Hôm thứ Năm (16/11), Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu về việc Thụy Điển đăng ký trở thành thành viên NATO. Đây được xem là động thái tiếp tục cản trở hy vọng gia nhập liên minh phương Tây của quốc gia Bắc Âu này sau 18 tháng chờ đợi.
Chủ tịch Fuat Oktay cho biết Ủy ban, do đảng cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát, sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo và có thể bàn về việc này trong chương trình nghị sự tuần tới. Tuy nhiên ông không đưa ra mốc thời gian rõ ràng.
Ông Oktay nói với các phóng viên sau nhiều giờ tranh luận rằng: “Để tất cả các nhà lập pháp của chúng tôi chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, họ cần phải hoàn toàn bị thuyết phục. Chúng tôi sẽ thảo luận về tất cả những điều này trong cuộc họp Ủy ban (tiếp theo) của chúng tôi.”
Ủy ban có thể thông qua các dự luật dựa trên đa số phiếu bầu. Ông Oktay cho hay Ủy ban có khả năng mời đại sứ Thụy Điển trình bày tóm tắt trước các nhà lập pháp nếu cần và nếu quy định của Quốc hội cho phép.
Trong tháng này, Tổng thống Erdogan nói rằng ông sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phê duyệt, tuy nhiên vẫn nhận định Thụy Điển chưa có những hành động thích đáng đối với phiến quân người Kurd.
Việc phê duyệt cần phải được Ủy ban chấp thuận trước khi đưa ra bỏ phiếu tại toàn bộ Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu này có thể diễn ra vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Đến bước cuối cùng, ông Erdogan sẽ ký thành luật để kết thúc quá trình. Việc kéo dài thời gian đã khiến các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng và khiến các mối quan hệ phương Tây của nước này bị thử thách.
Thụy Điển và Phần Lan đã yêu cầu gia nhập NATO vào tháng 5/2022 sau khi Nga xâm chiếm Ukraine.
Vào thời điểm đó, ông Erdogan đã phản đối cả hai yêu cầu, lấy lý do về việc các quốc gia Bắc Âu này đang bảo vệ những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố cũng như các lệnh cấm vận thương mại quốc phòng của họ. Vào tháng 4/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận nỗ lực của Phần Lan, tuy nhiên Thụy Điển vẫn phải chờ đợi.
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Thụy Điển thực hiện nhiều hành động hơn để kiềm chế các thành viên của Đảng Công nhân Kurd (PKK) ở địa phương, tổ chức bị Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ coi là khủng bố.
Trước tình huống này, phía Thụy Điển đã đưa ra một dự luật chống khủng bố mới quy định rằng tư cách thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp những nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Burak Akcapar, trong đó nêu rõ những biện pháp mà Thụy Điển đã thực hiện, thì các nhà lập pháp từ cả Đảng AK cầm quyền và phe đối lập đều biểu lộ sự dè dặt và, trong một động thái hiếm hoi, đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu.
Ông Ali Sahin, một nhà lập pháp của Đảng AK, phát biểu: “Tôi đánh giá cao sự mở rộng của NATO. Tuy nhiên, chúng tôi cần loại bỏ một số mâu thuẫn trong tư tưởng. Thụy Điển đã trở thành nơi trú ẩn an toàn hoặc thiên đường cho một số tổ chức khủng bố”.
Ông Sahin nói thêm: “Chúng tôi công nhận những biện pháp mà Thụy Điển đã thực hiện cho đến nay là có giá trị, nhưng chúng tôi thấy chúng chưa đủ”.
Các thành viên NATO gồm Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng đã thực hiện các hành động nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình này. Phía Mỹ thì tuyên bố họ sẽ tiến hành chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên cần phải trao đổi với Quốc hội Mỹ.
Mặc dù không có khung thời gian rõ ràng về việc phê duyệt yêu cầu mua F-16 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã liên kết vấn đề này với việc xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Hôm thứ Năm (16/11), ông Oktay lặp lại quan điểm của ông Erdogan rằng “nếu họ có Quốc hội thì chúng tôi [cũng] có Quốc hội”.
Một số nhà phân tích cho rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phê duyệt hoàn toàn đơn xin gia nhập của Thụy Điển tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels vào ngày 28-29/11.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ “rất quan tâm” đến việc hoàn tất phê duyệt trước cuộc họp của NATO tại Brussels.
Quan chức này nói thêm: “Hiện tại, việc hệ thống của họ có đồng thuận trong khung thời gian đó hay không là tùy thuộc vào họ, nhưng chúng tôi đang tiếp tục nói chuyện với họ về điều đó”.
Theo quan chức giấu tên, mặc dù Chính quyền Biden không liên kết việc phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ với việc bán máy bay phản lực F-16, nhưng các thành viên Quốc hội đã nói rõ rằng họ khó có thể chấp thuận thương vụ đó cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển.
Sự trì hoãn xảy ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang có mâu thuẫn với các đồng minh phương Tây về cuộc xung đột ở Gaza. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của nước này đối với cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến một số đồng minh khó chịu. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối quan hệ với cả Moscow và Kyiv, không chỉ phản đối cuộc xâm lược của Nga mà còn phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Hungary, một thành viên NATO khác, cũng chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi là rào cản chính đối với việc Thụy Điển gia nhập tổ chức này.
Cuối ngày thứ Năm (16/11), Đại sứ Mỹ tại Hungary cho biết ông đã được chính phủ Hungary đảm bảo rằng nước này sẽ không phải là quốc gia cuối cùng phê duyệt đề xuất của Thụy Điển
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…