Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) mới đây cho biết ít nhất 6.700 người Hồi giáo Rohingya đã bị giết hại chỉ trong 1 tháng sau khi bạo lực nổ ra tại bang Rakhine, Myanmar từ cuối tháng 8/2017.
Người Hồi giáo Rohingya sống trong trại tị nạn làm tạm bằng tre ở Bangladesh
BBC cho hay MSF đưa ra báo cáo số liệu như vậy dựa vào các cuộc khảo sát do họ thực hiện với người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh. Số liệu này cao hơn rất nhiều so với con số 400 người chết mà giới chức Myanmar công bố.
MSF cho biết đây là “dấu hiệu rõ ràng nhất về tình trạng bạo lực lan rộng” mà chính quyền Myanmar thực hiện đối với người Hồi giáo Rohingya.
Theo số liệu của MSF, có hơn 647.000 người Rohingya đã phải trốn chạy sang Bangladesh kể từ tháng 8/2017.
Khảo sát của nhóm cứu trợ nhân đạo này phát hiện rằng có ít nhất 9.000 người Rohingya đã chết tại Myanmar trong khoảng thời gian từ 25/8 đến 24/9/2017.
“Với ước tính thận trọng nhất, ít nhất 6.700 trong số 9.000 người này là do bạo lực, bao gồm hơn 730 trẻ em dưới 5 tuổi”, BBC dẫn báo cáo của MSF.
Giám đốc y tế của MSF Sidney Wong cho hay: “Những gì chúng tôi khám phá là đáng kinh ngạc, cả về số lượng người trong cùng gia đình chết do bạo lực, và cách thức khủng khiếp mà họ nói họ đã bị giết hoặc bị thương nặng”.
Theo thống kê của MSF: 69% số người chết liên quan đến bao lực là do súng đạn. 9% do bị chết cháy trong nhà của họ. 5% bị đánh đến chết.
Riêng trẻ em dưới 5 tuổi, MSF cho biết hơn 59% bị bắn chết, 15% bị chết cháy, 7% bị đánh chết và 2% chết do nổ mìn.
“Số lượng người tử vong dường như vẫn còn thấp hơn so với thực tế vì chúng tôi chưa khảo sát được tất cả các trại tị nạn ở Bangladesh và vì các cuộc khảo sát này không tính những gia đình mà chưa có người nào trốn thoát được khỏi Myanmar”, ông Wong nói thêm.
Trước đó, lực lượng quân đội Myanmar tuyên bố rằng chỉ khoảng 400 người đã thiệt mạng, phần lớn trong số này được cho là phiến quân khủng bố Hồi giáo.
Quân đội cũng phủ nhận việc giết hại dân thường, đốt làng của họ, hãm hiếp phụ nữ, các bé gái và ăn cắp tài sản.
Vào tháng 11, Bangladesh và Myanmar đã ký một thỏa thuận về việc cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn Rohingya trở về nước. Tuy nhiên, MSF nói rằng thỏa thuận này “dường như đã thất bại từ trong trứng nước” và “hiện tại người dân vẫn đang phải trốn chạy” và có báo cáo cho biết trong vài tuần gần đây vẫn có bạo lực tại bang Rakhine.
Hùng Cường
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…