Nếu Mỹ bỏ rơi đồng minh trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, sẽ không có Đại Hàn Dân Quốc phát triển và thịnh vượng như ngày nay.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là cuộc xung đột giữa hai hệ thống ý thức hệ đang chia đôi thế giới ở giai đoạn sau Thế Chiến 2. Hàn Quốc trong giai đoạn này là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu và không sở hữu bất kỳ một tài nguyên đáng giá nào, vậy vì sao “đế quốc xâm lược” Mỹ lại sẵn sàng trả cái giá đắt đỏ là 35.000 sinh mạng và một ngân sách chiến tranh khổng lồ để tham dự vào cuộc nội chiến ở một quốc gia nhỏ bé xa xôi này?
Bắt đầu vào ngày 25/6/1950 khi quân cộng sản Bắc Hàn được hồng quân Xô Viết yểm trợ vượt qua vĩ tuyến 38, biên giới tạm thời phân chia 2 chính phủ lâm thời, thực hiện cuộc tấn công xâm lược miền Nam. Đối mặt với một chính quyền Nam Hàn non trẻ, quân đội yếu ớt, không có kinh nghiệm trận mạc, trong khi quân Mỹ lại vừa rút hết, chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, lực lượng cộng sản miền Bắc đã gần như chiếm trọn miền Nam. Khi đó chính phủ Hoa Kỳ đau đầu với quyết định có nên – hoặc thậm chí có thể phản ứng gì trước tình hình này hay không.
Sau thế chiến 2, Hoa Kỳ giảm một nửa ngân sách quốc phòng, quân đội thiếu cả nhân lực và khí tài, nhưng nguy hiểm nhất là họ vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được mối đe dọa của lực lượng Xô viết đang lan tỏa kiểu ý thức hệ mới khắp thế giới bằng vũ lực.
Trong khi đó Quân đội Liên Xô vừa thử thành công bom nguyên tử, cộng hưởng với chiến thắng của phe Cộng sản tại Trung Quốc do Mao Trạch Đông dẫn đầu, nhận thấy sự rụt rè của Mỹ trên mặt trận Triều Tiên, đã khuyến khích Kim Nhật Thành đem quân xâm lược Hàn Quốc. Nhưng rất nhanh chóng, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã quyết định đem quân cứu đồng minh đông Á của mình vào phút chót khi lực lượng của Hàn Quốc chỉ còn co cụm lại ở thành phố Pusan, mũi phía nam đất nước. Cuối tháng 9/1950, Tướng Douglas MacArthur đổ bộ thành công xuống thành phố cảng Inchon, tiến hành tấn công phản kháng.
Trong một thời gian ngắn ngủi, vị tướng Mỹ này đã giải phòng toàn bộ Hàn Quốc, thậm chí đẩy lùi quân Bắc cộng sản về sát biên giới Trung – Triều. Tuy nhiên trước khi lực lượng liên quân Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu giải phóng được toàn bộ bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã gửi hàng trăm ngàn binh lính của mình vượt qua sông Áp Lục, dùng lợi thế số đông và bất ngờ để đẩy lùi quân Mỹ về Nam Hàn.
Tháng 12/1950, Tướng Matthew Ridgeway tới nắm quyền lãnh đạo tối cao ở Nam Hàn. 100 ngày tiếp theo, ông đã lãnh đạo quân đội đẩy lùi thành công quân Trung Quốc và Bắc Hàn về ranh giới vĩ tuyến 38. Cuộc chiến này vô cùng khốc liệt, thủ đô Seoul đổi chủ 5 lần trước khi Nam Hàn hoàn toàn bảo đảm được sự an toàn của thành phố này.
Trong 2 năm tiếp theo, 1952, 1953, cuộc chiến giữa hai miền vẫn diễn ra với những xung đột nhỏ lẻ, cả hai bên đều không thể đánh bại hoàn toàn đối phương. Cuối cùng vào tháng 7/1953, chiến tranh kết thúc với một hiệp ước đình chiến căng thẳng. Trong vòng hơn 60 năm sau, hai miền Triều Tiên tiếp tục nằm trong hai phe đối đầu nhau trong cuộc chiến tranh lạnh quy mô toàn cầu. Bắc Hàn xây dựng chế độ theo kiểu chủ nghĩa Stalin còn Nam Hàn, đồng minh của Mỹ thì phát triển thành cường quốc kinh tế dân chủ.
Hơn 35.000 người Mỹ đã mất mạng trong cuộc chiến Triều Tiên. Đây là cuộc chiến đánh dấu xung đột vũ trang quy mô lớn đầu tiên trong kỷ nguyên hạt nhân, và là một cuộc chiến mà Mỹ không hoàn toàn đánh bại được kẻ địch, do đó cũng không được phép đưa ra các yêu cầu trong hiệp định ngừng chiến. Việc Mỹ can dự vào chiến tranh Nam-Bắc Hàn để bảo vệ miền Nam có xứng đáng với chi phí khổng lồ về người và của hay không?
Đầu tiên lợi ích lâu dài của việc cứu miền Nam khỏi quân xâm lược Bắc Hàn là đã giúp Nam Hàn phát triển thành một quốc gia dân chủ và thịnh vượng ngày nay, nơi mà hơn 50 triệu người dân của họ được hưởng tự do, cùng một nền pháp trị công bằng và mọi cơ hội khác. Hoa Kỳ cũng như người dân thế giới được hưởng thành quả trí tuệ của họ bằng những sản phẩn của các công ty Hàn Quốc nổi tiếng như Hyundai, Kia, LG và Samsung.
Về mặt quân sự, Hàn Quốc hiện tại là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Á, là mặt trận giúp bảo vệ người Mỹ chống lại hiểm họa từ xa trước khi rủi ro có thể chạm tới biên giới của họ. Xã hội Hàn Quốc cũng đối nghịch hoàn toàn với Bắc Hàn, nơi chế độ độc tài trong hàng chục năm qua không chỉ làm què quặt mọi mặt của đất nước mà còn giết hại hàng triệu thường dân của mình. Nếu Mỹ không can thiệp vào cuộc chiến đó, chế độ ma quỷ Bình Nhưỡng bây giờ đã thống trị toàn bán đảo Triều Tiên và chắc chắn mối đe dọa hạt nhân của họ đối với người Mỹ và cả thế giới sẽ lớn hơn hiện tại rất nhiều.
Ngoài ra, nỗ lực cứu đồng minh Nam Hàn của Mỹ dù cái giá phải trả quá đắt cũng gửi một thông điệp cứng rắn tới khối cộng sản Liên Xô – Trung Cộng trong giai đoạn mà khối này đang trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ là: thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Mỹ sẽ không chấp nhận việc quân đội cộng sản đi xâm lược một quốc gia có chủ quyền khác. Kết quả của cuộc chiến đã giúp thế giới khỏi phải chứng kiến những cuộc tấn công tương tự của các lực lượng do Liên Xô cầm đầu vào Tây Âu hay Trung Quốc cầm đầu vào Nhật Bản hoặc Đài Loan.
Cuối cùng, chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ nhận ra sự nguy hiểm của chính sách giải trừ quân bị và chủ nghĩa biệt lập mà họ theo đuổi ngay sau Thế chiến II, khiến Washington phải thiết lập quân đội và chính sách ngoại giao phù hợp để kiềm tỏa sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Kết quả của chính sách này là sự phát triển thịnh vượng của khối tư bản Tây Âu cũng như các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, đối ngược hoàn toàn với khối xã hội chủ nghĩa ngày càng chìm vào khủng hoảng nội bộ. Vào năm 1989, Liên bang Xô viết sụp đổ kéo theo sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn thế giới, Mỹ chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh trường kỳ căng thẳng.
Chiến tranh Triều Tiên là một chiến thắng không toàn diện của Mỹ vì không giải phóng được miền Bắc. Nhưng nó chắc chắn là một chiến thắng mang ý nghĩa to lớn, không chỉ về khía cạnh quân sự mà còn về khía cạnh đạo đức. 35.000 lính Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến này để đảm bảo ít nhất một nửa người dân của bán đảo Triều Tiên được hưởng tự do.
Trọng Đức
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…