Ngày 17/3, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết hiện các nghị sĩ cả hai đảng đang tích cực hợp tác cho ra dự luật nhằm thúc đẩy cạnh tranh toàn diện với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dự kiến sớm nhất là giữa hoặc cuối tháng Tư sẽ bỏ phiếu tại Thượng viện. Kế hoạch lập pháp này cho thấy cả phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội mới vẫn sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Đài VOA Mỹ đưa tin, tại phiên điều trần về cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung diễn ra hôm thứ Tư (17/3), Thượng nghị sĩ Bob Menendez – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ông dự kiến trong tháng Tư sẽ đưa dự luật quan trọng mới đề xuất liên quan đến ĐCSTQ vào chương trình nghị sự của ủy ban để xem xét và bỏ phiếu.
“Tôi đã đồng ý dự kiến cuộc họp xem xét vào ngày 14/4, chúng tôi phải hoàn thành văn bản của dự luật trong thời gian tạm ngưng họp và cho các thành viên khác của ủy ban cơ hội để xem xét nó trong chương trình nghị sự”, ông Menendez nói tại buổi điều trần, “Tôi kỳ vọng văn bản của dự luật sẽ đại diện cho hướng đi chung của hai đảng về vấn đề Trung Quốc, các thành viên cũng sẽ có cơ hội đề xuất các sửa đổi đối với dự luật.”
Sau khi dự luật thông qua tại ủy ban sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện. Sau đó, dự luật phải được Hạ viện thông qua mới có thể được gửi đến Nhà Trắng cho Tổng thống Biden ký thành luật. Đảng Dân chủ hiện kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, dự kiến dự luật sẽ không gặp nhiều trở ngại sau khi chính thức đưa ra.
Tháng Hai năm nay, Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer thông báo rằng ông đã chỉ đạo ủy ban liên quan soạn thảo một biện pháp lập pháp quan trọng nhằm tăng tính độc lập và khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và thương mại, qua đó chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Dự luật vẫn chưa được chính thức đưa ra, tuy nhiên thành viên Quốc hội (giấu tên) chịu trách nhiệm soạn thảo và quen thuộc với nội dung của dự thảo đã tiết lộ với VOA rằng nội dung của dự luật vẫn đang được thảo luận và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng Ba.
Trong hai tháng qua Chính quyền mới của Tổng thống Biden đã đảo ngược một số chính sách do cựu Tổng thống Trump ban hành. Nhưng trong vấn đề Trung Quốc, chính quyền mới vẫn chưa thực hiện các biện pháp đảo ngược gì lớn, thay vào đó là triển khai hàng loạt hoạt động đánh giá lại toàn diện quan hệ với Bắc Kinh.
Theo hãng truyền thông Mỹ Axios, Nhà Trắng có vẻ “chưa hăng hái” về dự luật sắp được đưa ra. Một quan chức Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Biden hoan nghênh Hạ nghị sĩ Schumer và các dân biểu của cả hai đảng cùng hợp tác để tìm ra các biện pháp tiếp theo nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của chúng ta.”
So với tình trạng “kín đáo” của nhánh hành pháp, hàng tuần hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều liên tục đưa ra các biện pháp lập pháp khác nhau, tất cả đều nhắm vào ĐCSTQ. Trên Đồi Capitol ở Washington, “tấn công Trung Quốc” (outcompete China) rõ ràng là một trong số ít các từ khóa có thể củng cố sự đồng thuận của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.
“Đối thủ cạnh tranh chiến lược” đã là vấn đề nhất quán của hai đảng trong Quốc hội Mỹ khi mô tả đặc điểm của mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc.
Tại buổi điều trần hôm thứ Tư, Thượng nghị sĩ Menendez cho biết diễn biến tình trạng Washington và Bắc Kinh như hiện nay là hệ quả của những lựa chọn chính sách mà Trung Quốc đưa ra trong những năm qua.
Ông nói: “Tôi nghĩ không nghi ngờ gì về khuôn khổ cơ bản chính xác trong quan hệ Mỹ-Trung ngày nay là “cạnh tranh chiến lược”, đó không phải vì chúng tôi nhất thiết muốn mà là kết quả của những lựa chọn do Bắc Kinh đưa ra. Chúng tôi cần thấy rõ ý đồ và hành động của Bắc Kinh, từ đó điều chỉnh thỏa đáng chính sách và chiến lược của chúng tôi.”
“Mỹ cần một khuôn khổ chiến lược mới để cạnh tranh với Trung Quốc, và một bộ nguyên tắc tổ chức mới để đáp ứng những thách thức của kỷ nguyên mới này,” ông Menendez tiếp tục.
Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cũng lặp lại tuyên bố của Thượng nghị sĩ Menendez.
“Như hầu hết chúng ta đã nhận ra trong những năm gần đây, cạnh tranh chiến lược với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, thách thức từ ĐCSTQ đang cấp bách, chúng ta phải có những hành động tương ứng,” Thượng nghị sĩ Risch cho biết.
Ông Menendez cũng nhắc đến vấn đề cốt lõi của nguyên tắc quan hệ đối ngoại mới là nỗ lực hợp tác giữa các đồng minh có cùng chí hướng.
Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Menendez và Thượng nghị sĩ Mark Warner là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện đã dẫn đầu một số nhà lập pháp giới thiệu một dự luật liên đảng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế của Mỹ trong các công nghệ mới nổi, để kết hợp các đồng minh cạnh tranh với Trung Quốc. Dự luật gọi là “Luật Đối tác Công nghệ Dân chủ” (Democracy Technology Partnership Act), theo đó sẽ thành lập một văn phòng liên ngành trong Bộ Ngoại giao làm nhiệm vụ điều phối quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nền dân chủ khác về các công nghệ mới nổi như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, và ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, dự luật sẽ thành lập Quỹ Đối tác Công nghệ Quốc tế (International Technology Partnership Fund) trị giá 5 tỷ USD để hỗ trợ hỗ trợ các dự án nghiên cứu chung giữa các nước dân chủ, cũng như giới học thuật và công nghiệp. Dự luật cũng kêu gọi xây dựng các chiến lược tìm kiếm các giải pháp thay thế để tránh mua công nghệ từ các nước độc tài.
Tóm lại, biện pháp lập pháp này chủ yếu là đoàn kết các nước dân chủ hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật và chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Hiện có 6 thành viên hàng đầu của cả hai đảng đồng ký kết dự luật này, bao gồm Quyền Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Marco Rubio, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn, Todd Young, Ben Sasse, và Thượng nghị sĩ Dân chủ Michael Bennet.
Ngoài việc tích cực triển khai các mặt trận hợp tác với các nước dân chủ, các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và các nước ở Mỹ Latin, vì vấn đề “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ thâm nhập ở Mỹ Latin đang là vấn đề đặc biệt quan tâm giữa các nhà lập pháp của cả hai đảng.
Trong phiên điều trần hôm thứ Tư của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen đến từ New Hampshire cho biết rằng trong số 35 nước Mỹ Latin thì có đến 25 nước có dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, trong đó 19 nước đã tham gia “Vành đai và Con đường”. Bà cũng đề cập thêm rằng Trung Quốc đã cung cấp hơn 120 triệu USD hỗ trợ cho các nước Mỹ Latin trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona mới (virus Trung Cộng), mục tiêu của Trung Quốc là vào năm 2025 cung cấp hỗ trợ vay cho các nước Mỹ Latin 250 tỷ USD. Ngoài ra, kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc và các nước Mỹ Latin đã tổ chức ít nhất 44 cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia.
“Rõ ràng, họ đang tiến quân vào châu Âu, vào châu Mỹ Latin ở tây bán cầu. Trên thực tế, họ có rất nhiều hỗ trợ ngoại giao và kinh tế trên khắp châu Mỹ Latin,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen cho biết tại phiên điều trần.
Tiến sĩ Elizabeth Economy, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover của Đại học Stanford và Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Mỹ, kêu gọi Chính phủ Mỹ không chỉ xây dựng chính sách chống lại Trung Quốc mà quan trọng hơn nữa là phải cho thấy được tầm nhìn về mục tiêu chiến lược.
“Chúng ta phải có tầm nhìn, chúng ta phải biết trong tương lai chúng ta muốn nước Mỹ trông như thế nào trên thế giới, cũng như thế giới sẽ như thế nào vào năm 2049, và sau đó chúng ta phải xây dựng kế hoạch từ cơ sở đó và hợp tác với các đồng minh của chúng ta để đạt được tầm nhìn đó,” tiến sĩ Economy phát biểu tại buổi điều trần.
Bà tiếp tục, “Nếu không, cuối cùng chúng ta sẽ phải liên tục ứng phó với 1000 sáng kiến khác nhau của Trung Quốc trong tương lai. Vì vậy, dù cho chúng ta muốn cạnh tranh với Trung Quốc về mặt chiến lược, thực tế nên hiểu rõ Mỹ hy vọng thế giới vào năm 2050 sẽ như thế nào, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào, đây là cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề.”
Theo VOA
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…