các khu đánh bắt có lợi nhuận cao và các hoạt động sản xuất và khai thác dầu khí ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước gần đảo Natuna.
Đại tướng Gatot Nurmantyo, chỉ huy Quân lực Indonesia, nói rằng thời gian này các hoạt động sản xuất và thăm dò tài nguyên ngoài khởi biển Bắc Natura “thường xuyên bị các tàu nước ngoài quấy rối”. Tướng Nurmantyo không chỉ rõ tên tàu của nước nào, nhưng các nhà phân tích nhận định ông muốn ám chỉ đến các tàu của Trung Quốc.
Trước thông tin Indonesia đổi tên vùng biển ngoài khởi đảo Natura, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng nói rằng họ không biết chuyện này, nhưng nhấn mạnh tên biển Nam Trung Hoa đã được quốc tế thừa nhận.
Ông Cảnh Sảng nói trong một buổi họp báo định kỳ rằng: “Tôi thấy rằng việc một số quốc gia làm cái việc được gọi là ‘đặt lại tên’ là chuyện hoàn toàn vô nghĩa, không có ích cho các nỗ lực chuẩn hóa các địa danh”.
“Chúng tôi hy vọng là quốc gia có liên quan sẽ nhìn về cùng hướng với Trung Quốc và tiếp tục duy trì thích hợp tình thế thuận lợi hiện nay tại vùng biển Nam Trung Hoa, điều không dễ gì đạt được“.
Cụm tàu tác chiến Trung Quốc tham gia tập trận trên biển Đông hồi tháng 1/2017
Không rõ “tình thế thuận lợi hiện nay” mà phía Trung Quốc nói đến là thuận lợi thế nào và cho ai. Chỉ biết rằng, các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã thống nhất bày tỏ quan ngại về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Bắc Kinh đẩy mạnh các dự án bồi đắp, xây các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cho tăng cường quân lực trên các đảo này, xây dựng sân bay quân sự, lắp đặt các khí tài hiện đại, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không.
Nghiêm trọng hơn nữa, trong cuối tháng 8 và đầu tháng 9, quân đội Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành khoảng 7 cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn quanh quần đảo Hoàng Sa.
Ông Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines cho rằng: “Trung Quốc biết [Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump] rất tập trung vào Bắc Triều Tiên, và không quá bận tâm tới Đông Nam Á. [Do đó], về phần mình Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mọi thứ tại [biển Đông] xa tới mức họ có thể”.
Báo Thanh Niên cho hay vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bắc Kinh đã ngang nhiên tập trận ngoài cửa Vịnh Bắc bộ Việt Nam, cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 75 hải lý.
Trước động thái này của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hai lần vào các ngày 31/8 và 5/9 phát đi tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên hôm 6/9, Trung Quốc đã bác bỏ lời phản đối của chính phủ Việt Nam rằng Bắc Kinh đang tập trận bắn đạn thật trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên biển Đông, khẳng định khu vực tập trận nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Trung Quốc.
Phản ứng lại cáo buộc của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong buổi họp báo rằng “Trung Quốc không làm gì sai”.
“Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể xem xét cuộc tập trận này một cách hòa bình và hợp lý”, Reuters dẫn lời ông Cảnh nói.
Đến ngày 8/9, báo Thanh Niên, dẫn theo nguồn từ Cục Hải sự Trung Quốc, đưa tin rằng quân đội nước này tiến hành tập trận bắn đạn thật từ 14 – 18 giờ thứ Bảy (9/9) tại khu vực giáp đảo Quang Ảnh trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hiện tại, phía Việt Nam chưa có phát ngôn chính thức về sự phản bác của Trung Quốc cũng như thông tin quân đội Bắc Kinh lại tiếp tục tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa hôm 9/9.
Tân Bình (T/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…