Trong một bài viết của thám tử tư người Anh Peter Humphrey kể lại việc bị đối xử vô nhân đạo trong thời gian ông bị giam tại nhà tù quận Thanh Phố, Thượng Hải có đề cập đến chi tiết các tù nhân sản xuất hàng hóa cho các nhãn hàng nổi tiếng.
Peter Humphrey và vợ quốc tịch Trung Quốc tên Ngu Anh từng làm việc tại công ty ChinaWhys, tháng 7/2013, ông bị bắt tại Trung Quốc, và bị khởi tố với tội “thu thập thông tin riêng tư, xâm phạm quyền lợi công dân”. Sau khi Peter Humphrey bị bắt, ông bị nhốt tại một trại tạm giam ở Thượng Hải, tháng 8/2014, bị xử 2 năm rưỡi tù giam, sau đó bị chuyển đến nhà tù quận Thanh Phố, thành phố Thượng Hải. Đến tháng 6/2015, ông được ra tù trước thời hạn và bị trục xuất về nước Anh. Theo New York Times đưa tin, vợ chồng Peter Humphrey cho biết, họ vẫn luôn cho rằng thu thập nhiều thông tin về cá nhân là hành vi hợp pháp.
Ngày 15/2/2018, Peter Humphrey đăng bài viết trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh, kể lại chi tiết quá trình bị bắt, bị giam giữ, bị ngồi tù và bị đối xử tàn bạo trong tù tại Trung Quốc, trong đó có nhắc đến việc phạm nhân sản xuất các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế.
Ông viết: “Nhà tù Trung Quốc là một nơi làm ăn, chuyên sản xuất các sản phẩm thương mại cho các công ty. Buổi sáng, chiều, và thường xuyên trong thời gian nghỉ sau bữa trưa, tù nhân thường ‘làm việc’ trong một phòng chung.”
“Những người trong khu giam giữ đóng gói các phụ kiện, linh kiện, tôi nhận ra đó là bao bì đóng gói các nhãn hiệu nổi tiếng như 3M, C&A, H&M. Mặc dù đều nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng những công ty này đều không biết các tù nhân trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ.”
“Các tù nhân giam trong khu giữ người Trung Quốc, trong xưởng sản xuất của chúng tôi, họ sản xuất các phụ kiện cho sản phẩm dệt may. Trước bữa sáng, họ đi vào giống như như binh lính đang được huấn luyện, đến tối muộn họ mới trở về.”
“Trong khu làm việc của các tù nhân người nước ngoài, là người châu Phi và châu Á, họ đều không thể nhận được tiền từ người nhà gửi cho, nên không cách nào mua các đồ dùng vệ sinh cá nhân và đồ ăn ngoài thực đơn. Thu nhập tính theo từng kiện, 100 cái là 1 kiện hoặc 1000 cái là 1 kiện. Mỗi tháng, lao động làm việc cả ngày có thể kiếm được 120 Nhân dân tệ (18,8 đô la Mỹ).”
Trang tin qz.com đưa tin, nhiều doanh nghiệp quốc tế không cho phép tù nhân tham gia chuỗi cung ứng của họ, bởi vì rất có thể sẽ vi phạm nguyên tắc “không được phép cưỡng ép lao động” của Tổ chức Lao động Quốc tế (LLO). Thông thường, các doanh nghiệp rất khó phán đoán lao động trong tù liệu có phải bị cưỡng bức lao động hay không, tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Đạo đức thương mại (Ethical Trading Initiative, ETI) tại Anh cho biết, nếu như doanh nghiệp tin nhà tù sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn của LLO, thì đó là một suy nghĩ “ngốc nghếch”.
>> Những câu chuyện chưa biết đằng sau các sản phẩm “made in China”
Công ty H&M yêu cầu các nhà cung cấp ký cam kết, quy định rõ ràng “không nhận những lao động bị cưỡng ép; lao động, tù nhân bị ràng buộc hoặc lao động phi pháp”. Người phát ngôn của H&M cho biết, sẽ xem xét kỹ bài viết của Peter Humphrey, đồng thời thừa nhận trước đây cũng từng nghe qua có việc liên quan đến lao động là tù nhân của chính quyền Trung Quốc, công ty này cũng đã nhắc nhở nhà cung cấp Trung Quốc, tuyệt đối không tiếp nhận lao động là tù nhân, những nhà cung cấp vi phạm quy định, sẽ bị dừng hợp đồng vĩnh viễn.
Quy tắc đối với nhà cung cấp của C&A là cấm chỉ nhận lao động bị cưỡng ép, không cho phép dùng bất cứ hình thức nào sử dụng lao động là tù nhân và (hoặc) đang bị giam giữ. Công ty 3M cấm nhà cung cấp sử dụng lao động cưỡng ép và tù nhân nhưng không tự nguyện, người phát ngôn của 3M cho biết, “công ty không rõ nhà cung cấp của 3M tại Trung Quốc Đại Lục liệu có sử dụng lao động là tù nhân hay không, họ sẽ chấp hành nghiêm các nguyên tắc của chúng tôi hay không, đồng thời đang điều tra thông tin mà Peter Humphrey đã kể lại trên báo chí.”
Đúng như những gì Peter Humphrey nói, dù phạm nhân bị chính quyền Trung Quốc giam giữ đang sản xuất hay đóng gói sản phẩm cho các công ty nói trên, nhưng những công ty này có thể không biết. Thông thường, doanh nghiệp sẽ ủy thác cho một công ty sản xuất, công ty này sẽ lại tiếp tục chuyển nhượng cho một công xưởng sản xuất khác. Mô hình này có ở rất nhiều công xưởng sản xuất ở nhiều nước, ví dụ như trong ngành dệt may của Bangladesh và Trung Quốc.
Trang tin tiếng Trung của Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) đưa tin, sau khi được thả về nước, Peter Humphrey có trả lời phỏng vấn của Tuần báo Kinh tế Đức (Wirtschaftswoche) cho biết, khi bị giam giữ tại trại tạm giam, mười mấy người ngủ trong một phòng giam khoảng 15m2, đèn được sáng suốt 24 giờ, “trên mặt đất có một cái hố, coi như là chỗ đi vệ sinh”, “mỗi ngày bị phỏng vấn 2 tiếng, khi bị thẩm vấn vẫn phải đeo còng tay và bị trói trên ghế”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…