Thế Giới

Nhật Bản công bố kế hoạch sơ tán hơn 100.000 dân trong trường hợp xảy ra xung đột

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc tiếp tục leo thang, khiến Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên công bố một kế hoạch khẩn cấp nhằm sơ tán hơn 100.000 dân thường khỏi các hòn đảo xa của Nhật Bản và gần Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ngày 30/3/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo. (Nguồn ảnh: STANISLAV KOGIKU/POOL/AFP qua Getty Images)

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ huy động tàu thuyền và máy bay để di tản khoảng 110.000 cư dân cùng 10.000 du khách khỏi năm hòn đảo thuộc quần đảo Sakishima, nằm ở phía tây nam nước này. Theo Kyodo News, chiến dịch sơ tán dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 6 ngày, với những người bị ảnh hưởng sẽ được chuyển đến tám tỉnh ở khu vực tây nam và phía tây Nhật Bản.

Quy trình sơ tán bao gồm việc sử dụng phà tư nhân hoặc máy bay để đưa người dân đến đảo Kyushu – 1 trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản – trước khi họ được chuyển đến các địa điểm lưu trú khác.

Chính phủ Tokyo cho biết, từ tháng 4/2025, Nhật Bản sẽ tiến hành diễn tập sơ tán trên đảo Sakishima thuộc tỉnh Okinawa. Đồng thời, Nhật Bản cũng có kế hoạch triển khai lực lượng tên lửa đất đối không trên đảo Yonaguni, cách Đài Loan chỉ 100 km. Ngoài ra, một hầm trú ẩn tạm thời sẽ được xây dựng tại căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên đảo này, với nguồn dự trữ thực phẩm và nước đủ dùng trong 2 tuần.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani, trong cuộc phỏng vấn với Yomiuri Shimbun hồi tháng Một năm nay, cho biết ông cảm nhận được “mối lo ngại sâu sắc” từ cư dân các đảo biên giới, đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và ngày càng gia tăng sức ép quân sự đối với hòn đảo này, thậm chí không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực. Điều này buộc Nhật Bản phải tăng cường bảo vệ các hòn đảo thuộc tỉnh Okinawa, vốn có thể bị cuốn vào xung đột eo biển Đài Loan.

Mặc dù kế hoạch sơ tán không đề cập trực tiếp đến Đài Loan, nhưng kể từ cuộc chiến Nga – Ukraine năm 2022 và chính sách ngoại giao “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump quay trở lại, thế giới ngày càng lo ngại rằng Đài Loan có thể trở thành điểm nóng quân sự. Đồng thời, nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng toàn lực bảo vệ Đài Loan và các đồng minh trong khu vực hay không.

Mới đây Washington Post đưa tin, theo một văn bản nội bộ chỉ đạo mật của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đã định vị khuôn khổ chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình, và coi việc “ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan” cùng củng cố quốc phòng nội địa của Hoa Kỳ là ưu tiên chính hàng đầu.

Văn bản nội bộ này dày 9 trang có tên “Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời” (Interim National Defense Strategic Guidance) được phân phát khắp trong Bộ Quốc phòng Mỹ vào giữa tháng Ba, và được đích thân Bộ trưởng Hegseth ký. Đặc biệt ở chỗ nó mô tả cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng của ĐCSTQ là “viễn cảnh định hướng” (pacing scenario) duy nhất “phải được ưu tiên hơn các mối nguy tiềm tàng khác”. Kết quả là Lầu Năm Góc đã thu hẹp một cách hiệu quả chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bên cạnh nhiệm vụ phòng thủ nội địa.

Ông Hegseth viết: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi Trung Quốc là mối đe dọa chính duy nhất. Viễn cảnh định hướng duy nhất của Bộ là việc ngăn chặn Trung Quốc hoàn tất việc chiếm giữ Đài Loan như một sự đã rồi, trong khi đồng thời bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ”. 

Mỹ và Nhật Bản hợp lực tăng cường hợp tác quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm Chủ nhật gọi Nhật Bản là “đối tác không thể thiếu” trong việc kiềm chế sự tự tin ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Ông cũng tuyên bố nâng cấp Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản thành một “Bộ chỉ huy tác chiến” mới.

Đây là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Hegseth, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh năng lực quân sự Mỹ – Nhật trước các hành động cứng rắn của ĐCSTQ và nguy cơ xảy ra khủng hoảng tại Đài Loan.

Tại Tokyo, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, ông Hegseth khẳng định: “Mỹ đang hành động nhanh chóng để tái thiết khả năng răn đe trong khu vực và trên toàn cầu.”

Hai bên đã nhất trí đẩy nhanh quá trình phát triển chung tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (MRAAM) và xem xét sản xuất tên lửa đất đối không SM-6 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn dược. Đồng thời, Mỹ và Nhật cũng sẽ tăng tốc quy trình bảo trì tàu chiến và máy bay Mỹ đóng tại Nhật Bản.

Một quan chức quốc phòng Nhật Bản giấu tên tiết lộ rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump và những phát ngôn tỏ ra không hài lòng về hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật (ông Trump từng nói vào đầu tháng Ba rằng hiệp ước này không mang tính “có đi có lại”) đã làm dấy lên lo ngại ở Tokyo về cam kết của Washington. Việc nâng cấp hợp tác quân sự lần này được xem như một sự đảm bảo từ phía Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng tuyên bố sẽ bổ nhiệm một chỉ huy tác chiến thống nhất để phối hợp với Bộ Chỉ huy Tác chiến Liên hợp mới thành lập của Nhật Bản (JJOC), nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quân sự chung giữa hai nước.

Theo The Guardian, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, kế hoạch sơ tán được xây dựng dựa trên giả định rằng Nhật Bản có thể “bị tấn công vũ trang”. Hiện có gần 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Okinawa, và nếu xảy ra khủng hoảng ở Đài Loan, Okinawa có thể trở thành một căn cứ quân sự quan trọng. Bên cạnh đó, tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Phản ứng của người dân Đài Loan và quốc tế: Lo lắng và chuẩn bị dưới bóng đen chiến tranh

Truyền thông Đài Loan đã đưa tin rộng rãi về kế hoạch sơ tán của Nhật Bản, phần lớn liên hệ nó với mối đe dọa xuyên eo biển và sự thay đổi vai trò của Mỹ.

Một độc giả Đài Loan bình luận: “Cảm giác ngày càng giống chiến tranh.”

Sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cùng với nghĩa vụ của Mỹ theo luật năm 1979 trong việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, càng làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực phòng thủ tại các đảo phía tây nam Nhật Bản. Những hòn đảo này nằm gần khu vực tranh chấp ở Biển Hoa Đông và gần Đài Loan, đóng vai trò then chốt trong việc răn đe ĐCSTQ.

Ông Hegseth tuyên bố rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm eo biển Đài Loan, cần có một “lực lượng răn đe liên tục, mạnh mẽ và đáng tin cậy”, bởi Nhật Bản sẽ ở tuyến đầu trong bất kỳ cuộc xung đột nào tại Tây Thái Bình Dương.

Các quan chức quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật sẽ không tăng, nhưng hợp tác song phương sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định, động thái này nhằm chuẩn bị cho các tình huống xung đột tiềm tàng, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ và Nhật Bản cam kết duy trì hòa bình nhưng “phải luôn sẵn sàng”.

Trước đó, những nghi ngờ của ông Trump về mối quan hệ Mỹ – Nhật, cùng với lời đe dọa áp thuế lên các đồng minh, đã gây áp lực không nhỏ lên Tokyo. Tuy nhiên sau đó, trong chuyến đi Philippines trước chuyến thăm Nhật Bản, ông Hegseth đã trấn an một đồng minh khác đang có tranh chấp trên biển với ĐCSTQ về sự ủng hộ của ông Trump. Và vào thứ Bảy, ông Hegseth lại tham dự lễ kỷ niệm 80 năm trận chiến Iwo Jima giữa Mỹ và Nhật Bản, nơi ông ca ngợi sự chuyển mình từ kẻ thù thành đồng minh vững chắc của hai nước. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Nhật trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều bất ổn.

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

6 người ngộ độc methanol sau uống rượu trái cây: Nam thanh niên 25 tuổi tử vong

Nhóm 6 người uống rượu trái cây nhãn hiệu K.T. sản xuất ở Tiền Giang…

7 giờ ago

USTR công bố báo cáo rào cản thương mại các nước, Việt Nam được đến đề cập trong 7 trang cuối

Báo cáo liệt kê các rào cản thương mại, phi thương mại đối với hàng…

9 giờ ago

Argentina giải mật các hồ sơ của Đức Quốc xã: Bí mật được tiết lộ

Tổng thống Argentina Javier Milei gần đây đã giải mật một loạt hồ sơ của…

11 giờ ago

Các con trai của Tổng thống Trump tham gia liên doanh tiền điện tử mới

Eric và Donald Trump Jr., hai người con trai lớn của Tổng thống Hoa Kỳ…

12 giờ ago

Mỹ hạn chế cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc ngăn cản tiếp cận Tây Tạng

Hoa Kỳ đã áp đặt thêm các hạn chế thị thực đối với các quan…

12 giờ ago

Nghiên cứu: Máy pha cà phê văn phòng gây ra rủi ro, đe dọa đến sức khỏe tim mạch

Một báo cáo nghiên cứu mới của Thụy Điển cho thấy cà phê ở văn…

12 giờ ago