Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm 10/7/2025, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: Shutterstock)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị vào thứ Năm (ngày 10/7) đã lần lượt gặp gỡ các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Mặc dù không trực tiếp đối đầu, cả hai bên âm thầm cạnh tranh, làm nổi bật nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm củng cố ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN, ông Rubio nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nguồn gốc của căng thẳng lớn giữa ĐCSTQ và nhiều quốc gia ASEAN, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có hành vi thương mại không công bằng. Trong khi đó, ông Vương Nghị dùng khái niệm “toàn cầu hóa mang tính bao dung” để ám chỉ các chính sách thuế quan của Mỹ.
Ông Rubio nhấn mạnh rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm của chính sách ngoại giao của chính quyền Trump, đồng thời khẳng định Mỹ là “đối tác kiên định của ASEAN” và sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc vào hợp tác.
“Khi tôi nghe tin tức nói rằng Mỹ hoặc thế giới có thể bị phân tâm bởi các sự kiện ở những nơi khác trên Trái Đất, tôi sẽ nói rằng điều đó là không thể,” ông Rubio phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Malaysia Mohamad bin Hasan. “Bởi vì quan điểm của chúng tôi – quan điểm kiên định và cũng là thực tế – là câu chuyện của thế kỷ này, thậm chí của thế kỷ tới, câu chuyện của 50 năm tới, sẽ chủ yếu được viết ở khu vực này của thế giới.”
“Chúng tôi là đối tác kiên định, chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ bên nào khác trong khu vực,” ông Rubio tuyên bố, nhấn mạnh rằng tự do hàng hải và hàng không là yếu tố then chốt đối với thương mại toàn cầu, an ninh hàng hải và hòa bình. Ông chỉ trích các yêu sách chủ quyền chồng lấn của ĐCSTQ ở Biển Đông gây bất ổn khu vực, đồng thời phê phán Bắc Kinh quấy nhiễu bất hợp pháp tàu thuyền nước ngoài và thực hiện các vụ chặn máy bay nguy hiểm ở vùng biển quốc tế, “phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, chồng lấn với yêu sách của nhiều quốc gia khác. Năm 2016, Tòa án Trọng tài ở La Haye phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.
Ông Rubio nói: “Việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng biển rộng lớn thuộc quyền tài phán hàng hải rõ ràng của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam là bất hợp pháp.” Ông nhấn mạnh rằng các hành vi này “phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, đặc biệt khi liên quan đến việc quấy nhiễu tùy tiện tàu thuyền nước ngoài và chặn máy bay một cách nguy hiểm trong không phận quốc tế”.
Trong khi đó, tại cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN, ông Vương Nghị cho biết vòng xem xét thứ ba của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đã hoàn tất, đồng thời lập luận rằng Biển Đông không nên trở thành đấu trường cho các cường quốc.
Ông kêu gọi thúc đẩy toàn cầu hóa mang tính bao dung và một hệ thống quốc tế bình đẳng, chỉ trích chủ nghĩa đơn phương và các chính sách thương mại cưỡng chế, ám chỉ chính sách thuế quan của Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Trump vào thứ Tư đã kết thúc giai đoạn hoãn thuế 90 ngày và bắt đầu áp thuế nặng từ ngày 1/8 đối với nhiều quốc gia, bao gồm Malaysia (25%), Indonesia (32%), Campuchia và Thái Lan (36%), Lào và Myanmar (40%), nhằm ngăn Bắc Kinh sử dụng các quốc gia này để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, ông Rubio không đề cập đến thuế quan trong cuộc họp với ASEAN. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục là đối tác được ưu tiên trong các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh số và điện toán đám mây, “hỗ trợ các chính sách AI thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đảm bảo AI và công nghệ tiên tiến không bị sử dụng cho các mục đích lừa đảo, kiểm duyệt hoặc giám sát quy mô lớn”.
Mỹ luôn tìm cách hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc, lo ngại rằng các chip này có thể được Bắc Kinh sử dụng để phát triển hệ thống quân sự và các mục đích không chính đáng khác, bao gồm các công cụ độc tài mà ông Rubio đề cập hôm thứ Năm.
Ông Rubio cũng chỉ ra rằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và ASEAN đã hỗ trợ 1,1 triệu việc làm ở Đông Nam Á, và các doanh nghiệp Mỹ cũng được hưởng lợi từ các công ty do vốn ASEAN sở hữu hoạt động tại Mỹ.
Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông Rubio kể từ khi nhậm chức, và hiện chưa rõ liệu ông có gặp ông Vương Nghị hay không. Tuy nhiên, cả hai sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (East Asia Summit) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 32 (ARF) vào thứ Sáu, hai sự kiện quan trọng này tiếp nối Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM). Các hội nghị này tập trung vào hợp tác an ninh khu vực, đối thoại chính trị và các thách thức địa chính trị, là một phần của cơ chế hợp tác định kỳ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại.
Mỹ nhấn mạnh trọng tâm chuyến đi này là an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chống tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời khẳng định thuế quan và thương mại không phải là chủ đề chính của ông Rubio trong chuyến công du này.
Âm nhạc có tác dụng dưỡng sinh độc đáo, cho nên, cổ nhân dùng nó…
Mặc dù cuộc đàn áp vẫn kéo dài 26 năm, ngày càng có nhiều người…
Ngày 8/7, một nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh gây chấn động…
Cục Điều tra Tội phạm Mạng Quốc gia Pakistan vào thứ Năm cho biết cảnh…
Trung Quốc có đến 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới, trong đó…
Hôm thứ Năm (10/7), Tổng thống Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ áp thuế…