Tù nhân Trung Quốc bị lấy nội tạng như thế nào?
- Triệu Minh
- •
Nhu cầu cao về ghép tạng đã tạo thành cưỡng chế hiến tạng và buôn bán tạng phi pháp, các tổ chức nhân quyền trong thời gian dài vừa qua vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc về việc mổ lấy nội tạng từ phạm nhân bị hành quyết. Một vị bác sĩ từng tham gia phẫu thuật lấy nội tạng tử tù đã tự vấn lương tâm mình rằng “Người được tôn trọng nhất trong xã hội (bác sĩ) sao lại trở thành kẻ giết người? Đây là vấn đề tôi hỏi bản thân mình nhiều nhất.”
Những vụ sử dụng nội tạng từ tù nhân
Rất nhiều tù nhân Trung Quốc đã làm chứng cho việc khi ở tù, họ đã bị kiểm tra y tế xem có thích hợp cho việc sàng lọc ghép tạng không mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Và có rất nhiều nhân chứng trực tiếp tham gia quá trình cấy ghép, hoặc là bệnh nhân, hoặc là bác sĩ đã thú nhận điều này.
1. Thú nhận của bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật
Ngày 6/7/2017, Enver Tohti, vị bác sĩ người Trung Quốc từng tiến hành các ca phẫu thuật lấy nội tạng trong những năm 1990 cùng một nhóm chuyên gia đã ra làm chứng tại một ủy ban của Nghị viện Ireland. Theo lời kể của Enver Tohti, năm 1995, có hai bác sĩ quản lý khoa ngoại nói với ông sáng ngày hôm sau sẽ tổ chức một “tổ phẫu thuật lớn nhất có thể”. Sau đó, họ được đưa đến một nơi bên ngoài bệnh viện, đồng thời được thông báo đợi tiếng súng.
Ông kể: “Sau khi nghe tiếng súng, chúng tôi xông vào. Một người được trang bị vũ khí chỉ cho chúng tôi đến góc bên phải, ở đó tôi có thể thấy một người đàn ông mặc quần áo bình dân đang nằm trên mặt đất, bên phải ngực có một vết thương do trúng đạn.”
“Bác sĩ quản lý khoa ngoại của tôi ra lệnh chỉ đạo chúng tôi lấy gan và hai quả thận. Trong khi đó tôi phát hiện người này vẫn còn sống. Khi dao phẫu thuật của tôi cắt vào người anh ta, anh ta muốn phản kháng, nhưng đã quá yếu nên không thể chống lại được tôi.”
“Máu đang chảy, và anh ta vẫn còn sống.” Bác sĩ Enver Tohti nói, khi đó ông còn cho rằng ông đang thực hiện trách nhiệm “tiêu diệt kẻ địch của quốc gia”.
“Mỗi lần tôi kể lại việc này là một lần tôi nhận tội”, ông nói như vậy trước khi kể lại câu chuyện trên.
2. Vợ của cựu bác sĩ tiết lộ chồng mổ lấy giác mạc của 2000 tù nhân lương tâm
Ngày 21/4/2006, trong thời gian ông Hồ Cẩm Đào viếng thăm Mỹ, tại buổi họp báo tin tức ở Washington DC, nữ nhân chứng Annie (bí danh) và một người làm truyền thông ở Đại Lục có tên là Peter (bí danh) đã đứng ra công khai làm chứng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ cướp nội tạng sống những người tập Pháp Luân Công ở Tô Gia Đồn, và cho biết dù ĐCSTQ che đậy tin tức như thế nào, uy hiếp truy sát họ ra sao, thì họ cũng nguyện dùng mạng sống của mình để làm chứng, tiết lộ tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.
Chồng của Annie là cựu bác sĩ phẫu thuật tại Trung Quốc thừa nhận rằng anh đã mổ lấy giác mạc của tổng cộng 2.000 người tập Pháp Luân Công từ năm 2001 đến năm 2003, hơn nữa còn nhận được tiền thưởng ngoài lương lên đến vài trăm ngàn USD.
Annie nói: “Chồng tôi có thói quen ghi nhật ký. Có một trang nhật ký nói, sau khi bệnh nhân này bị hôn mê, khi anh dùng kéo cắt quần áo của bệnh nhân này, thì từ trong túi áo có rơi ra một thứ. Anh mở ra thì thấy là một cái hộp nhỏ, bên trong có một cái huy hiệu Pháp Luân hình tròn, bên trên còn có tờ giấy viết: ‘Chúc mẹ sinh nhật vui vẻ!’ Chồng tôi đã cảm thấy chấn động sâu sắc.”
3. Giáo sư tiết lộ bệnh nhân đến Trung Quốc ghép tạng từ tử tù
Vào tháng 12/2013, Giáo sư Jeremy Chapman đã trích lời một bác sĩ ở Úc trên Tạp chí Y khoa Úc, người được cho là đã được một bệnh nhân gốc Hoa cho biết: “Tôi không thể đi thẩm tách máu chạy thận ngày mai. Tôi phải bay tối nay bởi vì họ sẽ bắn người hiến tạng của tôi vào ngày mai.
4. Bác sĩ tiết lộ bệnh nhân đến Trung Quốc ghép tim
Hội trưởng Hiệp hội ghép tạng Isarel, bác sỹ khoa tim Jacob Lavee cho biết, năm 2005, một bệnh nhân của ông cảm thấy chán nản vì đợi ghép tim ở Isarel nên đã đến Trung Quốc. Trước 2 tuần, bệnh nhân này đã biết được chi tiết lịch phẫu thuật. Bác sỹ Jacob Lavee cho biết, ghép thận có thể lấy nguồn thận từ cơ thể sống, nhưng ghép tim lại không như thế được. Tức là, nếu cam kết với bệnh nhân rằng sẽ thực hiện ghép tim trong thời gian cụ thể nào đó, đồng nghĩa với việc người cam kết đó đã biết trước người cung cấp tạng sẽ chết vào lúc nào.
5. Một người đàn ông Canada đã đến Trung Quốc ghép thận
Một người đàn ông giấu tên đã nói với Đài Truyền hình PBS News Hour rằng ông bị bệnh thận giai đoạn cuối cách đây 11 năm, cho đến khi ông đến Trung Quốc và trả 10.000 USD cho ca cấy ghép. Trong vòng một tuần, ông đã nhận được một quả thận mới. Ông nói, ông sẽ chết trước khi ông lên được đầu danh sách chờ đợi thận ở Canada, nơi ông sống cùng với gia đình của mình.
6. Tỷ phú tiết lộ con trai ông Giang Trạch Dân giết người thay thận và diệt khẩu
Tháng 9 vừa qua, tỷ phú Quách Văn Quý (chạy trốn sang Mỹ từ trước) tiết lộ tội ác “mổ cướp nội tạng” của nhiều quan chức Trung Quốc, theo đó cho rằng ông Giang Miên Hằng (con trai cả của ông Giang Trạch Dân) từng giết hại nhiều người vì mục đích thay thận, chính vì muốn giết người diệt khẩu đã gây sự kiện chuyến bay Malaysia bị mất tích năm 2014, trong chuyện này ông đương nhiệm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Mạnh Kiến Trụ có liên quan.
Trên video đăng tải ngày 1/9, ông Quách Văn Quý cho biết, Mạnh Kiến Trụ và Giang Miên Hằng “sống chết có nhau”, vì ngay từ đầu Mạnh Kiến Trụ là người bố trí phẫu thuật thay thận giúp Giang Miên Hằng.
Ông Quách Văn Quý nói, từ 2004 – 2008 Giang Miên Hằng 3 lần phẫu thuật thay thận tại bệnh viện quân khu Nam Kinh, tham gia hỗ trợ Giang Miên Hằng còn có một số quan chức cấp cao Ban Chính Pháp Thượng Hải và tướng lĩnh quân đội. Theo thông tin, vì 2 lần phát hiện nội tạng không tương xứng, Giang Miên Hằng sau 3 lần phải thay thận đã hại chết 5 mạng người.
Quách Văn Quý còn nói, mẹ của ông Mạnh Kiến Trụ từng nhiều lần thay thận. Để tìm thận, thân tín Tôn Lập Quân của Mạnh Kiến Trụ đã tìm kiếm tù nhân để lấy thận, từng có lần giết lầm người. Để che giấu sự thật, họ muốn diệt khẩu người làm phẫu thuật và người biết tình hình.
Video về lời kể của ông Quách Văn Quý:
Ông Arthur Caplan, một chuyên gia nghiên cứu về đạo đức học hàng đầu của Mỹ và là giám đốc sáng lập của Phòng Y Đức tại trường Đại học New York, đã đưa ra nhận xét về mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc:
“Tại Mỹ hay châu Âu, trước tiên bạn phải chết để có thể trở thành một người hiến tạng. Tại Trung Quốc, họ làm cho bạn chết.”
Năm 2013, Giám đốc Ủy ban Hiến tạng Trung Quốc, bác sĩ Hoàng Khiết Phu đã nói với tạp chí y khoa hàng đầu thế giới ‘The Lancet’ rằng hơn 90% nội tạng cấy ghép vẫn được lấy từ những tử tù.
Vào năm sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt thu hoạch nội tạng từ các tử tù và chuyển sang hệ thống tự nguyện hiến tặng. Nhưng theo một số báo cáo, thực tiễn gây tranh cãi là còn lâu điều đó mới được chấm dứt, và có bằng chứng là việc mổ cướp nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc.
>>Quách Văn Quý: Giang Miên Hằng không vui vì bị vạch trần vụ giết người thay tạng
Trung Quốc có thực sự ngừng sử dụng nội tạng từ tù nhân?
1. Trò chơi chữ của ông Hoàng Khiết Phu
Việc ngành y tế Trung Quốc dùng nội tạng của tù nhân để cấy ghép đã có nguồn gốc từ lâu đời. Ngày 9/10/1984, Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Dân chính đã liên kết ban bố thực thi “Quy định tạm thời về việc sử dụng thi thể của tội phạm tử hình và nội tạng của thi thể”. Trong quy định này có nêu rõ: “Vì để trợ giúp cho sự phát triển của sự nghiệp y tế, có lợi cho việc thay đổi lề lối cũ, những trường hợp không có người nhà nhận hoặc người nhà từ chối nhận, hoặc tội phạm tử hình tự nguyện giao lại thi thể cho đơn vị y tế sử dụng, hoặc được gia đình đồng ý cho sử dụng thi thể hay nội tạng của thi thể tội phạm tử hình thì có thể sử dụng nội tạng.” Quy định này đã trở thành cơ sở pháp luật cho việc sử dụng nội tạng của tù nhân.
Tuy nhiên những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ ngừng hẳn việc sử dụng nội tạng tử tù và sửa đổi các quy định về cấy ghép tạng. Cụ thể tháng 12/2014, ông Hoàng Khiết Phu công bố từ ngày 1/1/2015, Trung Quốc sẽ hoàn toàn ngừng việc sử dụng nội tạng tử tù.
Ngày 21/1 cùng năm, tờ Nhân dân Nhật báo từng dẫn lại một lời nói của ông Hoàng Khiết Phu: “Tử tù cũng là công dân, pháp luật không thể tước đoạt quyền được hiến tạng của bất kỳ ai. Nếu như tử tù có nguyện vọng muốn được hiến tạng, thì điều này đáng được khích lệ.”
Tháng 3/2015, ông Hoàng Khiết Phu khi tiếp tờ “Kinh Hoa Thời Báo” đã nói: “Nội tạng của tử tù có ý nguyện hiến tặng thì cũng nằm trong hệ thống phân phối tạng của chúng ta, cũng thuộc vào nhóm công dân tự nguyện hiến tặng.”
Một trong 5 tạp chí y khoa tên tuổi trên thế giới là Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) ngày 8/10/2015 đã xuất bản bài viết chỉ ra rằng giới chức Trung Quốc luôn chọn chiêu thức “chơi chữ” để khiến xã hội quốc tế hiểu lầm về tình trạng thực tế cấy ghép tạng ở Trung Quốc.
Đối với việc này, Thành viên Hội đồng cố vấn của Tổ chức Bác sĩ chống Mổ cướp Nội tạng (DAFOH), giáo sư bác sĩ Lý Huy Qua thuộc Trung tâm y tế bệnh viện y Johannes Gutenberg ở Mainz, Đức, đã trích dẫn lại một phần báo cáo của hội đồng châu Âu gần đây. Báo cáo này cho biết, việc nói rằng đang dần dần ngừng sử dụng nội tạng của tử tù chỉ là “trò chơi chữ nghĩa”, “họ chỉ đem ‘tử tù’ biến thành ‘công dân’ mà thôi”.
Đài phát thanh Châu Á Tự Do có bài viết “Ghép tạng – Lời nói dối toàn diện của Trung Quốc” nhận xét rằng, ông Hoàng thay đổi cách giải thích liên quan đến cấy ghép tạng nhiều lần, khiến người ta hoàn toàn không biết được câu nào là thật, câu nào là không. Theo thống kê, tính đến nay ông Hoàng Khiết Phu đã có ít nhất 7 cách giải thích khác nhau về nguồn gốc nội tạng cấy ghép.
2. Thực hư con số ghép tạng tại Trung Quốc
Ngày 26/7/2017, ông Hoàng Khiết Phu trong cuộc phỏng vấn với AP đã cho biết, số người tình nguyện hiến tặng nội tạng ở Trung Quốc Đại Lục và nội tạng của họ đã được sử dụng tăng khá mạnh, từ 30 người trong năm 2010 lên đến 5.500 người trong năm 2017. Những người này đã hiến tặng 10.005 cơ quan tạng cho các ca cấy ghép.
Ông Hoàng Khiết Phu cũng nói thêm, chính quyền Trung Quốc đã hợp tác với Alibaba, thiết lập một chương trình cho phép người dân có thể đăng ký tự nguyện hiến tạng theo quy trình không đến 10 giây. Vào thời điểm đó, Trung Quốc có khoảng 210.000 người đã đăng ký hiến tặng nội tạng.
Tuy nhiên, tờ New York Times hồi tháng 4/2016 có bài viết chỉ ra rằng mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 300.000 người có nhu cầu ghép tạng. Nếu tính theo số lượng cơ quan hiến tặng do phía quan chức công bố, thì còn thiếu khoảng 290.000 cơ quan tạng mới đủ đáp ứng nhu cầu này.
Cùng về vấn đề này, đài CNN của Mỹ vào ngày 23/ 6/ 2016 đưa tin, có khoảng 1.400 người đã ký thỏa thuận hiến tạng giữa năm 2012 và 2013 (trong khi có tới hơn 300.000 người cần cấy ghép nội tạng mỗi năm). Do đó, tuyên bố ngừng sử dụng nội tạng từ tử tù của ĐCSTQ hồi cuối năm 2014 thực chất chỉ là “diễn trò về câu chữ”.
Tháng 8/2017, Hội nghị thường niên về vấn đề cấy ghép tạng đã diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam. Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần tuyên bố cải cách cấy ghép nội tạng đã thành công và hiện có khoảng 300.000 người đăng ký hiến tặng nội tạng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Torsten Trey, người phụ trách DAFOH cho rằng: “ĐCSTQ tuyên bố tiến hành cải cách cấy ghép nội tạng, cách làm này không khác gì một kẻ sát nhân lạm sát vô cớ đang tìm cách xóa đi tang chứng.”
Ông Trey cho hay: “ĐCSTQ đã thiết lập một hệ thống quyên tặng nội tạng hoặc là cấy ghép nội tạng, dụng ý nhằm tạo nên một cơ chế hòng che đậy hệ thống cấy ghép nội tạng phi đạo đức, đánh lạc hướng chú ý và xoa dịu các bác sĩ phương Tây, xóa đi dấu vết.”
“Cái gọi là cải cách này đã khiến cho người ta quên đi vấn đề lạm dụng cấy ghép nội tạng, kéo xã hội Tây phương vào quan niệm cải cách sai lầm.”
Tiến sĩ Trey nói: “Ở Mỹ, kiến lập một hệ thống hiến tạng ước chừng mất gần 20 năm.”
“So sánh với nước Mỹ, hoàn cảnh hiến tạng của Trung Quốc còn khó khăn hơn nữa. Xét từ góc độ truyền thống Trung Quốc (muốn bảo toàn thi thể sau khi chết), người Trung Quốc luôn phản đối hiến tạng. Trung Quốc còn có quy định, chỉ cần có một thành viên trong gia đình phản đối người thân đã tử vong hiến tạng, thì không được phép mổ lấy nội tạng đó. Do vậy, ở Trung Quốc cho dù có người đã đăng ký làm người hiến tạng, thì vẫn có tồn tại những chướng ngại mà nước Mỹ không có.”
“Hơn nữa, thông thường mà nói, sau khi đăng ký hiến tạng, người đăng ký sẽ không chết ngay trong vòng 2-3 năm.”
Ông Trey cho biết thêm, nước Mỹ có 140 triệu người đăng ký hiến nội tạng, nhưng năm 2016, nước Mỹ chỉ có 15.951 người thực sự hiến tạng; nước Anh với khoảng 21 triệu người đăng ký nhưng chỉ có 1.364 người thực sự hiến.
“Nếu như xét đến tỷ lệ tử vong 7/1.000, thì chỉ có chừng đó người hiến tạng. Do các nguyên nhân như người hiến tạng bị bệnh, và lối sống không lành mạnh, vấn đề tuổi tác, vấn đề sai lệch thời gian giữa tử vong và việc mổ lấy tạng, nên cuối cùng chỉ có khoảng 1-2% những người đăng ký hiến tạng sau khi chết là phù hợp với điều kiện cấy ghép nội tạng.”
Nếu như dùng cách suy luận như trên để xét 300.000 người Trung Quốc hiến tạng, thì kết quả theo lời của ông Trey sẽ là: “Năm 2016, trong 300.000 người này theo tỷ lệ 7/1.000 qua đời, ước chừng là 2.100 người qua đời. Mà trong 2.100 người đã qua đời năm 2016, thì chỉ có từ 1% đến 2% số người là có thể cung cấp nội tạng cho cấy ghép, tương đương với 21-42 người thực sự hiến tạng. Nhưng ĐCSTQ lại tuyên bố năm 2016 có 4.000 người hiến tạng. Có nghĩa là, Trung Quốc có nguồn cung cấp tạng khác (ngoài hệ thống hiến tạng).”
3. Sử dụng nội tạng từ tử tù liệu có đủ?
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính từ năm 2000 – 2005, tại Trung Quốc bình quân mỗi năm có 1.616 phạm nhân bị tử hình, trong 5 năm tổng cộng có 8.080 người. Tổng hợp nguồn tin của nhiều tổ chức quốc tế cũng như truyền thông chính thống tại Trung Quốc, số phạm nhân bị tử hình nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10.000 người/năm.
Giới y học nhận định, với xác suất về tương thích nhóm máu và kháng gen bạch cầu giữa người lạ, cùng với rất nhiều hạn chế khác, xác suất nội tạng của tử tù có thể sử dụng là không quá 30%, tức là khoảng 3.000 người.
Tính toán tối đa, mỗi người có thể cung cấp 2 quả thận, 1 lá gan, cộng thêm việc Trung Quốc trước năm 2009 không có hệ thống đăng ký hiến tặng nội tạng, thì việc sử dụng cả 3 nội tạng là không thể đạt được 100%. Vì vậy giới y học cho rằng, ước tính với mức độ cao nhất thì cũng chỉ sử dụng được 75%. Như vậy nguồn nội tạng từ tử tù chỉ đạt 6.750 ca ghép gan, thận mỗi năm.
Tuy nhiên nhà báo điều tra độc lập Ethan Gutman, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour cùng luật sư nhân quyền David Matas thông qua việc xem xét các xuất bản phẩm về y tế tại Trung Quốc, dữ liệu trên các trang web của bệnh viện và sau khi gọi điện thoại đến một số bệnh viện để điều tra, đã ước tính rằng tại Trung Quốc, mỗi năm có đến 60.000 – 100.000 ca ghép tạng. Con số này cao hơn hẳn so với con số ước tính mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép tạng của phía ĐCSTQ.
Ông Matas đã tiết lộ trong một bài phát biểu: “ĐCSTQ nói rằng mỗi năm có hoảng 10.000 ca ghép tạng hợp pháp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ xem xét số lượng ca ghép tạng ở 2 đến 3 bệnh viện lớn ở Trung Quốc, thì con số này đã vượt qua con số thống kê theo tuyên bố của giới chức ĐCSTQ.”
Như vậy, dù Trung Quốc có sử dụng nội tạng của tất cả tử tù bị hành quyết (khó có thể tin được là tất cả tử tù đều tự nguyện hiến tạng) và của cả người tự nguyện hiến tặng bên ngoài nhà tù vẫn không thể đủ cho 60.000 – 100.000 ca cấy ghép mỗi năm tại đất nước này. Thêm nữa, báo cáo năm 2016 ghi nhận, có những dấu hiệu cho thấy số vụ tử hình đã giảm đáng kể từ khi Toà án Nhân dân tối cao Trung Quốc bắt đầu xem xét việc thi hành án tử hình vào năm 2007.
Vậy thì, số lượng lớn những cơ quan tạng còn lại đến từ đâu?
4. ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ người tập Pháp Luân Công
Ngày 19/5/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công đã công bố một báo cáo dài hơn 210.000 chữ chứng minh có kho nội tạng sống khổng lồ ở Trung Quốc mà nguồn gốc chủ yếu là từ những người tập Pháp Luân Công. Đây được cho là kết quả điều tra trong 10 năm thu thập chứng cứ, theo dõi 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép và hơn 9.500 bác sĩ làm nghề này, kiểm tra thông tin từ các báo cáo luận văn, kho số liệu trên các trang mạng của bệnh viện và gọi hơn 2.000 cuộc điện thoại ghi âm làm chứng.
Tổ chức Ân xá Thế giới cũng cho biết: “Hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công đã bị giam giữ một cách tùy tiện và độc đoán” kể từ khi chính phủ Trung Quốc khởi xướng cuộc đàn áp môn tu luyện này vào năm 1999. Họ chính là “kho nội tạng sống” mà chính phủ Trung Quốc gây dựng để chờ ngày “thu hoạch”.
Ngày 20/10 vừa qua, Tổ chức Quốc tế Điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) còn phát hành báo cáo điều tra mới nhất về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công còn sống. Theo báo cáo, số lượng ca cấy ghép tạng của ĐCSTQ vẫn còn rất lớn, thời gian bệnh nhân chờ đợi để được ghép tạng rất ngắn, số người tình nguyện hiến tạng rất ít, hơn nữa đa số tạng cấy ghép có nguồn gốc bất minh.
Cuộc điều tra lần này kéo dài từ tháng 7 tới tháng 9/2017, WOIPFG đã gọi điện thoại đến điều tra 3 văn phòng quản lý hiến tạng thuộc Hội Chữ thập đỏ cùng 65 bệnh viện trong tổng số 173 bệnh viện cấy ghép tạng theo danh sách công bố năm nay của Ủy ban Quốc gia về Vệ sinh và Kế hoạch hoá gia đình của ĐCSTQ. Báo cáo đã công bố 105 cuộc điện thoại được ghi âm. Trong băng ghi âm điều tra Bệnh viện 205 của quân đội Trung Quốc cho thấy, việc mổ cướp sống nội tạng người tập Pháp Luân Công là đã “thông qua tòa án”. Tòa án không chỉ công nhận việc này không vi phạm pháp luật, mà còn khẳng định là “có thể dùng được”. Trưởng ban Y tế Tổng cục Hậu cần Trung Quốc Bạch Thư Trung từng tiết lộ, việc bắt đầu tiến hành mổ cướp nội tạng này chính là do cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân chỉ đạo.
Ngày 13/6/2016, Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua Nghị quyết 343, chính thức lên án chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
Ngày 12/9/2016, Nghị viện châu Âu cũng thông qua Bản tuyên bố số 48 được 414 nghị viên ký thông qua, kêu gọi dừng hành vi mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm đang diễn ra tại Trung Quốc.
Tuy nhiên đến nay phía Chính phủ Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận tội ác này.
Triệu Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Mổ cướp nội tạng sống Thu hoạch đẫm máu Ghép tạng nội tạng Cấy ghép nội tạng Bức hại Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công báo cáo nhân quyền