Thế Giới

Mất điện bí ẩn ở 3 nước châu Âu: Cảnh báo từ năng lượng tái tạo?

Mặc dù chính quyền tuyên bố đang dốc toàn lực điều tra, nhưng nguyên nhân đằng sau sự cố mất điện diện rộng xảy ra trong tuần này tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần khu vực của Pháp vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng sự cố này đã cho thấy mức độ mong manh của hệ thống điện tại khu vực bán đảo Iberia, và đặt ra câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió – vốn không ổn định – có làm tăng thêm sự dễ tổn thương cho hệ thống hay không.

Mất điện ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần nước Pháp. (Ảnh người dân kẹt tại trạm tàu điện/ Chụp màn hình video)

“60% điện đã mất trong 5 giây”, nguyên nhân mất điện ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn chưa rõ

Theo các phương tiện truyền thông châu Âu, sự cố xảy ra vào 10:33 sáng ngày 28/4 theo giờ GMT. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chỉ trong vòng 5 giây, hệ thống bị thiếu hụt đến 15 gigawatt điện, tương đương khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc.

​​Khoảng 55 triệu người sống trên bán đảo Iberia bị ảnh hưởng, trong đó một số khu vực ở Pháp cũng chịu thiệt hại. Mãi đến 9:15 sáng ngày 29/4 theo giờ GMT, tức gần 23 giờ sau khi sự cố bắt đầu, hệ thống điện mới được phục hồi hoàn toàn.

Dưới đây là các phân tích từ chính phủ và chuyên gia liên quan đến sự cố mất điện bí ẩn này:

Châu Âu duy trì tần số điện lưới ở mức 50 Hz. Khi tần số giảm xuống dưới mức này, điều đó cho thấy lượng điện sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu; ngược lại, nếu vượt quá 50 Hz, điều đó có nghĩa là sản xuất dư thừa điện.

Các nhà vận hành phải điều chỉnh tức thời lượng điện phát ra, tăng hoặc giảm phù hợp với nhu cầu, để giữ tần số luôn ở mức 50 Hz.

Ông Michael Hogan, cố vấn cao cấp của tổ chức phi chính phủ “Dự án Hỗ trợ Điều tiết” (Regulatory Assistance Project), nhận định với truyền thông: “Việc giữ tần số như vậy là vấn đề then chốt để duy trì sự cân bằng”.

Nếu tần số bị lệch khỏi mức chuẩn, các hệ thống bảo vệ tự động sẽ kích hoạt, cắt điện một phần lưới nhằm bảo vệ thiết bị khỏi bị hư hại do hiệu ứng domino.

Ông Hogan nói với AFP: “Một khi các nhà máy điện bắt đầu tự động ngừng hoạt động để bảo vệ bản thân, tình hình có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng… điều xảy ra ngày hôm qua (28/4) tại bán đảo Iberia là một trường hợp rất hiếm.”

Về nguyên nhân gây ra sự cố hôm 28/4, hiện vẫn rất khó để xác định chính xác.

Ông Hogan cho rằng: “Một trong những yếu tố dễ khiến hệ thống mất ổn định nhất là sự kết nối yếu kém giữa lưới điện bán đảo Iberia với phần còn lại của lưới điện Tây Âu – điều này có nghĩa là phần lưới này thiếu độ quán tính để chống lại những dao động kết nối từ phía Tây Ban Nha.”

Ông Pratheeksha Ramdas, chuyên gia phân tích năng lượng mới tại công ty Rystad Energy, cho biết: “Các nhà vận hành lưới điện cần phải phân tích kỹ lưỡng lượng dữ liệu thời gian thực khổng lồ như: biến động tần số, lỗi đường truyền, trạng thái máy phát điện và hoạt động của các hệ thống bảo vệ… để truy vết trình tự sự cố, tránh đưa ra kết luận vội vàng.”

Tại Tây Ban Nha, công ty vận hành lưới điện Red Eléctrica de España (REE) cho biết vào chiều ngày 28/4 rằng đã có hiện tượng “biến động mạnh dòng điện, kèm theo sự mất mát đáng kể sản lượng phát điện”.

Năng lượng tái tạo là thủ phạm? Sự cố mất điện lần này là một “lời cảnh báo rõ ràng”

Tại Tây Ban Nha, khoảng 40% lượng điện được tạo ra từ năng lượng mặt trời hoặc gió. Vào buổi trưa ngày 28/4 theo giờ địa phương, tỷ lệ năng lượng tái tạo thậm chí còn cao hơn, đạt khoảng 70%.

Bà Pratheeksha Ramdas từ công ty năng lượng Rystad Energy nói với hãng AFP rằng các nhà máy điện chạy khí đốt cần vài phút để khởi động, trong khi đó “năng lượng mặt trời và gió thì không thể kiểm soát theo nhu cầu, thường xuyên cần giới hạn sản lượng”.

Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền tải điện châu Âu (European Network of Transmission System Operators) đã từng cảnh báo vào ngày 18/4 rằng thời tiết tốt sắp tới có thể gây ra tình trạng dư thừa điện mặt trời.

Bà Ramdas nhận định rằng sự cố mất điện hôm qua là một “lời cảnh báo rõ ràng”.

Trong báo cáo gửi khách hàng, bà viết: “Nếu một quốc gia không có năng lực phản ứng tốt hơn và không cải thiện phối hợp khu vực, thì các sự cố lưới điện trong tương lai có thể gây ra nhiều hậu quả dây chuyền hơn.”

Ông Lion Hirth, giáo sư chính sách năng lượng tại Trường Hertie ở Berlin, cho biết: “Có khả năng đây là một hệ thống gần như không có các nguồn phát điện truyền thống (như điện hạt nhân, khí đốt, than đá và thủy điện) đang hoạt động. Những hệ thống như vậy ít có độ quán tính để giảm chấn động, do đó dễ bị mất kiểm soát trước những dao động.”

Ông nói thêm: “Vì thế, dù nguyên nhân chưa rõ ràng, tôi cho rằng việc hệ thống lưới điện Iberia vào trưa hôm qua chủ yếu dựa vào điện gió và điện mặt trời rõ ràng không giúp ích gì cho tình hình lúc đó.”

Điện mặt trời và gió không ổn định – Làm tăng tính dễ tổn thương của hệ thống?

Phần lớn khu vực Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên bán đảo Iberia đã khôi phục điện vào ngày 29/4, và nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân gây ra sự cố mất điện đột ngột quy mô lớn này.

Theo AFPReuters đưa tin, nhà điều hành điện REE cho biết hơn 99% khu vực đất liền Tây Ban Nha đã được cấp điện trở lại. REE nói rằng vào lúc 6h sáng giờ địa phương, sản lượng điện đạt 21,26MW (megawatt), 99,16% khu vực đã có điện trở lại. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng bị mất điện vào 10:33 sáng theo giờ GMT ngày hôm trước.

Giám đốc vận hành REE, ông Eduardo Prieto, nói với truyền thông rằng sự bất ổn của lưới điện đã khiến mạng lưới điện kết nối Tây Ban Nha và Pháp xuyên dãy núi Pyrenees bị gián đoạn, từ đó kéo sập lưới điện Tây Ban Nha. Một số khu vực tại Pháp cũng bị ảnh hưởng.

Tờ El País của Tây Ban Nha đưa tin, Cơ quan khí tượng quốc gia (AEMET) khẳng định rằng không phát hiện hiện tượng khí tượng bất thường hay thay đổi nhiệt độ đột ngột trong thời gian xảy ra mất điện trên bán đảo Iberia vào ngày 28/4.

Trước đó, một số nguồn tin cho rằng thời tiết cực đoan có thể là nguyên nhân gây sự cố lưới điện, nhưng một phát ngôn viên của AEMET nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy điều đó.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu, nhưng sự cố mất điện đột ngột này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu việc cung cấp điện không ổn định từ năng lượng mặt trời và gió có làm tăng độ dễ tổn thương của hệ thống điện hay không.

Chuyên gia phân tích năng lượng và chính sách công John Kemp nhận định: “Khu vực này có tỷ lệ thâm nhập năng lượng mặt trời và gió cao nhất thế giới, vì vậy sự cố mất điện lần này sẽ trở thành một trường hợp nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của năng lượng tái tạo tới sự ổn định điện lưới và khả năng phục hồi sau mất điện quy mô lớn.”

Tình cảnh người dân rơi vào trong lúc mất điện diện rộng

Sự cố mất điện đã khiến đèn giao thông ngừng hoạt động, giao thông đường bộ và sân bay rối loạn, hệ thống chiếu sáng và nguồn điện đều bị cắt, và tàu điện ngầm cũng ngưng hoạt động, dẫn đến tình trạng tê liệt toàn quốc.

Mất điện cũng làm cho giao thông công cộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị đình trệ, vào ban đêm các cửa hàng, nhà ở và nhà hàng chìm trong bóng tối, mọi hình thức thanh toán trừ tiền mặt đều không thể thực hiện, điện thoại và mạng internet bị mất kết nối, máy ATM cũng không sử dụng được.

Tại trung tâm thành phố Madrid của Tây Ban Nha, tàu điện ngầm đóng cửa, xe buýt chật kín người, hàng ngàn người phải đi bộ về nhà, các trục đường chính trong thành phố bị tắc nghẽn nghiêm trọng, nhiều người bị kẹt trong thang máy. Theo thông báo từ chính quyền khu vực Madrid, chỉ riêng khu vực này đã thực hiện 286 cuộc giải cứu, hỗ trợ người dân bị mắc kẹt thoát ra ngoài. Đến khuya, mặc dù một phần điện đã được khôi phục, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực, và các khu vực có thể yêu cầu được hưởng trạng thái đặc biệt.

Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha Oscar Puente cho biết, tính đến tối ngày 28, vẫn còn 11 chuyến tàu bị kẹt ở các khu vực hẻo lánh, không thể tiếp tục hành trình. Tính đến sáng ngày 29, vẫn còn 3 chuyến tàu chưa được giải tỏa, và một số tuyến đường sắt cao tốc vẫn chưa hoạt động trở lại. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để phối hợp các biện pháp ứng phó.

Châu Âu mất điện lớn đã được tiên tri trước?

Một sự cố mất điện quy mô lớn như vậy không phải là chuyện thường thấy ở châu Âu. Nhìn lại các trường hợp trong quá khứ, vào năm 2003, một đường dây truyền tải điện từ thủy điện giữa Ý và Thụy Sĩ gặp sự cố, khiến toàn bộ bán đảo Ý bị mất điện khoảng 12 giờ.

Còn vào năm 2006, lưới điện Đức bị quá tải, dẫn đến tình trạng mất điện tại một số khu vực ở châu Âu, thậm chí xa tới tận Maroc ở Bắc Phi.

Sự kiện mất điện lớn tại 3 nước châu Âu lần này được cho là đã được đề cập đến từ trước bởi các nhà tiên tri như Baba Vanga và Vera Lyon. Trong lời tiên tri về năm 2025 của Baba Vanga, bà nói: “Châu Âu sẽ bị bóng tối nuốt chửng, xung đột sẽ bắt đầu, năng lượng sẽ biến mất, con người sẽ chịu đựng giá lạnh và diệt vong.”

Ngoài ra còn có một nhà tiên tri, nhà văn và nhà thơ đến từ Kazakhstan, được mệnh danh là “Baba Vanga của Kazakhstan” vì khả năng tiên đoán huyền bí của mình, đó là bà Vera Lyon. Bà tự nhận rằng từ thời thơ ấu đã có thể tiếp nhận thông điệp từ tương lai thông qua giấc mơ, hình ảnh hoặc trải nghiệm tâm linh. Các lời tiên tri của bà chủ yếu xoay quanh những sự kiện trọng đại mang tính toàn cầu như thiên tai, xung đột chiến tranh và biến động địa chính trị, vì thế bà có ảnh hưởng nhất định trong thế giới nói tiếng Nga và khu vực Đông Âu. Đặc biệt là những nhóm người rất quan tâm đến vận mệnh của Nga và các nước lân cận, họ coi bà là “nhà tiên tri của tương lai” thế hệ mới.

Trong một bài blog năm 2018, bà Vera Lyon đã viết: “Mùa đông năm 2025 sẽ cực kỳ khắc nghiệt. Châu Âu sẽ chìm trong bóng tối, giá lạnh và sợ hãi sẽ bao trùm các thành phố. Ánh sáng sẽ trở thành điều xa xỉ, năng lượng sẽ cạn kiệt. Con người sẽ tìm kiếm hơi ấm trong sự đoàn kết.”

Bóng tối của thực tại cũng có thể mang bóng tối đến cho tâm hồn chúng ta, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nhưng những nhà tiên tri và lời tiên đoán của họ có phải chỉ để hù dọa chúng ta?

Theo một bài viết của tác giả Trần Tĩnh nhận định, nếu chỉ là hù dọa thì chẳng có ý nghĩa gì cả, vậy thì liệu có phải là một lời cảnh tỉnh? Giống như sự “mặc khải” mà Thế vận hội Paris năm ngoái mang lại.

Mùa hè năm 2024, Paris – thủ đô nước Pháp – đã chào đón một sự kiện thể thao lớn được cả thế giới chú ý: Thế vận hội Olympic. Tuy nhiên, trong đêm khai mạc của đại hội thể thao hàng đầu thế giới này, đã xảy ra một cảnh tượng khiến người ta kinh ngạc, thậm chí cảm thấy bất an.

Giữa ánh đèn sân khấu lộng lẫy và tiếng reo hò của đám đông, một nhóm drag queen (những nghệ sĩ biểu diễn có phong cách ăn mặc nữ tính) và những “nghệ sĩ phi truyền thống” đã xuất hiện. Họ mô phỏng bức tranh nổi tiếng “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci theo cách méo mó và kỳ quái.

Cảnh tượng này nhanh chóng làm bùng nổ dư luận trên mạng xã hội. Nhiều khán giả không thể chấp nhận màn trình diễn bị cho là xúc phạm công khai tôn giáo và văn hóa như vậy, họ phẫn nộ chỉ trích đó là sự chế giễu trần trụi đối với các giá trị cốt lõi của văn minh phương Tây và là biểu tượng của sự suy đồi đạo đức.

Điều kỳ quái hơn nữa là ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc, Paris bất ngờ xảy ra một vụ mất điện quy mô lớn: Tháp Eiffel tắt đèn, biểu tượng 5 vòng tròn Olympic chìm vào bóng tối, toàn bộ thành phố như thể bị “trời phạt”, rơi vào sự im lặng và hỗn loạn.

Vụ mất điện đột ngột này là lần đầu tiên trong lịch sử Paris xảy ra một sự cố mất năng lượng quy mô như vậy trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Trong khi đó, lời giải thích từ phía chính quyền lại mơ hồ, chỉ dùng những cụm từ như “lưới điện không ổn định” “quá tải tiêu thụ điện” để né tránh, khiến công chúng khó lòng tin tưởng.

Trần Tĩnh viết, nhiều người dân và các cộng đồng tôn giáo đã lên tiếng đặt nghi vấn, liệu bóng tối này thực sự là do sự cố kỹ thuật, hay là một lời cảnh báo từ Thần? Sau khi chế nhạo Thần thánh, bóng tối liền ập đến – là ngẫu nhiên hay là thiên tượng?

Trên mạng xuất hiện hàng loạt bình luận cho rằng sự cố mất điện bất ngờ này giống như một phản ứng trực tiếp đối với màn trình diễn trong lễ khai mạc Olympic. Một cư dân mạng viết: “Ngay khi Paris trên sân khấu nhạo báng Thần linh, chà đạp lên các giá trị tích cực của nhân loại, thì bóng tối từ trên trời giáng xuống… Paris rơi vào một trạng thái tĩnh lặng và hỗn loạn chưa từng có – đây chỉ là sự trùng hợp sao?”

Mọi người bắt đầu suy ngẫm: Bóng tối đột ngột giáng xuống giờ đây không chỉ là vấn đề về điện lưới, mà còn là sự sụp đổ về mặt tinh thần và văn minh. Cho đến nay, vẫn chưa ai tìm được nguyên nhân thực sự và chính xác của vụ mất điện quy mô lớn này. Trần Tĩnh đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự cảnh tỉnh của Thần dành cho nhân loại?

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Quảng Ngãi chi 81,9 tỷ đồng hỗ trợ 62 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi

UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt 81,9 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương…

2 giờ ago

Tướng Kellogg: Ukraine đồng ý ‘từ bỏ đất đai’ Nga nắm giữ để đổi lấy hòa bình

Ukraine đã đồng ý sẽ “trên thực tế” nhường lại đất đai do Nga nắm…

4 giờ ago

Liên đoàn Bóng đá Anh cấm nam giới tham gia bóng đá nữ

Hôm thứ Năm (1/5), Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) thông báo rằng kể từ…

4 giờ ago

Ngoại trưởng Rubio: Thỏa thuận khoáng sản là ‘bước quan trọng để chấm dứt chiến tranh’

Thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên được ký kết giữa Washington và Kiev là…

4 giờ ago

Mỡ bò có tốt hơn dầu thực vật không? Sự thật làm thay đổi nhận thức của bạn

Từ trước đến nay, dầu thực vật luôn được xem là thực phẩm lành mạnh,…

4 giờ ago

Nga bác bỏ khả năng Ukraine trở lại biên giới năm 1991

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Năm (1/5) tuyên bố Moskva sẽ không cho phép…

4 giờ ago