Đồi Vinh quang ở Lviv, xây dựng từ thời Liên Xô, khu tưởng niệm và chôn cất các liệt sỹ chống Phát xít thời Đại Thế chiến II (ảnh từ Wikipedia)
Truyền hình Suspilne đã có báo cáo về tình hình khai quật các hài cốt khi tháo dỡ sạch sẽ khu tưởng niệm liệt sỹ chống Phát xít Đức ở Đồi Vinh quang, tỉnh Lviv, Ukraine. Hội đồng thành phố có nhắc tới “sáng kiến” của Thị trưởng Sadovyi về việc “trao đổi hài cốt liệt sỹ Liên Xô lấy ‘anh hùng’ Ukraine” và bình luận rằng “chúng tôi vẫn chưa nhận được yêu cầu nào [từ phía Nga] liên quan đến việc này.” Việc này đã đánh dấu việc Ukraine giải tán toàn bộ cái mà họ gọi là “nghĩa trang quân đội” của Liên Xô ở tỉnh Lviv. Trong báo cáo của Suspilne có nhắc tới bộ hài cốt của thiếu tá Stepan Putin và điệp viên Nikolay Kuznetsov.
“Thị trưởng Lviv [Andriy Sadovyi] đã tuyên bố rằng thành phố Lviv sẵn sàng trao đổi hài cốt liệt sỹ Liên Xô lấy những ‘anh hùng’ Ukraine. Sáng kiến này đã được công bố rộng rãi. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan tới việc này,” Yevhen Boyko, người đứng đầu Ủy ban Điều hành Hội đồng Thành phố Lviv, cho biết (video vào phút 0:00).
Ông Boyko ‘tự hào’ khẳng định rằng việc tẩy sạch các ký ức về quãng lịch sử này đã được hoàn tất.
“Hôm nay, chúng ta đã sạch hết và không còn bất kỳ dấu hiệu tồn tại của họ ở thành phố chúng ta nữa. Đây là nghĩa trang quân đội cuối cùng của thời Xô Viết tại Lviv,” ông Bouko nói (video phút 0:28).
Nikolay Kuznetsov được Liên Xô coi là một nhà tình báo xuất sắc trong Đại Thế chiến II chống Phát xít Đức, hy sinh tháng 3/1944, và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Theo Suspilne báo cáo, phía Nga đã từng yêu cầu Lviv trả hài cốt của Kuznetsov, nhưng đã bị phía Ukraine từ chối.
Năm 2008, công dân Nga đã đâm đơn kiện, và sau 13 năm theo đuổi vụ kiện này, đã thắng kiện. Tòa án đã phán quyết Lviv phải trả hài cốt Kuznetsov cho thân nhân của ông ở Nga.
Nhưng mà thị trưởng Lviv Sadovyi đã từ chối và không trả hài cốt, với lý do rằng ông không hợp tác với Nga.
Năm 2023, Sadovyi tố cáo rằng người Nga đã tìm cách trộm đi hài cốt của Kuznetsov, nhưng đã thất bại.
Hiện nay, theo phía Lviv thông báo, thì hài cốt của Kuznetsov đã được đào đi, và cải táng sang nghĩa trang mang tên Holoskivskyi.
Báo cáo (video phút 3:26) cũng nói rõ rằng vị trí chôn mới là bí mật, và được camera theo dõi 24/7 để tránh cái gọi là sự cố trộm cắp gì đó tái diễn.
Liệt sỹ Liên Xô này qua đời năm 1945. Ngoài việc cùng họ với đương kim tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, thì dường như không có gì nổi bật ở trường hợp này.
Theo nhận định của một nhà sử học thì thiếu tá này không có họ hàng xa hay gần gì với tổng thống Putin. Việc trùng họ chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
Báo cáo của Suspilne nói rằng sau khi đài tưởng niệm được tháo dỡ, thì một số thứ như tượng, vòng hoa, đuốc, v.v. —những thứ vốn dùng để tôn vinh liệt sỹ— thì được chuyển tới một viện bảo tàng mang tên “Lãnh thổ Khủng bố” để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của Ukraine.
Đồi Vinh quang đã không tồn tại nữa, mặt bằng giải phóng xong, nhưng hiện nay chính quyền vẫn chưa có quyết định rằng sẽ dùng khu đất này để làm gì, theo Suspilne báo cáo là như thế.
“Hiện tại hội đồng thành phố Lviv vẫn chưa quyết định sẽ xử lý như thế nào về nơi mà trước đây là ‘Đồi Vinh quang’.” báo cáo viết. “Họ dự định sẽ tổ chức một cuộc thảo luận công khai.”
Như tin đã đưa thị trưởng Lviv Sadovyi hôm Thứ Tư đã tuyên bố hoàn tất việc tháo dỡ và khai quật Đồi Vinh quang.
Đây là khu có chôn cất và tưởng niệm các liệt sỹ chống Phát xít Đức, được xây dựng vào thời Liên Xô.
“355 bộ hài cốt đã được tìm thấy,” và Sadovyi đã tuyên bố rằng Lviv sẵn sàng dùng các bộ hài cốt này để trao đổi lấy “người bảo vệ Ukraine.”
Đồi Vinh quang ở Lviv là một trong số rất nhiều các kiến trúc tưởng niệm để nhắc lại giai đoạn lịch sử Đại Thế chiến II, được xây dựng rải rác các nơi bởi Liên Xô cũng như bởi các quốc gia từng bị Phát xít Đức chiếm đóng. Vinh danh cho các liệt sỹ, và ghi lại tội ác của Phát xít.
Kể từ năm 2014 sau đảo chính Maidan Kiev do phương Tây hậu thuẫn diễn ra ở Ukraine —một quốc gia thành lập bằng cách tách khỏi Liên Xô năm 1991 vào quãng thời gian Liên Xô tan rã— thì chính quyền mới đặc biệt cổ súy tư tưởng “chống Nga” trong dân chúng.
Không chỉ các di sản của thời Xô Viết bị xóa đi, mà cả các di sản về danh nhân và địa danh lịch sử của các thế kỷ trước đều gặp nạn. Những địa danh liên quan tới cái tên của nhà thơ Pushkin, hay nhà văn Lev Tolstoi, cũng bị đổi tên. Tượng đài của Đại đế Ekaterina tại thành phố Odessa cũng bị tháo dỡ, mặc dù thành phố này là thành phố do chính bà kiến lập.
Thay vào đó, Kiev tôn vinh tất cả những gì liên quan đến “chống Nga” kể cả các nhân vật mà cộng đồng quốc tế coi là tội phạm chiến tranh đồng lõa với Phát xít, như nhóm UON-UPA của Stepan Bandera.
Nhật Tân
Bà Mao Chenyue, Giám đốc điều hành kiêm lãnh đạo cấp cao của Wells Fargo…
Bắc Kinh và Moscow đột nhiên quyết định ký 'Nghị định thư của Hiệp ước…
Đời thứ 9 của họ Đặng có Thường Hiến Hầu Đặng Trần Thường, là khai…
Lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh tranh chấp nhau ở đất Gia Định vào những…
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) sẽ bắt đầu sử dụng chatbot Grok đang gây…
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh suy tĩnh…