Các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đang tiếp tục dâng cao. Hôm thứ Bảy (ngày 20/2), đất nước này đã trải qua ngày đẫm máu nhất, lực lượng cảnh sát đã dùng đạn thật để giải tán đám đông biểu tình, khiến hai người chết và hàng chục người bị thương. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau (Chủ nhật 21/2), một số lượng lớn người biểu tình lại tiếp tục xuống đường phản đối cuộc đảo chính quân sự.
Kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 1/2 và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo Myanmar khác, các cuộc biểu tình của người dân nước này đã liên tục diễn ra. Quân đội hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới, nhưng vẫn chưa cho biết ngày cụ thể, đồng thời lại đưa ra những cảnh cáo nghiêm khắc đối với những người bất đồng chính kiến.
Trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2020, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng với lợi thế áp đảo, nhưng quân đội Myanmar cho rằng đã có gian lận trong cuộc bầu cử, do đó đã tổ chức đảo chính.
Theo Reuters, các nhân chứng cho biết, vào hôm Chủ nhật, hàng chục ngàn người đã biểu tình ôn hòa ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nơi xảy ra vụ người thiệt mạng hôm thứ Bảy.
“Một người chết ngay trước mắt tôi, cậu ấy bị bắn vào đầu. Tôi không thể nói chính xác tuổi của cậu ấy, nhưng có vẻ đó là một cậu bé … Một người bạn của tôi cũng nhìn thấy điều tương tự, một người đã bị bắn trước mặt anh ấy. Vì vậy, tôi có thể nói chắc chắn rằng có hai người đã chết ngay tại chỗ,” Pyae Sone Aung, một phóng viên ảnh tự do Mandalay, cho biết.
Một người biểu tình trẻ tuổi ở Mandalay nói với đám đông đang tụ tập: “Họ (lực lượng cảnh sát) đang nhắm vào đầu của những thường dân không vũ trang. Họ đang nhắm vào tương lai của chúng tôi.”
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, phát ngôn viên quân đội Zaw Min Htun đã lập luận rằng các hành động của quân đội nằm trong phạm vi của Hiến pháp, được đa số ủng hộ, đồng thời ông còn cáo buộc những người biểu tình đã kích động bạo lực.
Tại thành phố Yangon, hàng ngàn người, chủ yếu là giới trẻ, tập trung ở nhiều địa điểm khác nhau và hô vang các khẩu hiệu.
“Những người trẻ chúng tôi có ước mơ của riêng mình, nhưng cuộc đảo chính quân sự này đã tạo ra quá nhiều chướng ngại,” Ko Pay, người tham gia biểu tình ở Yangon nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn đứng ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình.”
Một cô gái trẻ tên Mya Thwate Thwate Khaing bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ngày 9/2 và chết vào ngày 19/2, trở thành nạn nhân đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Bức ảnh chụp cảnh dân chúng tổ chức tang lễ cho cô Mya Thwate Thwate Khaing, người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình ngày 21/2. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)
Tại phía bắc Myitkyina, người ta đặt hoa cho những người biểu tình bị thiệt mạng. Hình ảnh được đăng trên Internet cho thấy các thị trấn Monywa và Bagan ở trung tâm, Dawei và Myeik ở phía nam, Myawaddy ở phía đông và Lashio ở phía đông bắc, một số lượng lớn dân chúng đã tham gia biểu tình.
Cảnh sát Myanmar đã sử dụng đạn thật, đạn cao su, hơi cay, vòi rồng… để giải tán đám đông biểu tình. Ngay sau vụ việc đẫm máu hôm thứ Bảy, cảnh sát đã bắt giữ Lu Min, một diễn viên nổi tiếng ở nước này vào hôm Chủ Nhật.
Ngày 17/2, quân đội Myanmar cho biết, Lu Min nằm trong số 6 người nổi tiếng bị truy nã theo Luật chống kích động vì đã khuyến khích công chức tham gia biểu tình. Theo luật này, Lu Min và những người khác có thể bị kết án 2 năm tù. Được biết, Lu Min đã tham gia nhiều cuộc biểu tình ở thành phố Yangon.
Tuy nhiên, hành động bạo lực của cảnh sát dường như không thể kết thúc cuộc biểu tình. “Số người (biểu tình) sẽ tăng lên… Chúng tôi sẽ không dừng lại,” người biểu tình Yin Nyein Hmway ở Yangon lên tiếng.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, ông Tom Andrews, cho biết ông bị sốc trước cái chết của hai người biểu tình hôm thứ Bảy, một trong số họ vẫn còn là thiếu niên.
“Từ vòi rồng đến đạn cao su, cho đến hơi cay, giờ đây còn có cả lực lượng quân đội hùng mạnh ở cự ly gần nã đạn vào những người biểu tình ôn hòa. Sự điên rồ này phải ngay lập tức kết thúc,” ông Andrews nói trên Twitter.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Myanmar.
Vào ngày 21/2, trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở thành phố Yangon, những người biểu tình đã tổ chức buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ. (Ảnh: SAI AUNG MAIN / AFP / Getty Images)
Pháp, Anh và Đức cũng đã lên án bạo lực ở Myanmar. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ vũ lực gây chết người là điều không thể chấp nhận được.
Các quốc gia như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt giới hạn, chủ yếu nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar. Vương quốc Anh cũng tuyên bố sẽ xem xét các hành động tiếp theo nhắm vào những người sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng tình hình bạo lực là “không thể chấp nhận được.”
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã viết trên Twitter lên án hành động bắn vào người biểu tình ôn hòa của cảnh sát Myanmar.
“Chúng tôi sẽ xem xét hành động mới cùng các đối tác quốc tế của mình để trấn áp những hành động phá hoại nền dân chủ, bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến,” ông Dominic Raab nói thêm.
Bà Aung San Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc vi phạm “Đạo luật quản lý thảm họa thiên nhiên” và tội nhập khẩu trái phép sáu máy bộ đàm. Lần hầu tòa tiếp theo của bà là vào ngày 1/3 này.
Một tổ chức nhân quyền cho biết, 569 người đã bị giam giữ do cuộc đảo chính quân sự.
Theo Trương Đình, Hoa Tử Minh, Epoch Times
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…