Cụ thể, theo tài liệu công bố trên cổng thông tin chính phủ Nga hôm nay, dự luật được Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua nhằm khôi phục tính bình đẳng trong các cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
CTBT được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1996, với 187 quốc gia đã ký tham gia. CTBT cấm các vụ thử hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường. Nga là một trong những nước đầu tiên tham gia CTBT và phê chuẩn hiệp ước năm 2000.
Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn. Trong số đó, Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đều đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT, còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.
Hạ viện Nga bắt đầu xem xét rút khỏi CTBT sau khi Tổng thống Putin ngày 5/10 cho rằng nước này nên cân nhắc hủy phê chuẩn hiệp ước, bởi Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Hạ viện Nga soạn và bỏ phiếu thông qua dự luật, chuyển Thượng viện Nga phê duyệt hôm 25/10.
Giới chức Nga cho hay rằng việc hủy động thái trên không đồng nghĩa Nga chuẩn bị thử bom hạt nhân. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin trước đó cho biết dù hủy phê chuẩn CTBT, Nga vẫn sẽ là một bên ký tham gia hiệp ước và tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cùng hệ thống giám sát toàn cầu.
Phan Anh
Video: Tình nghĩa vợ chồng son sắt của vua Gia Long