Hôm 30/9, một máy bay tuần tra hàng hải của Trung Quốc đã tiếp tục xâm nhập bầu trời ngoài khơi tây nam Đài Loan, đánh dấu một tháng vùng trời Đài Loan ghi nhận số vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập cao kỷ lục.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã công khai các cuộc xuất kích của Lực lượng Không quân PLA vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ trong 13 tháng.
Tính đến ngày 30/9, Đài Loan đã ghi nhận 117 vụ xâm nhập của máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm máy bay ném bom có khả năng hạt nhân, máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát vào ADIZ.
Đây là con số hàng tháng cao nhất được ghi nhận, vượt qua con số 107 vụ hồi tháng 4.
Tính tổng kể từ đầu năm, không quân Đài Loan đã phát hiện và tìm cách trục xuất 522 vụ xâm nhập của PLA vào ADIZ, so với khoảng 380 vụ cho cả năm 2020 – vốn đã là một kỷ lục vào thời điểm đó.
Đây được coi là hành động leo thang quân sự đáng báo động nhất của Trung Quốc kể từ Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vào giữa những năm 1990.
Các nhà bình luận, bao gồm các nhà nghiên cứu quân sự Đài Loan đã cố gắng xác định mối liên hệ giữa hoạt động của PLA gần Đài Loan và các tín hiệu do giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc gửi đi.
Thứ Năm tuần trước, một ngày sau khi Đài Bắc đệ trình đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 24 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã làm rung chuyển bầu trời phía nam hòn đảo.
Sau khi TT Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đề cập đến Đài Loan trong thông cáo của họ vào tháng 6, Đài Loan cho biết họ đã phải đối mặt với 28 máy bay xâm nhập. Cho đến nay, đây là con số kỷ lục trong một ngày từng diễn ra.
Trong phiên điều trần ở Quốc hội hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng cho biết một trong các mục đích của Trung Quốc là làm quen với khu vực như một phần của quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Dữ liệu do nhà phân tích quốc phòng Gerald Brown tại Washington tổng hợp cho thấy máy bay tuần tra hàng hải chống tàu ngầm Y-8 của Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thường xuyên nhất vào ADIZ của Đài Loan kể từ năm ngoái, theo sau là máy bay chiến đấu tấn công J-16 của Không quân PLA, có khả năng sẽ nhằm đánh chặn hoặc hộ tống.
Ông Brown nói: “Chúng ta có nguy cơ rơi vào cái bẫy khi cho rằng đây chỉ là hành động nhằm phát tín hiệu. Đôi khi đúng là như vậy, nhưng rất nhiều lần họ là đang đào tạo, thu thập thông tin tình báo, v.v.”
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Newsweek, Su Tzu-yun, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia ở Đài Bắc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Kênh nước sâu Bashi đối với Trung Quốc và Mỹ – một tuyến đường thủy phía nam Đài Loan nối Biển Đông với Tây Thái Bình Dương.
Tại khu vực này, các máy bay do thám của Mỹ cũng thường xuất hiện và là nơi các nhà lập pháp Đài Loan đặc biệt lo ngại bởi các chuyến bay của PLA dường như cắt thẳng qua không gian giữa đường bờ biển phía nam của Đài Loan và một nhóm đảo ở Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.
Ông Chiu nói với các nhà lập pháp rằng không quân Đài Loan chỉ có thể tiếp tục đánh chặn và cảnh báo các máy bay PLA đang tiếp cận để ngăn Trung Quốc thiết lập ưu thế trên không ở góc tây nam ADIZ của họ.
Tiến Minh (theo Newsweek)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…