Khủng hoảng tại Trung Đông đang ngày càng dâng cao khi 4 nước Ả Rập vừa gửi tới Qatar tối hậu thư với 13 yêu sách, trong đó có việc Doha phải đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, kiềm chế quan hệ với Iran, hủy bỏ căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và trả tiền bồi thường. Qatar gọi đây là những yêu cầu “không hợp lý và không thể thực hiện được”.
Theo hãng tin AP, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hôm thứ Năm (23/6) đã gửi tối hậu thư 13 điểm, yêu cầu rõ ràng nhằm phá bỏ chính sách đối ngoại can thiệp của Qatar trong hai thập kỷ qua.
Hoa Kỳ đang đặt một căn cứ quân sự lớn tại Qatar
Các yêu sách này kêu gọi một cuộc đại tu toàn diện về chính sách đối ngoại và kiểm soát phân phối khí tự nhiên của Qatar. Khi đáp ứng các yêu cầu này, Qatar sẽ phải đưa ra chính sách phù hợp với tầm nhìn khu vực của Ả rập Saudi – nền kinh tế lớn nhất của Trung Đông và người canh giữ biên giới đất liền duy nhất của Qatar.
Những yêu sách của Ả Rập Saudi và đồng mình bao gồm cả việc đóng cửa các hãng tin tức, trong đó có Al-Jazeera và các chi nhánh; kiềm chế quan hệ ngoại giao với Iran; cắt đứt tất cả các quan hệ với các nhóm Hồi giáo, trong đó có cả nhóm Huynh Đệ Hồi giáo.
Một quan chức từ một trong bốn quốc gia nêu trên nói với Reuters rằng việc cô lập Qatar sẽ chỉ được “bãi bỏ” nếu nước này tuân thủ các yêu sách trong vòng 10 ngày.
Đại diện của UAE cho biết thêm rằng biện pháp trừng phạt có thể kéo dài nhiều năm nếu các đề nghị của họ không được phía Qatar đáp ứng. Kuwait đang đứng ra làm trung gian hòa giải cho mâu thuẫn này.
Một phát ngôn viên chính phủ Qatar đã nói rằng Doha đang xem xét danh sách các yêu cầu và sẽ có một phản hồi chính thức từ phía Bộ Ngoại giao gửi cho Kuwait. Phát ngôn viên này nói thêm rằng các yêu cầu này không hợp lý và không thể thực hiện được.
Trong một tuyên bố mới đây, Giám đốc văn phòng truyền thông chính phủ Qatar, ông Sheikh Saif al-Thani nói: “Bản yêu sách này xác nhận những gì Qatar đã nói từ đầu rằng việc phong tỏa bất hợp pháp [mà các nước Ả rập đưa ra] không liên quan gì đến việc chống khủng bố, [thực tế] đó là hạn chế chủ quyền của Qatar và muốn ra lệnh từ bên ngoài đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi”.
Một tổ chức nhân quyền có sự hậu thuẫn của chính phủ Qatar cho hay những yêu cầu này là vi phạm các công ước về quyền con người và Qatar không nên chấp nhận điều đó.
Trươc đó, vào thứ Hai (19/6), Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã nói rằng Doha sẽ không đàm phán với bốn quốc gia Ả rập kể trên cho đến khi họ khôi phục lại mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và di trú đã bị cắt đứt trong tháng này.
Ả rập Saudi và các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên Qatar cáo buộc quốc gia vùng vịnh nhỏ bé nhưng giàu có này tài trợ khủng bố, gây rối loạn khu vực và có mối tương giao quá gần gũi với Iran (thường đối đầu với các nước Ả Rập theo hồi giáo Sunni). Qatar bác bỏ những cáo buộc này và nói rằng họ đang bị trừng phạt vì họ lạc lõng so với các nước láng giềng được cai trị bởi các nhà quân chủ độc đoán và quân đội độc tài.
Hoa Kỳ, đồng minh thân cận của cả hai bên xung đột, đã kêu gọi các nước cần tìm giải pháp để giảm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Rex Tillerson nói các nước láng giềng của Qatar nên đưa ra các yêu sách “hợp lý và có thể thực hiện được”.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Qatar đã lên án mạnh mẽ các yêu sách mà 4 nước Ả rập đưa ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Ông Fikri Isik hôm thứ Sáu (23/6) nói rằng căn cứ quân sự của nước này tại Doha nhằm giúp huấn luyện binh lính và tăng cường an ninh cho Qatar.
Theo tờ báo Milliyet (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Isik có nói rằng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar “không làm phiền ai cả”. Ông cũng nói: “Hiện tại, không có khả năng đưa vấn đề này trở lại bàn đàm phán”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía Qatar mạnh mẽ nhất trong cuộc xung đột ngoại giao với các nước láng giềng. Quốc hội nước này đã phê chuẩn luật cho phép triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến căn cứ tại Qatar. Đại diện của Quân đội nước này cho biết họ đã điều binh lính tới Qatar vào thứ Năm (22/6).
Các nhà phân tích khu vực đánh giá rằng các yêu sách kiên quyết như vậy không đem lại nhiều triển vọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong nhiều năm giữa các quốc gia Ả Rập.
Ông Olivier Jakob, chiến lược gia tại Petromatrix có trụ sở tại Thụy Sĩ, nói rằng: “Các yêu cầu rất hiếu chiến khiến nó gần như không thể là một giải pháp cho cuộc xung đột”.
Ông Ibrahim Fraihat, Giáo sư Giải quyết Xung đột tại Viện Nghiên cứu Doha, dự báo thời gian căng thẳng giữa các nước vùng Vịnh này sẽ còn kéo dài.
Ông Fraihat cho biết Qatar sẽ phủ nhận các yêu sách này bằng cách “không làm gì” và khi đó các nước láng giềng cũng rất khó tiến xa hơn vì thực tế họ đã đi xa nhất có thể rồi. Giáo sư Fraihat thêm rằng: “Hành động quân sự vẫn còn khó xảy ra vào thời điểm này nên kết quả sau hạn chót [của tối hậu thư mà Qatar phải đáp ứng] sẽ là một bế tắc chính trị …”.
Tân Bình
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…