Thế Giới

Kiev nên tính đến tình huống nhượng đất cầu hòa — Stoltenberg

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times được công bố hôm Thứ Sáu, chỉ vài ngày sau khi mãn nhiệm, ông Stoltenberg có những nhận xét mới mẻ so với đường lối 10 năm làm Tổng Thư ký NATO. Ông cho rằng các diễn biến có thể dẫn đến việc Ukraine nhượng đất cầu hòa. Ông tự hào kể rằng ông thúc đẩy chiến tranh Ukraine vượt qua nhiều “lằn ranh đỏ” của Nga, vì vẫn luôn cho rằng các lằn ranh đỏ ấy chỉ là “trò bịp”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong buổi họp 31/10/2019 tại Kiev (ảnh Shutterstock / Sergei Chuzavkov)

Có lẽ tình tiết đáng chú ý nhất trong bài của Financial Times, chính là Cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng có khả năng Ukraine sẽ phải chấp nhận các nhượng bộ mang tính chiến lược để đổi lấy quyền độc lập quốc gia.

Theo ông, “một xu thế tạm hiểu là mới” có thể sẽ xuất hiện sau đợt bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng tới, dẫn tới “một nước cờ trong đó phối hợp giữa giao đấu ở chiến trường đồng thời với thảo luận trên bàn đàm phán.”

“Ukraine vẫn là phải quyết định [khi nào đàm phán]. Nhưng [phương Tây] chúng ta cần tạo điều kiện để họ có thể ngồi lại với người Nga và đạt được điều gì đó có thể chấp nhận được… thứ gì đó để họ tồn tại như một quốc gia độc lập,” ông nói tiếp.

Financial Times viết rằng, khi phóng viên hỏi ông về việc ông có gợi ý gì cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chăng, thì ông trả lời thế này:

“Phần Lan chiến đấu chống Liên Xô năm 1939. Họ gây ra tổn thất cho Hồng Quân lớn hơn dự kiến. Chiến tranh kết thúc khi họ từ bỏ 10% lãnh thổ. Nhưng họ đổi được một đường biên giới an ninh,” — Jens Stoltenberg, cựu Tổng Thư ký NATO

Theo hiệp ước tháng 3/1940, Phần Lan nhượng lại một phần lớn vùng Karelia và Viipuri, thành phố lớn thứ hai vào thời điểm đó (được gọi là Vyborg ở Nga).

Phần Lan là quốc gia trung lập, mãi cho tới năm ngoái khi nước này gia nhập NATO.

Dường như thông điệp này có phần lệch khỏi những gì Jens Stoltenberg vẫn tuyên bố, khi ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký NATO, tận 10 năm cho đến hết tháng 9 vừa qua.

Thời gian tại vị, ông vẫn luôn biểu hiện đường lối cứng rắn ủng hộ Ukraine chống Nga.

Stoltenberg lập luận rằng Ukraine có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ NATO, khi “có một ranh giới không nhất thiết phải là biên giới được quốc tế công nhận.” Ông lưu ý rằng hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản không bao gồm yêu sách của Tokyo đối với Quần đảo Kuril, hiện là một phần của Nga, và Tây Đức đã được kết nạp vào NATO mặc dù thực tế là Đông Đức vào thời điểm đó được kiểm soát bởi Liên Xô.

“Sự tại nhân vi, có quyết tâm thì sẽ có giải pháp. Nhưng cần vạch ra ranh giới xác định nơi Điều 5 [của NATO] được áp dụng, và Ukraine phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ thuộc phần ranh giới đó,” ông Stoltenberg nói, đề cập đến một phần của hiệp ước NATO, trong đó nêu rõ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên là bảo vệ lẫn nhau.

Thông điệp này là khác với “công thức” 10 điểm của Kiev, mà trong đó đòi hỏi khôi phục lại đường biên giới 1991, thời điểm mà Ukraine tách ra thành quốc gia độc lập. Nhưng thông điệp này của ông Stoltenberg phù hợp một phần với yêu sách của Moskva.

Moskva nhiều lần khẳng định rằng họ sẽ không chấp nhận “công thức” 10 điểm này. Tức là, Nga là sẽ không thể nào vì đàm phán trên giấy mà vứt bỏ đất đai mà họ đã bỏ xương máu để chiếm được. Có lẽ đó là “binh chinh thiên hạ”, điều được coi là đạo lý ở nhân loại cả nghìn vạn năm văn minh. Phương Tây và Ukraine coi phần mà Nga đã sáp nhập, là vùng đất chiếm đóng bất hợp pháp, khoảng gần 18% lãnh thổ Ukraine.

Moskva từ lâu vẫn luôn nói rằng nếu Ukraine gia nhập NATO, thì họ coi đó là mối đe dọa an ninh của Nga.

Ukraine là một trong những điều tiếc nuối trong thời gian ngồi ghế tổng thư ký NATO, như ông Stoltenberg đề cập tới trong cuộc phỏng vấn.

“Nếu có gì đó mà khiến tôi cảm thấy hối tiếc khi bây giờ có thể hiểu rõ, thì đó là [NATO] chúng ta lẽ ra phải cung cấp cho Ukraine thật nhiều hỗ trợ quân sự hơn nữa và thật sớm hơn nữa,” ông nói một cách từ tốn và thận trọng. “Tôi tin rằng tất cả trong chúng ta đều thừa nhận rằng chúng ta lẽ ra phải cung cấp cho họ nhiều vũ khí hơn trước khi [Nga] xâm lược. Và chúng ta lẽ ra phải cung cấp vũ khí tối tân hơn, nhanh hơn, sau khi [Nga] xâm lược. Tôi đã góp một phần trách nhiệm trong chuyện này.”

Phương Tây gọi việc Nga đưa quân vào Ukraine 24/2/2022 là “cuộc xâm lược”. Nga gọi đó là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm bảo vệ an ninh của mình trước việc NATO mở rộng về phía đông, phá vỡ các hiệp ước hòa bình.

Khi nói về sự không quyết đoán đưa vũ khí tối tân và ồ ạt vào chiến trường Ukraine, truyền thông phương Tây thường dẫn tới lý do rằng sợ chiến tranh leo thang, vượt “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, có thể khiến Nga phản ứng dữ dội, vận dụng vũ khí tàn sát hàng loạt như vũ khí hạt nhân. Phương Tây không giải thích rằng đó là chủ trương thanh lý phần vũ khí đã lỗi thời và cần thay bằng vũ khí mới trong các kho của Mỹ và NATO, tức là chuyển vũ khí đạn dược lỗi thời đó vào chiến trường Ukraine, dùng hình thức chiến tranh tiêu hao để đánh ngã Nga khỏi vị thế cường quốc mới nổi.

“Dù sao đi nữa, tôi đã thúc đẩy việc vượt qua tất cả những cái gọi là ranh giới đỏ mà Putin đã đặt ra. Và chúng tôi đã vượt qua nhiều trong số đó, vậy mà ông ta vẫn chưa làm gì cả. Kỳ thực nếu đúng là Tổng thống Putin muốn leo thang bằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì ông ta đã tạo ra mọi lý do mà ông ta cần rồi. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn gọi đó là trò bịp của ông ta,” — Jens Stoltenberg, cựu Tổng Thư ký NATO

Một điều nữa khiến ông Stoltenberg cảm thấy vô cùng tiếc nuối, là việc NATO rút quân khỏi chiến tranh Afghanistan, một trong những điểm mốc của nhiệm kỳ tổng thư ký của ông. Financial Times viết:

“Đích thân tôi chứng kiến rất nhiều phụ nữ Afghan, các thành viên quốc hội, các phóng viên, họ năn nỉ rằng chúng tôi hãy ở lại,” ông Stoltenberg bắt đầu run run giọng khi hồi tưởng lại. “Mà tôi nói với họ: ‘Chúng tôi rời khỏi Afghanistan là theo tình huống. Chúng tôi sẽ chỉ rời đi khi chúng tôi chắc chắn rằng người Afghan có thể tự bảo vệ đất nước mình, và chắc chắn Taliban không thể quay lại.’”

“Ông đã thất hứa?” phóng viên Financial Times hỏi.

“Đúng thế,” ông Stoltenberg thừa nhận khi nhíu chặt đôi lông mày. “Đó là thực tế.”

Nhật Tân (theo Financial Times)

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

3 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

1 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

4 giờ ago