Thế Giới

Mất điện diện rộng ở châu Âu: Nguy cơ dùng linh kiện năng lượng ‘made in China’

Ngày 28/4 năm nay, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bất ngờ gặp sự cố mất điện quy mô lớn, nguồn cung điện bị cắt giảm tới 60%, được xem là sự cố nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. Hai quốc gia này vốn tự hào về quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, với tỷ lệ điện mặt trời và điện gió chiếm tới 40%, nhưng lại trở thành điểm yếu chí mạng trong cuộc khủng hoảng lần này.

Mất điện ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần nước Pháp. (Ảnh người dân kẹt tại trạm tàu điện/ Chụp màn hình video)

Sau sự cố, xã hội châu Âu bắt đầu xem xét lại mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là rủi ro do sự phụ thuộc vào thiết bị năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc.

Hiện nguyên nhân cụ thể của vụ mất điện vẫn đang được điều tra. Thông tin sơ bộ cho thấy, việc sản lượng điện mặt trời đột ngột giảm đã kích hoạt cơ chế bảo vệ tự động của hệ thống, cộng thêm bất thường từ lưới điện Pháp đã gây ra hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến sự sụp đổ của lưới điện trong khu vực.

Trong bối cảnh công nghệ năng lượng phụ thuộc mạnh vào linh kiện sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là bộ nghịch lưu (inverter), các vấn đề về an ninh thông tin và rủi ro địa chính trị đã trở thành trọng tâm được quốc tế đặc biệt quan tâm.

Bộ nghịch lưu thông minh và “cổng điều khiển từ xa” tạo thành lỗ hổng an ninh

Trong cuộc khủng hoảng này, thiết bị trở thành tâm điểm thảo luận là bộ nghịch lưu công suất (power inverter) của hệ thống điện mặt trời. Thiết bị chuyển đổi điện một chiều (DC) từ tấm pin mặt trời thành điện xoay chiều (AC) để đưa vào lưới điện, được ví như bộ não” của hệ thống điện mặt trời.

Theo Nikkei Asia ngày 17/5, hiện nay đa số bộ nghịch lưu trên thị trường châu Âu đều do Trung Quốc sản xuất, trong đó Huawei là một trong những nhà cung cấp chính, chiếm khoảng 1/3 thị phần.

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời châu Âu (SolarPower Europe) công bố ngày 29/4 cho biết, các bộ nghịch lưu thông minh được trang bị tính năng giám sát và điều khiển từ xa, tuy tiện lợi cho vận hành và bảo trì nhưng lại trở thành lỗ hổng an ninh mạng.

Mô phỏng trong báo cáo cho thấy, nếu hệ thống điện mặt trời có công suất 3 GW bị tin tặc tấn công, sẽ đủ sức gây tổn hại nghiêm trọng đến sự ổn định của lưới điện châu Âu. Hiện có 7 doanh nghiệp sở hữu hệ thống bộ nghịch lưu với tổng công suất trên 10 GW, nếu một trong số đó bị phá hoại, hậu quả sẽ rất khó lường.

Ông Marius Bakke, Phó Chủ tịch viện nghiên cứu năng lượng Rystad Energy ở Oslo, Na Uy cảnh báo nếu khả năng truy cập từ xa vào cơ sở hạ tầng điện lực châu Âu thông qua bộ nghịch lưu bị tin tặc chiếm quyền, lưới điện toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Nikkei, ngày 28/4, Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố hạn chế các cuộc gặp giữa ủy viên EU và các hiệp hội có liên hệ với Huawei. Ngay sau đó, Huawei bị loại khỏi Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời châu Âu. Hiện một số lãnh đạo cấp cao của Huawei đang bị điều tra tại Brussels, Bỉ trong đó một số đã bị khởi tố do nghi án hối lộ các nghị sĩ EU.

Năm ngoái, EU cũng điều tra các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cuối cùng 2 công ty Trung Quốc đã rút khỏi các dự án đấu thầu công ở Romania.

Thiết bị liên lạc “ma” bị phát hiện, thiết bị Trung Quốc bị đặt dấu hỏi

Mối lo an ninh không dừng lại ở chức năng điều khiển từ xa. Theo Reuters ngày 14/5, một số bộ nghịch lưu do Trung Quốc sản xuất bị phát hiện có gắn thiết bị liên lạc không rõ nguồn gốc bên trong.

Hai nguồn tin ẩn danh cho biết, các quan chức năng lượng Mỹ đang đánh giá lại nguy cơ an ninh từ thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Trong một số bộ nghịch lưu, họ phát hiện thiết bị liên lạc đáng ngờ không được liệt kê trong tài liệu sản phẩm.

Nguồn tin cho biết, ngay cả một số sản phẩm pin từ nhiều nhà cung cấp Trung Quốc cũng bị phát hiện có thiết bị tương tự, có thể cung cấp kênh liên lạc bổ sung không được phép, vượt qua hệ thống tường lửa internet hiện tại.

Dù chưa thể kiểm chứng hoàn toàn độc lập, nhưng Hội đồng Sản xuất Năng lượng Mặt trời châu Âu (ESMC) đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, và kêu gọi Ủy ban Châu Âu nhanh chóng thiết lập hộp công cụ an ninh mạng để tăng cường tiêu chuẩn kiểm tra và bảo vệ đối với bộ nghịch lưu và các thiết bị liên quan.

Ông Thẩm Minh Thất, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, phân tích với phóng viên Epoch Times rằng: “Bất kỳ thiết bị nào sản xuất tại Trung Quốc, từ cơ sở năng lượng đến thiết bị giám sát, đều có khả năng cài đặt chương trình gián điệp hoặc thiết bị liên lạc thu thập dữ liệu mật.”

Ông nhấn mạnh: “Đây không chỉ là trách nhiệm doanh nghiệp mà còn liên quan đến toàn vẹn hệ thống an ninh thông tin quốc gia.”

Ông Thẩm cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng cài chức năng truyền dữ liệu vào camera Hikvision, nền tảng AI như DeepSeek, thậm chí cả phao nổi trên biển.

Ông cảnh báo: “Những thiết bị này không chỉ là rủi ro thương mại, mà còn là nguy cơ an ninh quốc gia. Nếu để chúng âm thầm truyền dữ liệu nhạy cảm về Trung Quốc, sẽ là sự xâm nhập lâu dài.”

Vì sao phương Tây phản ứng chậm? Lỗ hổng trong phòng thủ năng lượng

Về việc Châu Âu phản ứng chậm với các nguy cơ an ninh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Vương Tú Văn, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Đài Loan, nhận định: “Phương Tây chỉ bắt đầu nhận thức mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc qua vụ Huawei 5G, rồi sau đó lan sang lĩnh vực chip bán dẫn. Nhưng trong năng lượng tái tạo, ban đầu họ không nhận ra ĐCSTQ cũng có thể ‘giở trò’.”

Bà Vương, thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị – Quân sự Trung Quốc, cho biết ĐCSTQ đã đổ tiền đầu tư vào các chương trình năng lượng sạch của EU sau khủng hoảng nợ công châu Âu 2009–2010, trở thành một phần trong hợp tác khu vực. “Huawei không chỉ tham gia 5G, mà còn có thể đã dính líu vào nghiên cứu năng lượng mặt trời, khiến một số chính trị gia châu Âu tỏ ra khoan dung với họ.”

Giờ đây, với vụ mất điện diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng các nghi ngờ an ninh được công khai, châu Âu buộc phải đối diện nguy cơ thiết bị Trung Quốc thu thập dữ liệu hoặc làm tê liệt hạ tầng. Bà Vương cho rằng: Sau 5G, đây là bằng chứng rõ ràng thứ 2 cho thấy thiết bị Trung Quốc có thể tiềm ẩn lỗ hổng an ninh.”

Chuỗi cung ứng tập trung cao: Chuyển đổi năng lượng châu Âu gặp trở ngại

Theo báo cáo 2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, với tốc độ cung vượt xa nhu cầu, khiến giá sụt mạnh. Bắc Kinh đã dùng trợ cấp lớn và đầu tư công nghiệp để kéo giá pin mặt trời giảm tới 80% trong 10 năm, qua đó nhanh chóng mở rộng thị trường toàn cầu.

Ông Vincent Delporte, giám đốc đối ngoại của công ty khởi nghiệp HoloSolis (Pháp), nhận định, nếu không có chính sách hỗ trợ sản xuất nội địa và điều tiết thị trường, ngành pin mặt trời châu Âu không thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Điều này cũng có nghĩa là nếu chuỗi cung ứng Trung Quốc bị gián đoạn hoặc xảy ra rủi ro chính trị, quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu sẽ gặp trở ngại tức thì. Ông Marius Bakke thẳng thắn vấn đề linh kiện quang điện tử từ Trung Quốc luôn là nỗi lo lớn đối với an ninh năng lượng châu Âu.

Mỹ – châu Âu ra đối sách: Cần kiểm tra toàn diện thiết bị Trung Quốc

Mỹ và châu Âu đang xem xét các biện pháp đối phó. Ông Doug Steinhardt, cựu Chủ tịch Đảng Cộng hòa bang New Jersey, hiện là thượng nghị sĩ bang, cho rằng phát hiện mới về thiết bị liên lạc bất thường đã phơi bày lỗ hổng an ninh trong hạ tầng Mỹ.

Trong tuyên bố, ông nhấn mạnh chúng ta phải hành động ngay lập tức, không thể để hệ thống năng lượng, chuỗi cung ứng thực phẩm hay tài sản trọng yếu khác rơi vào tay kẻ có ý đồ xấu.

Theo Reuters, các quốc gia như Litva và Estonia cũng đã nhận thức được mối đe dọa với an ninh năng lượng. Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Litva đã thông qua luật cấm Trung Quốc truy cập từ xa vào các thiết bị điện mặt trời, điện gió và pin trên 100 kW.

Tại Anh, nguồn tin cho biết chính phủ sẽ hoàn tất việc rà soát các công nghệ năng lượng tái tạo Trung Quốc trong vài tháng tới, bao gồm cả bộ nghịch lưu.

Quan chức NATO cho rằng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát cơ sở hạ tầng thiết yếu của các nước thành viên, trong đó có bộ nghịch lưu, đang gia tăng. NATO phải xác định điểm phụ thuộc chiến lược và tìm cách giảm sự lệ thuộc đó.

Bà Vương Tú Văn cho rằng biện pháp thiết thực nhất lúc này là kiểm tra toàn diện rủi ro tiềm tàng từ thiết bị Trung Quốc trong hạ tầng hiện có. “Những thiết bị này có thể đã được cài đặt mô-đun liên lạc ẩn hoặc phần mềm độc hại, chỉ chờ thời điểm kích hoạt.”

Bà đề xuất châu Âu nên học theo Úc và Mỹ, triển khai quy định kiểm tra công nghệ nghiêm ngặt và giám sát nhập khẩu.

“ĐCSTQ thì chưa có bằng chứng đã vu khống người khác ‘giở trò‘, còn phương Tây thì đến khi có chứng cứ mới bắt đầu điều tra toàn diện. Sự khác biệt này là lỗ hổng mà phương Tây cần nhanh chóng lấp đầy,” bà cảnh báo.

Bà cũng kêu gọi EU công khai kết quả điều tra để các quốc gia khác có thể nghiêm túc rà soát cơ sở hạ tầng của mình, xem liệu có tiềm ẩn rủi ro tương tự hay không.

Mộc Lan, Lạc Á

Published by
Mộc Lan, Lạc Á

Recent Posts

Đài hóa thân ở Nam Định phải hoàn trả gần 11 tỷ đồng tiền “chặt chém”

Hơn 20 nghìn khách hàng đưa người nhà tới hỏa thiêu tại Đài hóa thân…

17 phút ago

Làm cha mẹ có thể giúp bạn minh mẫn hơn khi về già

Nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ với nhiều thử thách có thể giúp…

19 phút ago

Đại học Harvard kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế

Đại học Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền tổng thống Trump về quyết định…

28 phút ago

Nga và Ukraine trao đổi gần 800 tù nhân

Nga và Ukraine mỗi bên đã tiến hành thả 390 người về nước trong đợt…

37 phút ago

ĐCSTQ hiếm hoi thừa nhận làm giả số liệu thống kê, chuyên gia vạch rõ bế tắc thể chế

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hiếm hoi chỉ trích 7 tỉnh thành vì…

1 giờ ago

Tại sao khiêm tốn lại mang đến nhiều lợi ích bất ngờ?

Người khiêm tốn nhất trong chúng ta thường chính là những nhà lãnh đạo vĩ…

2 giờ ago