Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Năm (12/10) đã phát đi thông báo rằng nước Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO), sau nhiều năm Wasington tự tách mình khỏi tổ chức này vì cho rằng UNESCO “có khuynh hướng chống Israel”.
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova phát biểu trong một hội nghị của LHQ năm 2016
Tờ New York Times cho hay chính quyền Trump cũng lấy lý do nước Mỹ đang có khoản nợ quá hạn tại UNESCO là nguyên cớ cho quyết định rút lui.
Phát biểu trong buổi họp báo hôm thứ Năm (12/10), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói: “Chúng tôi đã nợ tới 550 triệu USD và câu hỏi đặt ra là liệu chúng tôi có muốn trả số tiền đó không?”. Bà Nauert nói thêm: “Với khuynh hướng chống Israel như này, được văn bản hóa tại UNESCO, đã đến lúc cần phải kết thúc”.
Năm 2011, Hoa Kỳ đã dừng tài trợ cho UNESCO vì tổ chức này công nhận Palestine là thành viên chính thức. Tới năm 2013, Washington mất quyền bỏ phiếu tại UNESCO. Thực thế, 22% ngân sách của UNESCO đến từ nước Mỹ khi mỗi năm Washington chuyển vào đây khoảng 70 triệu USD.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết việc rút lui này của Washington sẽ có hiệu lực chính thức vào cuối năm 2018. Phía Mỹ cũng nói rằng họ muốn tiếp tục đóng góp cho UNESCO quan điểm và chuyên môn của Mỹ trong vai trò quan sát viên, và sẽ xem xét lại quyết định rút lui nếu UNESCO chịu thay đổi.
Bà Nauert cho biết nếu UNESCO trở lại là “một nơi mà họ thực sự quảng bá văn hoá và giáo dục trên tất cả những hoạt động của mình, có lẽ chúng tôi có thể xem xét điều này“.
Trong một tuyên bố bằng văn bản khá dài, bà Irina Bokova – Tổng giám đốc UNESCO đã bảy tỏ sự tiếc nuối về quyết định rút lui của nước Mỹ và nói rằng nhân dân Mỹ đã cùng chia sẻ nhiều mục tiêu của tổ chức.
Tuyên bố của bà Bokova có đoạn viết: “Tính phổ quát là điều quan trọng đối với sứ mệnh của UNESCO nhằm tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế khi đối mặt với hận thù và bạo lực, và bảo vệ quyền và phẩm giá con người”.
Quyết định của chính quyền Trump cũng nhận chỉ trích từ các tổ chức văn hóa trong nước Mỹ – những nhóm cho rằng UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa trọng yếu toàn cầu.
Ông Daniel H. Weiss, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bảo tàng Nghệ thuật Đô thị tại New York, cho hay: “Mặc dù UNESCO có thể không phải là một tổ chức hoàn hảo, nhưng cơ quan này giữ vai trò lãnh đạo quan trọng và là đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực này”.
Tổng giám đốc UNESCO Bokova, trong cuộc phóng vấn qua điện thoại với tờ New York Times, đã đặt dấu hỏi về thời điểm tuyên bố rút lui của chính phủ Mỹ. Bà Bokova nói: “Tôi đã nghĩ quyết định này rồi sẽ đến, nhưng tại sao nó lại đến vào thời điểm bây giờ khi đang diễn ra cuộc bầu cử lãnh đạo mới của tổ chức, tôi không hiểu nữa”.
Các nhà phân tích nói rằng rút khỏi UNESCO là một bước tiến đáng kể của Hoa Kỳ trong việc chỉ trích các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Ông Aaron David Miller, từng là nhà đàm phán và cố vấn về Trung Đông trong các chính quyền của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhận định rằng: “Đây là một ví dụ khác về sự quan ngại sâu sắc của chính quyền Trump đối với cách LHQ được cấu trúc và vận hành”.
Tháng 7 vừa qua, UNESCO đã tuyên bố trung tâm của thành phố Hebron, ở Bờ Tây sông Jordan do Israel chiếm đóng – nhưng là Di sản Thế giới của đất nước Palestine do UNESCO công nhận, đang bị đe doạ tàn phá. Israel và các nước đồng minh chỉ chính mạnh mẽ quyết định này của UNESCO.
Trước đó, vào năm 2015, UNESCO đã thông qua một quyết trong đó chỉ trích Israel đã gây tổn hại cho các di sản tại Jerusalem và lên án “hành vi bạo lực và các biện pháp bất hợp pháp của Israel chống lại tự do tôn giáo”.
Trong khi đó, theo New York Times, việc bảo vệ đồng minh Israel trên sân khấu toàn cầu được cho là nguyên tắc chủ chốt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Ngay từ khi đắc củ nhưng chưa chính thức nhậm chức tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã tiến hành can thiệp bất thường vào vũ đài thế giới bằng việc chỉ trích quyết định của chính quyền Obama đã không ngăn chặn nghị quyết của LHQ chỉ trích Israel chiếm đóng Bờ Tây. Ông Trump thậm chí đã hứa sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem. Tổng thống Mỹ cũng bổ nhiệm bà Nikki R. Haley, một nhân vật ủng hộ Irsael, làm đại sư Hoa Kỳ tại LHQ. Bà Haley sau đó đã liên tục phê bình LHQ về cái mà bà gọi là khuynh hướng chống Israel.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng phát đi tuyên bố rằng nước này đánh giá cao động thái của Washington và cam kết sẽ cùng Mỹ rút khỏi UNESCO.
“Đây là một quyết định can đảm và đạo đức bởi vì UNESCO đã trở thành một ‘rạp hát’ vô lý, thay vì bảo tồn lịch sử, nó đang bóp méo [quá khứ]”, ông Netanyahu nói.
Đối với Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu, việc UNESCO công nhận Hebron và Nhà thờ ở Bethlehem là Di sản Thế giới của Palestine, cùng các nghị quyết chỉ trích Israel năm 2015 và 2016, là những động thái cho thấy “khuynh hướng chống Israel”.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO. Vào năm 1984, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan cũng đã rút khỏi tổ chức này vì cho rằng UNESCO quá dễ bị ảnh hưởng bởi Moscow và phản đối Israel quá mức. Năm 2002, Tổng thống George W. Bush đã cam kết tái gia nhập UNESCO. Động thái đó nhằm thể hiện sự sẵn sàng của nước Mỹ trong việc hợp tác quốc tế, mở đường cho việc Washington dẫn đầu liên minh tấn công Iraq năm 2003.
Hùng Cường
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…