Bà Hà Tinh (Ho Ching), phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: Chụp màn hình video)
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung đang căng thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tích cực triển khai chiến dịch “ngoại giao quyến rũ” tại Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Campuchia) nhằm lôi kéo các đồng minh. Đáng chú ý, vào thời điểm này, bà Hà Tinh, phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã chia sẻ trên Facebook một bài viết của ông Michael Petraeus, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, với nội dung châm biếm ông Tập Cận Bình. Bài viết ví ông Tập từ khi lên nắm quyền như một “trùm mafia”, khiến người ta không thể từ chối các đề nghị của ông ta, và nay lại mong những “nạn nhân” trước đây sẽ chào đón ông như một người bạn hay đối tác.
Bài viết được đăng trên nền tảng mạng trực tuyến Critical Spectator của Singapore, vốn nổi tiếng với các bình luận ủng hộ chính phủ, với tiêu đề “Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trên thế giới ngày nay, nếu Tập Cận Bình không phải là một ông trùm xã hội đen trong 12 năm qua”, tác giả Michael Petraeus cho rằng chuyến công du Đông Nam Á lần này đã phơi bày rõ mức độ tồi tệ trong thế bí hiện tại của Bắc Kinh, đến mức ông Tập phải đích thân cầu cạnh hợp tác với các quốc gia láng giềng, những nước mà ông ta đã liên tục chèn ép suốt hơn một thập kỷ qua.
Bài viết chỉ ra rằng dù miệng ông Tập Cận Bình luôn nói đến việc “phản đối đối đầu” và “chống chủ nghĩa bảo hộ”, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông đã áp đặt cái gọi là “đường 9 đoạn” lên các quốc gia ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế khi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn xây dựng các cơ sở trên những đảo đang tranh chấp và sử dụng lực lượng hải cảnh để quấy rối tàu thuyền của các quốc gia khác.
Tương tự, Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã cấm nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lãnh thổ của mình và vi phạm các quy định của WTO, từ việc trợ cấp nhà nước một cách không minh bạch, không đảm bảo thương mại công bằng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không mở cửa thị trường cho các thực thể nước ngoài, cho đến việc ép buộc chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, giờ ông Tập Cận Bình lại tuyên bố rằng “chủ nghĩa bảo hộ là điều xấu xa”.
Bài viết khẳng định trong suốt 12 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình luôn hành xử như một ông trùm mafia, giống như phiên bản Trung Quốc của Vito Corleone (nhân vật trùm mafia trong phim Bố Già). Ông Tập khiến mọi người phải chấp nhận những “lời đề nghị không thể từ chối”, vậy mà giờ đây lại mong đợi các nạn nhân cũ chào đón ông như một người bạn, một đối tác.
Chỉ riêng ở Đông Nam Á, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đã thường xuyên bị nghi ngờ và chỉ trích vì các bẫy nợ, hoặc bị cáo buộc lợi dụng để chuyển dịch năng lực sản xuất ra nước ngoài, rồi dùng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, gây sụp đổ ngành công nghiệp nội địa của các quốc gia đối tác.
Giờ đây, ông Tập Cận Bình lại bắt đầu kêu gọi xây dựng quan hệ đối tác với châu Âu, trong khi lại công khai ủng hộ chế độ Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine của Moscow. Trên thực tế, đây chính là một hình thức đối đầu gián tiếp với phương Tây.
Tác giả của bài viết cho rằng dù cả thế giới có thể không ưa gì ông Donald Trump, điều đó không có nghĩa là ông Tập Cận Bình có thể trở thành một phương án thay thế có thể chấp nhận được. Hiện tại, ông Trump đã bày tỏ sẵn sàng đạt được các thỏa thuận với những quốc gia khác, và Mỹ thường được cho là sẽ tôn trọng các thỏa thuận đó. Ngược lại, phía Trung Quốc lại không như vậy, ngay cả các đối tác của Bắc Kinh cũng chưa chắc đã được đối xử công bằng.
Bài viết chỉ rõ rằng những hành vi lạm dụng kéo dài hơn một thập kỷ qua không thể bị bỏ qua chỉ vì giờ đây Bắc Kinh cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự các “nạn nhân” trước đây. Phía Trung Quốc đã có hàng chục năm để chứng minh sự ủng hộ thực sự với chủ nghĩa đa phương quốc tế, nếu họ đã làm điều đó từ trước, giờ đây có lẽ đã nhận được sự đền đáp.
Tác giả nhận định, một điều rất mâu thuẫn là dù Trung Quốc thường được ca ngợi là có chiến lược dài hạn trong công tác điều hành đất nước, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh lại mang tính thiển cận, phản ứng ngắn hạn và bị chi phối bởi chủ nghĩa cơ hội tức thời. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình không thể mong đợi thế giới sẽ theo ông trong cuộc chiến chống lại ông Trump, và họ sẽ không thực sự bận tâm nếu ông Trump thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Bà Hà Tinh (Ho Ching) là người gốc Hoa tại Singapore, bà là vợ thứ hai của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Bà từng là giám đốc điều hành của Tập đoàn Temasek và cũng là thành viên trong Ủy ban Cố vấn của Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Critical Spectator là một nền tảng truyền thông được sáng lập tại Singapore bởi nhà bình luận người Ba Lan Michael Petraeus. Nền tảng này chuyên đăng tải các bài viết về chính trị, truyền thông và các vấn đề xã hội tại Singapore, nổi tiếng với phong cách thẳng thắn, sắc bén và đầy tính phản biện.
Vương Quân, Vision Times
Bộ Công thương rút quyền cấp C/O của VCCI, bàn giao cho Cục Xuất nhập…
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (21/4) đã công bố lệnh trừng phạt…
Theo công an Hà Nội, 20 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc bị thu…
Trải qua 4 đời Vua, Hoàng Trình Thanh đã ra các kế sạch giúp ổn…
Cựu doanh nhân Thượng Hải, ông Hồ Lực Nhiệm, cho biết sự kiên trì của…
Nguyễn Khoa Đăng được truyền tụng trong dân gian là người mưu trí, xứ án…