Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19
- Thế giới đã vượt 32 triệu ca nhiễm COVID-19, theo Worldometers, tính đến sáng 24/9 (giờ Việt Nam) sau khi có thêm tới hơn 313.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24h.
- Số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng cao với hơn 6.200 ca mới trên toàn cầu, trong đó nhiều nhất vẫn là ở Mỹ và Ấn Độ (mỗi nơi hơn 1.000 ca tử vong mới). Hai nước này cũng có số ca tử vong lớn nhất, lần lượt là hơn 206.000 và hơn 139.000 ca.
- Tổng số ca tử vong hiện tại trên thế giới là hơn 981.000 ca.
- Khu vực Nam Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới về tốc độ lây lan của dịch bệnh, trong đó các quốc gia Colombia, Peru, Mexico, Argentina, Chile đều chịu những ảnh hưởng nặng nề.
- Tại châu Âu, số ca nhiễm đợt mới tiếp tục tăng mạnh ở Tây Ban Nha (hơn 11.000 ca mới), Pháp (hơn 13.000 ca mới), UK và Nga (mỗi nơi hơn 6.000 ca nhiễm mới). Chính phủ Tây Ban Nha và Pháp đã ban các lệnh hạn chế mới.
- Mỹ: dự kiến việc tiêm chủng COVID-19 sẽ diễn ra trong nhiều tháng và hầu hết người Mỹ có thể được tiêm phòng muộn nhất là vào tháng 7 năm 2021. Trong khi đó, hãng Johnson & Johnson hôm thứ Tư đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 với 60.000 tình nguyện tiêm loại vắc-xin 1 mũi của hãng.
- Lễ đón năm mới năm nay ở Quảng trường Thời đại (Times Square, New York) sẽ diễn ra trực tuyến.
- Canada: Thủ tướng Justin Trudeau cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn ra ở hầu hết các bang tại Canada. “Chúng ta đang trên bờ vực của một mùa thu có thể tồi tệ hơn nhiều so với mùa xuân.”
- Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chống lại thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh trong một sự kiện của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Bởi vì bây giờ hơn bao giờ hết, sự thật là vấn đề quan trọng.”
- Các nhà tổ chức của Thế vận hội Tokyo 2021 cho biết tất cả những vận động viên không phải người Nhật Bản và những người tham gia khác sẽ phải xét nghiệm COVID-19 khi đến nơi.
- Indonesia báo cáo 4.465 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày lớn nhất từ đầu dịch của quốc gia Đông Nam Á.
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng báo cáo số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch với 1.083 ca mới.
Quan hệ Mỹ – Trung
- Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ đầu đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trên nhiều vấn đề: yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19; tố Trung Quốc huỷ hoại môi trường khi đổ hàng triệu tấn nhựa và rác thải xuống đại dương, xả thải thuỷ ngân độc hại ra môi trường nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.
- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định tham chiến “một cuộc Chiến tranh Lạnh hoặc chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào”. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cáo buộc Mỹ “lạm dụng diễn đàn Liên Hiệp Quốc để kích động mâu thuẫn và gây chia rẽ.”
- Thương vụ TikTok: ByteDance khẳng định hãng vẫn sẽ kiểm soát tới 80% hoạt động của TikTok Global, trong khi phía Mỹ nói rằng quyền kiểm soát TikTok Global sẽ thuộc về Oracle và Walmart. Hôm 23/9, tờ China Daily bản tiếng Anh tuyên bố rằng Trung Quốc không có lý do nào để phê duyệt thỏa thuận “bẩn và bất công” dựa trên “bắt nạt và tống tiền” này.
- Sau khi sĩ quan của Sở Cảnh sát Thành phố New York, Angwang, người sinh ra ở Tây Tạng, đã bị bắt tại Hoa Kỳ vào ngày 21/9 với cáo buộc gián điệp cho Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 22/9 rằng các cáo buộc liên quan của Hoa Kỳ là “hoàn toàn bịa đặt”, hoàn toàn là một tội ác. Đồng thời ông Uông còn nói rằng “Ý định của Hoa Kỳ nhằm làm mất uy tín của các lãnh sự quán và nhân viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ sẽ không thành công”.
- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/9 nói rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các quan chức cấp độ địa phương tại Mỹ là “những liên kết yếu” có thể được khai thác để thúc đẩy lợi ích của chế độ Bắc Kinh tại Mỹ. Ông Pompeo kêu gọi các chính trị gia Mỹ từ cấp độ bang tới cấp đô thị cảnh giác với “các hoạt động gây ảnh hưởng và gián điệp” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đài Loan
- Để đối phó với các hành động tấn công quân sự và đe dọa quân sự gần đây của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan bằng máy bay và tàu, quân đội quốc gia Đài Loan đã tiến hành “huấn luyện tác chiến phòng không liên hợp” vào sáng sớm ngày 22/9.
Hồng Kông
- Toà án Hồng Kông đã bác đơn yêu cầu xem xét của Hoàng Chi Phong liên quan đến việc anh bị loại khỏi hội đồng bầu cử quận trong năm ngoái do “không đủ tiêu chuẩn”.
Trung Quốc và các quốc gia khác
- Trung Quốc – Ấn Độ: Hai nước được cho là đã đồng ý không gửi thêm quân tới biên giới nhằm tránh các động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình. Theo truyền thông Ấn Độ hôm 23/9, Ấn Độ hiện có kế hoạch mua máy bay không người lái trị giá 3 tỷ USD với Mỹ để giám sát các hoạt động khu vực biên giới với Trung Quốc.
- Trung Quốc – Philippines: Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 23/9 tái khẳng định chiến thắng ở tòa trọng tài số 7 của Philippines trước các tuyên bố Biển Đông của Trung Quốc ở ĐHĐ Liên Hợp Quốc. Ông Duterte nói phán quyết trọng tài năm 2016 là “không thể thỏa hiệp” và Philippines “kiên quyết từ chối các nỗ lực phá hoại nó”. Sau nhiều năm tỏ ra “thân” Trung Quốc, Tổng thống Duterte dường như lại đang ngả về phía Mỹ.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
- Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23/9, khi trả lời câu hỏi liệu ông có đồng ý chuyển giao quyền lực suôn sẻ nếu thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới không, ông Trump cho biết kết quả bầu cử tổng thống năm nay có thể sẽ cần đến sự phân xử của Tòa án Tối cao. Ông cũng tiếp tục phản đối cách thức bầu cử bỏ phiếu qua thư trước lo ngại có thể làm gia tăng gian lận.
- Tổng thống Trump sẽ công bố người được chọn vào vị trí thẩm phán Toà án Tối cao vào thứ 7 tuần này giờ địa phương để thay bà Ruth Bader Ginsburg đã qua đời trước đó.
- 6 chủ đề dự kiến sẽ được đưa ra trao đổi tại cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden vào ngày 29/9 tới, gồm tòa án tối cao, đại dịch COVID-19, tính liêm chính của bầu cử, vấn đề sắc tộc và bạo lực tại các thành phố ở Mỹ. Ngoài ra, hai ông cũng tranh luận về kinh tế và các thành tựu của mình trong 6 phần, mỗi phần kéo dài 15 phút. Các chủ đề trong cuộc tranh luận đầu tiên sẽ do nhà báo Chris Wallace của Fox News điều phối.
- Tỷ phú Mỹ Mike Bloomberg kêu gọi hơn 20 triệu USD trả tiền phạt thay cho người phạm tội nghiêm trọng ở bang Florida (Mỹ) để họ có thể bỏ phiếu cho ứng viên Biden. Trước đó, ông Bloomberg còn cam kết hỗ trợ 100 triệu USD để giúp ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng tại bang chiến địa Florida.
- Hai ủy ban Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa đứng đầu ngày 23/9 công bố báo cáo ban đầu về kết quả cuộc điều tra vai trò của Hunter Biden – con trai ông Joe Biden tại một công ty khí tự nhiên của Ukraine. Báo cáo cho biết chính quyền cựu Tổng thống Obama đã làm ngơ trước các cảnh báo về vụ việc. Báo cáo cũng cho thấy hoạt động hình sự tiềm tàng liên quan tới các giao dịch giữa ông Hunter Biden, gia đình và các cộng sự của ông này với những công dân Ukraine, Nga, Kazakhstan và Trung Quốc.
Các tin tức khác
- Hôm 23/9, Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ kêu gọi tái khởi động ngay các cuộc đàm phán để cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ. Ba nước cũng tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Hiện Hội đồng Bảo an gồm 5 thành viên thường trực – Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.
- Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo Hàn Quốc ngày 23/9 cho biết một quan chức thuộc Bộ Hải dương và Nghề cá Hàn Quốc mất tích gần đường ranh giới trên biển có thể đã bị các binh sĩ Triều Tiên bắn chết. Hiện thi thể của quan chức Hàn Quốc đã được phía Triều Tiên tìm thấy và hỏa táng, nhưng nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng vẫn chưa được tiết lộ.
- Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 23/9 đã bất ngờ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 6 trong một buổi lễ mà các quan chức không thông báo trước, khiến hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường để bày tỏ sự phản đối. Trước đó, EU đã tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử ở Belarus trong khi Nga đã chúc mừng ông Lukashenko thắng cử.
- Reuters hôm 23/9 dẫn thông cáo của bệnh viện ở Berlin, Đức xác nhận chính khách đối lập của Nga Alexei Navalny đã phục hồi và được xuất viện sau một tháng điều trị với nghi vấn bị đầu độc thần kinh. Các nước phương Tây nghi ngờ ông Navalny bị đầu độc và đề nghị Nga mở một cuộc điều tra hình sự để làm sáng tỏ vụ việc.
Bảo Minh
Xem thêm: