Hôm thứ Hai (15/10), tờ New York Times (NYT) đã đăng bài viết tiết lộ về cách thức quân đội Myanmar dùng mạng xã hội Facebook để lan truyền tin giả, lấy cớ cho cuộc thảm sát người Hồi giáo Rohingya. NYT gọi đây là một cuộc chiến tranh thông tin trên mạng xã hội và hệ quả của nó là kích hoạt một cuộc thảm sát sắc tộc thực sự.
Hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang tị nạn ở Bangladesh.
Theo Liên Hiệp Quốc, đất nước Myanmar với đa số dân theo Phật giáo đang ở trong thời kỳ của “ví dụ giáo khoa về thanh trừng sắc tộc”. Đây là lúc cực kỳ nguy hiểm cho người Hồi giáo sinh sống tại Myanmar. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 48.000 thành viên của nhóm sắc tộc Hồi giáo Rohingya có thể đã bị giết hại, hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải trốn chạy khỏi quốc gia Đông Nam Á này từ mùa hè năm 2017 để thoát khỏi vòng xoáy bạo lực.
Theo các thông tin mà NYT có được, hóa ra cuộc thảm sát người Rohingya đã được quân đội Myanmar lên chiến dịch thực hiện từ nửa thập kỷ qua. Quân đội đã sử dụng Facebook để kích hoạt cuộc chiến nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.
Thu thập thông tin từ các cựu quan chức quân đội, các nhà nghiên cứu và các quan chức dân sự tại Myanmar, New York Times hôm 15/10 cho biết rằng các thành viên của quân đội Myanmar là những tác nhân chính đằng sau một chiến dịch có hệ thống trên Facebook kéo dài nửa thập kỷ nhắm vào nhóm thiểu số người Hồi giáo Rohingya.
Quân đội đã khai thác sự phổ biến của Facebook tại Myanamr với khoảng 18 triệu người dùng để tuyên truyền những tin giả về người Hồi giáo Rohingya.
Thành viên của quân đội Myanmar lập ra các trang cá nhân hoặc trang fanpage trên Facebook giả danh các ngôi sao ca nhạc, anh hùng dân tộc… để thu hút người theo dõi trang và bắt đầu đăng các thông tin mang tính kích động thù hận sắc tộc. Chẳng hạn, một trang có thể đưa tin Hồi giao là mối đe dọa toàn cầu đối với Phật giáo và các trang khác chia sẻ thêm những câu chuyện giả mạo về việc phụ nữ Phật giáo bị đàn ông Hồi giáo cưỡng hiếp.
Theo NYT, vào tháng Tám vừa qua, Facebook đã gỡ bỏ các tài khoản chính thức của một số lãnh đạo cao cấp của quân đội Myanmar, tuy nhiên hàng ngàn tài khoản giả mạo khác do quân đội nước này lập ra để thực hiện chiến dịch công kích người Hồi giáo vẫn chưa bị phát hiện.
Đại diện của Facebook đã lên tiếng xác nhận về chiến dịch chiến tranh thông tin do quân đội Myanmar thực hiện. Giám đốc chính sách an ninh mạng của Facebook Nathaniel Gleicher nói với NYT rằng họ đã phát hiện “những nỗ lực rõ ràng và có chủ ý để bí mật phát tán tuyên truyền liên quan trực tiếp tới quân đội Mynamar”.
Trả lời NYT hôm 15/10, Facebook cho biết họ đã gỡ bỏ hàng loạt tài khoản được cho là tập trung vào giải trí nhưng thực tế là có quan hệ với quân đội Myanmar. Những tài khoản này thu hút tới 1,3 triệu người theo dõi.
“Chúng tôi đã phát hiện rằng những trang thông tin, giải trí độc lập này có liên quan tới quân đội Myanmar”, Facebook nói trong một thông báo phát đi hôm 15/10.
Thet Swe Win, sáng lập của Synergy – một nhóm xã hội dân sự tập trung vào thúc đẩy hài hòa xã hội tại Myanmar, nói với NYT: “Quân đội [Myanmar] đã đạt được nhiều lợi ích từ Facebook. Tôi không muốn nói Facebook trực tiếp liên quan tới thanh trừng sắc tộc, nhưng họ phải có trách nhiệm để thực hiện các hành động phù hợp nhằm tránh trở thành công cụ thúc đẩy cho diệt chủng”.
Ông Gleicher đã khẳng định: “Chúng tôi [Facebook] đã thực hiện các bước đáng kể để loại bỏ việc lạm dụng này và khiến cho việc đó khó xảy ra hơn trên Facebook. Các cuộc điều tra về loại hành động lạm dụng này vẫn đang tiếp diễn”.
NYT cho biết họ cũng đã liên hệ với Ủy ban thông tin của quân đội Myanmar để yêu cầu trả lời về vụ việc lạm dụng Facebook nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.
NYT cho biết quân đội Myanmar đã lạm dụng Facebook từ hàng nửa thập kỷ trước đây. Quân đội quốc gia Đông Nam Á này được cho là đã đổ nguồn lực chính vào chiến dịch trên mạng xã hội lớn nhất thế giới với sự tham gia của 700 người.
Sĩ quan quân đội Myanmar từ vài năm trước đã lập các trang tin tức và các trang trên Facebook giả danh là các ngôi sao ca nhạc, người mẫu và những nhân vật nổi tiếng khác tại Myanmar, mạo nhận là các nữ hoàng sắc đẹp với thiên hướng tuyên truyền cho quân đội. Sau đó, họ tập trung chăm sóc các trang này để thu hút một lượng lớn người theo dõi. Họ cũng đã giành quyền kiểm soát một trang Facebook của một nhà quân sự nổi tiếng, anh hùng quân đội của Myanmar có tên Ohn Maung. Quân đội cũng vận hành một trang Blog được gọi là Opposite Eyes (Quan điểm đối lập) với vẻ ngoài không liên quan gì tới quân đội.
Các nguồn tin nói với NYT rằng các sĩ quan tham gia chiến dịch chiến tranh thông tin làm việc tại các căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Naypyidaw. Họ cũng có nhiệm vu thu thập các thông tin tình báo từ các tài khoản nổi tiếng và đăng bình luận chỉ trích vào các bài đăng trên Facebook có nội dung bất đồng ý kiến với quân đội. Hầu hết những người làm việc tại các trại lính này trừ các lãnh đạo cao cấp đều phải bị kiểm tra điện thoại ở cửa ra vào để đảm bảo bí mật thông tin.
Một nguồn tin từ Facebook cũng xác nhận với NYT rằng qua dấu vết kỹ thuật số họ phát hiện một lượng lớn tài khoản giả mạo của quân đội Myanmar có liên quan tới khu vực địa lý ở ngoại ô thủ đô Naypyidaw.
Các trang Facebook của quân đội sau đó trở thành nơi phát tán các bức ảnh gây sốc, tin tức giả và các bài viết mang tính khiêu khích, thường nhắm vào người Hồi giáo Rohingya. Các tài khoản mạo danh tiếp tục vào viết các bình luận kích thích tranh luận, chọc giận mọi người. Thông thường, các tài khoản giả này hay đăng các bức ảnh giả mạo về các thi thể và kèm lời bình rằng đó là bằng chứng cho các vụ thảm sát do người Hồi giáo Rohingya thực hiện.
Một trong những chiến dịch nguy hiểm nhất diễn ra vào năm 2017, khi đó các tài khoản Facebook giả mạo do quân đội kiểm soát đã phát tán các tin đồn trên Facebook tới cả các nhóm Hồi giáo và Phật giáo rằng một cuộc tấn công từ phía bên kia sắp xảy ra. Lợi dụng kỷ niệm ngày khủng bố 11/9 tại Mỹ, các tài khoản giả mạo đã lan truyền các cảnh báo trên Facebook Messenger tới những người theo dõi các trang fanpage tin tức và giải trí của họ rằng “cuộc tấn công thánh chiến” sắp diễn ra. Với các nhóm Hồi giáo, các tài khoản giả mạo sẽ gửi tin nhắn riêng rẽ nói rằng các nhà sư Phật giáo sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống Hồi giáo.
Mục đích của chiến dịch truyền tin giả này là để người dân thấy rằng họ đang rơi vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương và cảm thấy lo lắng và tình hình như vậy chỉ có thể được giải quyết nhờ vào sự bảo vệ của quân đội.
Theo NYT, Facebook cho biết họ đã phát hiện bằng chứng rằng các tin nhắn nêu trên được phát tán có chủ đích từ các tài khoản chưa xác thực và Facebook đã gỡ bỏ các tài khoản đó. Tuy nhiên, mạng xã hội này khi đó lại không điều tra xem có bất kỳ liên quan nào giữa các tài khoản giả mạo đó với quân đội Myanmar.
Thực tế, quân đội Myanmar đã có bề dày lịch sử thực hành chiến tranh thông tin, khi họ đã cầm quyền tại quốc gia Đông Nam Á này nhiều thập kỷ và mới chỉ tổ chức bầu cử chính quyền dân sự từ năm 2011. Một cựu chiến binh Myanmar nói với NYT rằng trong các lớp học về chiến tranh tuyên truyền từ 15 năm trước, binh lính đã được dạy quy tắc vàng về tin giả: Nếu 1/4 nội dung thông tin là thật, điều đó sẽ giúp cho phần thông tin còn lại có thể được tin tưởng hơn.
Hiện tại, cả Facebook và các nhà lãnh đạo dân sự tại Myanmar đều nói rằng họ đã nhận thức sâu sắc sức mạnh của nền tảng mạng xã hội này.
Nhà lập pháp Myanmar Oo Hla Saw nói với NYT: “Facebook tại Myanmar ư? Tôi không thích nó. Nó là nguy hiểm và có hại cho tiến trình chuyển đổi dân chủ của chúng tôi”.
Tân Bình
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…