Hôm thứ Năm (6/6), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo đảng ANC, tuyên bố, Đại hội Dân tộc Phi (ANC) sẽ mời các đảng chính trị khác tham gia thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, sau khi đảng này mất đi thế đa số lần đầu tiên trong kỷ nguyên dân chủ.
Đại hội Dân tộc Phi được thành lập vào năm 1912 nhằm đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Nam Phi. Sau đó dưới sự lãnh đạo của ông Nelson Mandela, ANC đã lên nắm quyền điều hành đất nước kể từ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1994, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ cai trị của nhóm thiểu số người da trắng. Tuy nhiên, đảng này đã bị trừng phạt trong cuộc bầu cử tuần trước vì thành tích tệ hại trong việc điều hành đất nước.
Sau cuộc họp kéo dài một ngày của Ủy ban Điều hành Quốc gia của ANC ở thành phố Johannesburg, Tổng thống Ramaphosa tiết lộ, ANC đã quyết định rằng sự hợp tác rộng rãi với các lực lượng chính trị khác là “sự lựa chọn tốt nhất để đưa đất nước tiến lên.”
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Ramaphosa giải thích: “Các đảng chính trị nên cùng nhau xây dựng một tương lai chung cho đất nước chúng ta. Chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo vệ sự đoàn kết quốc gia, hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế toàn diện, không phân biệt chủng tộc và không phân biệt giới tính.”
Bất chấp kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/5, ANC vẫn là đảng lớn nhất Nam Phi và sẽ kiểm soát 159 trong số 400 ghế trong Quốc hội mới.
Kết quả bầu cử đã tạo ra tình huống phức tạp cho Tổng thống Ramaphosa và đảng của ông.
Các đối thủ đạt kết quả bầu cử gần nhất với ANC là đảng Liên minh Dân chủ (DA) ủng hộ doanh nghiệp do người da trắng lãnh đạo với 87 ghế; đảng dân túy uMkhonto we Sizwe (MK) do cựu Tổng thống Jacob Zuma lãnh đạo đạt 58 ghế; và đảng Những người đấu tranh vì Tự do Kinh tế (EFF) cực tả chiếm 39 ghế.
Tổng thống Ramaphosa lưu ý: “Chúng tôi không loại trừ khả năng hợp tác với bất kỳ đảng nào miễn là điều đó là vì lợi ích chung.”
Ông cho biết thêm rằng ANC đã tổ chức các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với EFF, DA và các đảng nhỏ khác như Đảng Tự do Inkatha, Đảng Tự do Quốc gia và đảng Liên minh Yêu nước.
Trong một thông báo hôm thứ Năm (6/6), đảng MK xác nhận rằng họ đã tiếp xúc với ANC và một cuộc họp giữa hai bên dự kiến sẽ sớm diễn ra.
Nam Phi, nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, đã suy thoái trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng chậm chạp, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp ở mức cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp và tham nhũng chính trị tràn lan.
Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh: “Mục đích của chính phủ đoàn kết dân tộc trước hết là phải giải quyết các vấn đề cấp bách mà người dân Nam Phi muốn được giải quyết.”
Theo luật, quốc hội mới phải được triệu tập trong vòng hai tuần sau khi kết quả bầu cử được công bố vào Chủ nhật (2/6). Một trong những hành động đầu tiên mà quốc hội phải thực hiện là bầu tổng thống.
Thời hạn triệu tập quốc hội theo hiến pháp, sẽ rơi vào hoặc trước ngày 16/6, đang gây áp lực lên ANC và các đảng khác trong việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Khó khăn của ANC trong việc tìm đối tác
Về phần mình, đảng DA đã phát tín hiệu hôm thứ Tư (5/6) rằng họ không muốn tham gia một chính phủ, trong đó có đảng MK hoặc đảng EFF.
Bất kỳ thỏa thuận nào giữa ANC với DA sẽ được thị trường tài chính hoan nghênh nhưng sẽ không được lòng của những người ủng hộ ANC, những người coi DA là đảng của nhóm người thiểu số da trắng giàu có ở Nam Phi.
Một nhóm người biểu tình chống DA đứng bên ngoài khách sạn nơi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Điều hành Quốc gia (NEC) của ANC, giơ biểu ngữ ghi “DA muốn tiêu diệt ANC” và “Đừng nhân danh chúng tôi.”
Ngược lại, theo các nhà phân tích, một thỏa thuận với EFF hoặc MK, những đảng ủng hộ việc quốc hữu hóa các mỏ và tịch thu đất mà không bồi thường, sẽ được một số người ủng hộ ANC ưa thích hơn, nhưng có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế.
Cả EFF và MK đều do các cựu nhân vật ANC lãnh đạo, những người có mâu thuẫn với ban lãnh đạo hiện tại của ANC. Đặc biệt nhà lãnh đạo Zuma của MK đã công khai bày tỏ sự chán ghét đối với Tổng thống Ramaphosa. Sau cuộc bầu cử, đảng MK tuyên bố, họ sẽ không hợp tác với “ANC của [Tổng thống] Ramaphosa.”
Hôm thứ Tư (5/6) ANC cảnh báo, họ sẽ không nói chuyện với bất kỳ ai yêu cầu Tổng thống Ramaphosa từ chức như một điều kiện để gia nhập liên minh với ANC.
Ông Zuma đã bị buộc phải từ chức tổng thống vào năm 2018 sau một loạt vụ bê bối tham nhũng. Cựu tổng thống Nam Phi đã bị bỏ tù vì coi thường tòa án sau khi từ chối tham gia vào một cuộc điều tra tham nhũng. Phán quyết này đã cấm ông tranh cử vào quốc hội.
Tuy nhiên, ông Zuma vẫn được yêu mến tại tỉnh quê nhà, tỉnh KwaZulu-Nata đông dân, nơi cảnh sát đã được triển khai thêm trong tuần này để duy trì trật tự công cộng. KwaZulu-Nata là nơi đã xảy ra vụ bạo loạn chết người vào năm 2021 khi cựu Tổng thống Zuma bị kết án.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…