Taliban: Phương Tây sẽ phải đối mặt với di cư ồ ạt nếu tiếp tục đóng băng quỹ viện trợ

Trong bối cảnh Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo vào mùa đông năm nay, các quan chức Taliban đe dọa, trừ khi các chính phủ và tổ chức tài chính phương Tây dừng đóng băng các quỹ viện trợ và dự trữ ngoại hối, nếu không họ sẽ phải đối mặt với làn sóng di cư ồ ạt của người Afghanistan.

Khoảng 430 triệu đô la ngoại hối đang được giữ tại ngân hàng Commerzbank của Đức và 94 triệu đô la tại ngân hàng Trung ương Đức. Còn có 660 triệu đô la khác do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, một tập đoàn gồm các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đặt tại Thụy Sĩ nắm giữ.

Phần lớn các quỹ tranh chấp, khoảng 9,5 tỷ đô la tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đóng băng và không có khả năng được giải ngân sớm.

Năm 2020, dự trữ của Afghanistan bao gồm vàng và đô la Mỹ được giữ trong các ngân hàng của Hoa Kỳ và châu Âu đạt tổng giá trị 9,6 tỷ đô la, theo Ngân hàng Thế giới.

“Tổng dự trữ bao gồm lượng vàng tiền tệ (monetary gold), quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ của các thành viên IMF do IMF nắm giữ và dự trữ ngoại hối dưới sự kiểm soát của các cơ quan quản lý tiền tệ,” Ngân hàng Thế giới nêu chi tiết.

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Ngân hàng Thế giới đã từ chối viện trợ tài chính cho chế độ này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng từ chối quyền rút vốn lên tới 347 triệu USD.

“Như thường lệ, IMF thường tiến hành dựa trên quan điểm của cộng đồng quốc tế,” một phát ngôn viên của IMF nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có sự rõ ràng về việc công nhận chính phủ ở Afghanistan, do đó quốc gia này không thể tiếp cận SDR (quyền rút vốn đặc biệt) hoặc các nguồn lực khác của IMF.”

Hồi cuối tháng 8, các nhà lãnh đạo Taliban đã cố gắng tiếp cận tài khoản dự trữ của ngân hàng trung ương của họ, nhưng đã không thể truy cập được, Financial Times đưa tin.

Người phát ngôn Bộ Tài chính Afghanistan Ahmad Wali Haqmal khẳng định với Reuters: “Số tiền này thuộc về quốc gia Afghanistan. Hãy trao lại cho chúng tôi khoản tiền của chính chúng tôi. Việc đóng băng số tiền này là trái đạo đức, đi ngược lại mọi luật lệ và giá trị quốc tế.”

Bất chấp một lượng lớn thiết bị quân sự và vũ khí trị giá hàng tỷ đô la của Hoa Kỳ do chính quyền Biden để lại, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Afghanistan Shah Mehrabi than thở với Reuters rằng, “tình hình [tại Afghanistan] đang rất tuyệt vọng và lượng tiền mặt đang dần cạn kiệt”.

Kết hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế là hạn hán, và hơn một nửa đất nước đang phải đối mặt với nạn đói khi bước vào mùa đông.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) mới đây đã cảnh báo mức kỷ lục 22,8 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Giám đốc điều hành WFP David Beasley nhìn nhận: “Afghanistan hiện đang trải qua một trong số các cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới – nếu không muốn nói là tồi tệ nhất – và an ninh lương thực đã sụp đổ. Mùa đông năm nay, hàng triệu người Afghanistan sẽ buộc phải lựa chọn giữa di cư và chết đói, trừ khi chúng ta có thể tăng cường hỗ trợ cứu sống họ, và trừ khi nền kinh tế có thể được hồi sinh. Chúng ta đang đếm ngược thời gian đến thảm họa, và nếu chúng ta không hành động bây giờ, chúng ta sẽ phải chứng kiến một thảm họa toàn diện.”

Ngân hàng Commerzbank, Bundesbank và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã không đưa ra phản hồi nào theo yêu cầu của Taliban.

Ngày 4/11, các quan chức Đức cam kết cung cấp 600 triệu Euro viện trợ nhân đạo cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc và Văn phòng Cao ủy Người tị nạn.

“Các tổ chức cứu trợ có thể sử dụng số tiền này để hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả cho hàng triệu người cần trợ giúp trên khắp đất nước [Afghanistan],” Bộ Ngoại giao Đức cho biết trong một tuyên bố, theo Ariana News. “Các đối tác của chúng tôi đảm bảo rằng khoản hỗ trợ chỉ được sử dụng cho mục đích nhân đạo và không rơi vào tay Taliban.”

Về vấn đề này, ông Mehrabi cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu: “Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nếu Afghanistan không tiếp cận được nguồn tiền này. Người ta sẽ phải chịu đựng gấp đôi khi không thể có được lương thực và không đủ tiền mua. Mọi người sẽ tuyệt vọng. Họ sẽ đi đến châu Âu.”

Một số nhà phân tích chính trị đã bày tỏ quan ngại về việc nhiều kẻ khủng bố tiềm ẩn có thể trà trộn vào làn sóng người di cư Afghanistan hướng đến các nước châu Âu. Điều này phần nào cho thấy cuộc khủng hoảng nhân đạo của nước cộng hòa Hồi giáo cũng đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia đối với châu Âu.

Minh Ngọc (Theo Just The News)

Xem thêm:

Minh Ngọc

Published by
Minh Ngọc

Recent Posts

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

6 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

1 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

1 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

2 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago