Vào hôm thứ Năm (5/12), lực lượng nổi dậy Syria, do nhóm chiến binh Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, đã chiếm được thành phố chiến lược Hama ở miền Bắc Syria sau một cuộc tấn công chớp nhoáng từ thành phố Aleppo.
Sự kiện lực lượng nổi dậy đánh chiếm thành công thành phố Hama đánh dấu lần thất bại lớn của Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh thân cận Nga, Iran, cũng như đe dọa quyền kiểm soát của ông tại khu vực trung tâm Syria.
Thành phố Hama cách thủ đô Damascus khoảng 200km và cách thành phố Homs khoảng 50km.
Thành phố Hama — vốn do chính phủ Assad kiểm soát trong suốt cuộc nội chiến tại Syria, là kết quả từ cuộc nổi dậy vào năm 2011 chống lại chính phủ Assad — sở hữu vị trí chiến lược quan trọng tại miền trung Syria vì nằm giữa thành phố Aleppo và thủ đô Damascus, đóng vai trò như một cửa ngõ hướng tới thành phố Homs và các vùng ven biển.
Thành phố Hama cũng mang ý nghĩa biểu tượng vì từng là nơi xảy ra cuộc nổi dậy năm 1982 bị chính quyền của Tổng thống Hafez al-Assad, cha của tổng thống Assad đàn áp khốc liệt.
Năm 1982, các nhà hoạt động thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã nổi dậy tại thành phố Hama, và quân đội đã thực hiện một cuộc tấn công kéo dài ba tuần gây tổn thất nặng nề, giết chết hơn 10.000 người. Về sau, vụ việc này được xem là một hình mẫu cho chiến dịch đàn áp lực lượng nổi dậy của tổng thống Assad.
Đồng thời, thành phố Hama cũng là một địa điểm trọng yếu để kiểm soát hai thị trấn lớn với các cộng đồng tôn giáo thiểu số: Muhrada, nơi có nhiều người theo Thiên Chúa giáo, và Salamiya, nơi có nhiều người Hồi giáo Ismaili.
Thành phố Hama bị quân nổi dậy chiếm đóng khiến tuyến đường tiếp tế của tổng thống Assad bị gián đoạn đồng thời gia tăng khả năng phiến quân Syria tiến về thành phố Homs, có thể cô lập thủ đô Damascus khỏi các vùng ven biển.
Thành phố Homs, cách thành phố Hama 40km về phía Nam, một giao lộ quan trọng của Syria giúp kết nối thủ đô Damascus với khu vực miền bắc và vùng bờ biển, là thành trì của tổng thống Assad với cộng đồng giáo phái Alawite ủng hộ đông đảo.
Thành phố Homs cũng là nơi Nga sở hữu căn cứ hải quân và không quân.
“Assad giờ đây không thể chịu mất thêm bất kỳ thứ gì khác. Trận chiến lớn sắp tới sẽ là trận chiến giành lấy [thành phố] Homs. Nếu Homs thất thủ, chúng ta đang nói về khả năng thay đổi chế độ“, ông Jihad Yazigi, biên tập viên bản tin Syria Report, nhận định.
Chính quyền tổng thống Assad vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào Nga và Iran trong suốt những năm tháng giao tranh khốc liệt nhất, giúp ông giành lại phần lớn lãnh thổ Syria và các thành phố lớn cho đến khi cuộc giao tranh giữa chính quyền của ông và lực lượng nổi dậy bị đình trệ vào năm 2020.
Trong một thông báo trên Facebook, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội và Lực lượng Vũ trang Syria cho biết trong những ngày gần đây, quân đội Syria đã “chiến đấu quyết liệt” để đẩy lùi và ngăn chặn các đợt tấn công “dữ dội và liên tiếp” do các phần tử thánh chiến phát động.
Tuy nhiên, quân đội Syria tuyên bố rút khỏi thành phố Hama, viện dẫn lý do bảo vệ sinh mạng thường dân cũng như tránh giao tranh trong khu vực đô thị.
Quân đội Syria cho biết họ đang tái triển khai quân đội bên ngoài thành phố Hama “để bảo toàn sinh mạng của thường dân và tránh các cuộc giao tranh đô thị” sau những cuộc giao tranh ác liệt.
Chính phủ Syria cũng tuyên bố rằng các phần tử thánh chiến đã phải chịu “tổn thất nặng nề” trong cuộc chiến này.
Quân đội cam kết với dân chúng Syria rằng họ sẽ giành lại những khu vực đã bị phiến quân Syria chiếm mất.
Quân đội Syria cam kết: “sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong việc tái chiếm các khu vực bị tổ chức khủng bố chiếm giữ”.
Hiện nay, lực lượng nổi dậy mạnh nhất tại Syria là Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – trước đây là Jabhat al-Nusra , một tổ chức Hồi giáo Sunni cực đoan từng liên kết với al-Qaeda tại Syria.
Hayat Tahrir al-Sham, được dịch là “Tổ chức Giải phóng Levant”, bị cả Hoa Kỳ, Nga, Syria, Iran, và nhiều quốc gia khác phân loại là một tổ chức khủng bố.
Ông Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh của nhóm chiến binh Hồi giáo HTS, cam kết bảo vệ các nhóm dân tộc thiểu số đồng thời kêu gọi người dân Syria từ bỏ Assad, nổi dậy tham gia vào phong trào cách mạng, nhưng nhiều người vẫn e ngại lực lượng nổi dậy này.
Vào hôm thứ Tư (4/12), ông Golani đã đến thăm thành cổ Aleppo, một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho các lực lượng nổi dậy từng bị đẩy ra khỏi thành phố này vào năm 2016 sau nhiều tháng bị vây hãm và giao tranh khốc liệt. Aleppo từng là thành phố lớn nhất Syria trước khi chiến tranh nổ ra.
HTS và những lực lượng nổi dậy khác đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát tại Aleppo, đặt thành phố dưới sự kiểm soát của Chính phủ Cứu rỗi (Salvation Government) mà họ đã thiết lập tại khu vực tây bắc Syria.
Các lực lượng nổi dậy cho biết họ đang chuẩn bị tiến về phía nam tới thành phố Homs.
“Thời của các người đã đến“, một trung tâm chỉ huy của lực lượng nổi dậy tuyên bố trên mạng, kêu gọi cư dân thành phố Homs nổi dậy.
Khi lực lượng nổi dậy tràn vào thành phố Hama, ông Golani đã đưa ra một tuyên bố video cảnh báo các dân quân Hashd al-Shaabi của Iraq, vốn liên minh với Iran, về bất kỳ ý định can dự vào cuộc giao tranh giữa chính phủ Assad và lực lượng nổi dậy.
“Chúng tôi kêu gọi ông ấy (thủ tướng Iraq) một lần nữa [không để] Iraq bị cuốn vào ngọn lửa của cuộc chiến tranh mới, vốn liên quan đến những gì đang xảy ra tại Syria”, ông Golani phát biểu.
Ngoài ra, ông Golani cũng đề cập đến vụ thảm sát năm 1982, cho rằng quyết định chiếm đóng thành phố Hama là để hàn gắn vết thương lịch sử kéo dài hàng chục năm.
Ông Golani phát biểu rằng “các nhà cách mạng đã bắt đầu tiến vào thành phố Hama để chữa lành vết thương đã tồn tại ở Syria suốt 40 năm qua”. Tuy nhiên, ông Golani nhấn mạnh rằng lực lượng nổi dậy chiếm đóng Hama sẽ không trả thù cho các sự kiện năm 1982.
Moskva vào hôm thứ Tư (4/12) tuyên bố rằng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang “giữ liên lạc chặt chẽ” về tình hình chiến sự leo thang tại Syria, trong đó Moskva nhấn mạnh quân đội Nga vẫn duy trì hiện diện tại Syria thông qua các căn cứ quân sự tại Hmeimim và Tartus.
Nga đã can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria từ năm 2015, giúp chính quyền Assad đánh bại nhiều tổ chức khủng bố, đặc biệt là al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS, trước đây là ISIS).
Hiện tại, Nga cũng đang phải chịu những áp lực to lớn tập trung toàn lực vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kể từ năm 2022.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng coi HTS là một tổ chức khủng bố, từ lâu đã là nhà hậu thuẫn lớn nhất cho các lực lượng nổi dậy khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại miền bắc Syria kể từ năm 2016
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc giao tranh sẽ mang tính quyết định, mặc dù Ankara phủ nhận tham gia vào các chiến thắng gần đây của phiến quân Syria.
Trong khi đó, Iran cũng đang phải tập trung hỗ trợ Hezbollah, tổ chức ủy nhiệm mạnh nhất tại Liban do Iran hậu thuẫn. Trong cuộc chiến tranh Israel với các tổ chức ủy nhiệm Hamas và Hezbollah, Hezbollah đã gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Bất chấp những cảnh báo từ nhóm chiến binh Hồi giáo HTS, một số chiến binh Iraq đã tiến vào Syria vào đầu tuần này để hỗ trợ tổng thống Assad, theo nguồn tin từ Iraq và Syria. Các dân quân Hashd al-Shaabi đã được điều động lực lượng dọc biên giới với Syria, tuyên bố rằng đây là một động thái phòng ngừa nhằm ngăn chặn cuộc xung đột lan sang Iraq.
Các cuộc giao tranh khiến quốc tế lo ngại về nguy cơ lạm dụng thường dân Syria và tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm ở những khu vực đã bị chiếm đóng, như thành phố Aleppo.
Người dân Aleppo cho biết đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, đồng thời các dịch vụ viễn thông cũng bị cắt đứt.
Tổ chức Human Rights Watch cảnh báo vào hôm thứ Tư (4/12) rằng các cuộc giao tranh khốc liệt tại Syria giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy “gây lo ngại rằng thường dân đang đối mặt với nguy cơ thực sự bị lạm dụng nghiêm trọng”.
Bị bủa vây bởi nhiều tuần biểu tình của sinh viên, Tổng thống Serbia Aleksandar…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành thông tin cập nhật về…
ĐCSTQ đang xem xét cho phép đồng nhân dân tệ mất giá vào năm 2025,…
Các đảng thân châu Âu ở Romania đã đạt được cam kết mạnh mẽ vào…
Mỹ hôm 11/12 tuyên bố tăng thuế đối với các vật liệu quan trọng của…
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Ba (10/12) đã công bố phần thưởng 10 triệu…