Trong một lá thư gửi tới các quốc gia thành viên hôm thứ Tư (25/7), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang hết tiền. Ông Guterres cũng thúc giục các nước thành viên sớm trả các khoản nợ, theo Reuters.
Hãng tin Reuters đã xem lá thư Tổng thư ký LHQ gửi các quốc gia thành viên hôm 25/7, trong đó ông Guterres nói rằng tính đến 30/6, ngân sách chính của LHQ đã bị thâm hụt 139 triệu USD và LHQ “chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống khó khăn về dòng tiền ngay trong những tháng đầu năm như vậy”.
“Một tổ chức như cơ quan của chúng ta không nên phải gánh chịu tình trạng sắp phá sản hết lần này tới lần khác. Nhưng chắc chắn rằng, vì chúng ta muốn ngân sách khiêm tốn, những nơi cần chúng ta phục vụ nhưng chúng ta lại không thể sẽ cảm thấy tổn thương lớn hơn. Hãy trả lời những lời kêu gọi trợ giúp của họ”, ông Guterres viết trong thư.
Vào tháng 12/2017, Ủy ban ngân sách của Đại hội đồng LHQ đã đồng ý khoản ngân sách chính của LHQ cho năm tài khóa 2018-2019 là 5,4 tỷ USD. Khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã nói Mỹ sẽ cắt 285 triệu USD chi cho LHQ trong năm tài khóa 2016-2017.
Reuters dẫn số liệu từ LHQ thông tin rằng tính đến nay có 112 trong tổng số 193 thành viên LHQ đã trả phần chi phí đóng góp cho ngân sách chính của LHQ.
Đối chiếu với các năm trước, tới tháng 7/2017 có 116 nước trả chi phí, cùng kỳ năm 2016 chỉ có 98 nước trả tiền. Mỹ – nước đóng góp 22% chi phí cho LHQ, cùng với các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khác gồm Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh đã trả chi phí năm 2018.
Tổng thư ký LHQ Guterres cũng đã thông báo với nhân viên LHQ về khó khăn tài chính mà cơ quan này đang gặp phải. Ông Guterres nói với nhân viên rằng ông lo lắng về một khuynh hướng rộng hơn: “Chúng ta hết tiền mặt sớm hơn và kẹt lại trong tình trạng báo động đỏ này lâu hơn”.
Ông Guterres nói thêm rằng LHQ sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu với việc tập trung vào các chi phí phi nhân sự.
Chủ trương cắt giảm chi phí tại LHQ được Mỹ ủng hộ từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump mà đại diện thông báo chính sách này của Washington là Đại sứ LHQ Nikki Haley. Ngay khi nhậm chức tại LHQ vào tháng Một năm ngoái, bà Haley đã thúc đẩy cải cách LHQ mà trọng tâm là giảm thiếu chi phí vận hành.
Phát biểu vào tháng 12/2017, thời điểm LHQ thông qua ngân sách chính của LHQ cho năm tài khóa 2018-2019, bà Haley nói: “Liên Hiệp Quốc vốn nổi tiếng là nơi hoạt động kém hiệu quả và chi tiêu quá mức. Chúng tôi sẽ không tiếp tục để sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng hoặc không được kiểm soát thêm nữa”.
Theo quy định của LHQ, nếu một nước thành viên nợ một khoản tiền bằng hoặc vượt quá khoản họ phải đóng góp trong hai năm trước, nước này có thể mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ nếu họ không chứng minh được rằng khả năng chi trả đó vượt tầm kiểm soát của họ.
Hiện tại các nước như Comoros, Guinea Bissau, Sao Tome & Principe và Somalia đang nợ LHQ một khoản tiền đáng kể nhưng họ vẫn được giữ lại quyền bỏ phiếu. Cho tới nay, mới chỉ Libya là đang bị tước quyền bỏ phiếu.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ có khoản ngân sách riêng và không bị ảnh hưởng trong tình huống ngân sách chính của LHQ đang cạn tiền.
Thanh Long
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…