Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 16/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 527.000 ca mắc COVID-19 mới và 8.800 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 220.047.653 ca, trong đó có khoảng 4.454.979 người thiệt mạng.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 126.000 ca), Ấn Độ (34.649 ca) và Brazil (34.407 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.704 ca), Mexico (897 ca) và Nga (794 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca mắc COVID-19 lần lượt là trên 42,6 triệu ca, 33,3 triệu ca và 21 triệu ca.
Mỹ: Nhiều khu vực áp dụng quy định bắt buộc xuất trình chứng nhận tiêm vắc-xin
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan trên khắp nước Mỹ, giới chức hạt Los Angeles ngày 15/9 đã ban hành quy định chỉ những người đã tiêm chủng vắc-xin COVID-19 mới được tới các quán rượu và câu lạc bộ đêm. Quy định có hiệu lực từ tháng 10 tới.
Theo quy định của Sơ y tế Los Angeles, những người tới tụ điểm giải trí nêu trên phải cung cấp chứng nhận đã tiêm chủng trước khi vào cửa, cũng giống với việc trình thẻ căn cước để đảm bảo người tới đây đủ tuổi theo quy định pháp luật.
Cũng theo quy định mới ban hành, người tham gia các sự kiện ngoài trời có quy mô hơn 10.000 người cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có kết quả xét nhiệm âm tính.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles đến nay vẫn đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phần lớn các sự kiện trong nhà hoặc một số hoạt động ngoài trời.
Tháng trước, thành phố San Francisco cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng vắc-xin khi ăn tối tại các nhà hàng hoặc tới các khu vui chơi giải trí. Chính quyền thành phố New Orleans ngay sau đó cũng công bố quy định tương tự.
Tổng thống Nga xác nhận hàng chục nhân viên thân cận mắc COVID-19
Tổng thống Vladimir Putin xác nhận hàng chục người trong đội ngũ thân cận của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona trước khi ông tự cách ly vào đầu tuần này.
Phát biểu qua kết nối video tới một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được tổ chức tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Tổng thống Putin bày tỏ rất tiếc phải hủy bỏ chuyến thăm Dushanbe vào phút chót do nhiều người trong đội ngũ nhân viên của ông mắc COVID-19. Ông xác nhận “không chỉ 1 hoặc 2 người mà là vài chục người”.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Putin đã tiếp xúc với một số người trong đoàn tháp tùng mắc COVID-19. Ông đã quyết định tự cách ly sau khi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Moskva vào ngày 13/9 và tham vấn các bác sĩ. Hiện tại, Tổng thống Putin hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân ông không mắc COVID-19. Vì đang tự cách ly, ông không đến Tajikistan tham dự các cuộc họp của CSTO trong tuần này, thay vào đó sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến.
Ý ban hành luật mới về “thẻ xanh”
Ý có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng “thẻ xanh” nhằm tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin trước mùa đông năm nay.
Theo luật mới dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 15/10, người lao động không tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc không có kết quả xét nghiệm âm tính virus corona gần đây sẽ bị phạt tiền lên tới 1.000 EUR. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các trường hợp này còn có thể bị sa thải.
“Thẻ xanh” là một hình thức chứng nhận một cá nhân đã tiêm vắc-xin COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona trong 48 giờ trước đó hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Hiện Ý yêu cầu xuất trình loại thẻ này đối với giáo viên cũng như tất cả những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, đi tàu hoặc xe buýt liên tỉnh hay bay nội địa.
Hiện có hơn 40 triệu người Ý đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19, chiếm khoảng 75% dân số trên 12 tuổi. Chính phủ nước này hy vọng có thể tăng tỷ lệ chủng ngừa thêm 4 triệu người. Trong khi đó, các công đoàn kêu gọi chính phủ cấp phép xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho những người lao động chưa tiêm phòng.
Nhật Bản sẽ sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế xã hội
Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân.
Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký. Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus corona sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…
Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Nhật Bản tái tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp thì việc nới lỏng này sẽ phải tạm dừng, thậm chí các biện pháp phòng dịch có thể được tăng cường hơn nữa nếu cần thiết.
Cùng ngày, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, nhận định nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế đang trong tình trạng quá tải
Với việc hệ thống y tế vẫn đang quá tải bệnh nhân COVID-19, phần lớn các địa phương của Nhật Bản sẽ vẫn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến hết ngày 30/9. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19.
Úc: Số ca mắc mới tại bang Victoria cao nhất trong năm
Bang Victoria thông báo bang này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ đầu năm 2021, trong khi tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh trên toàn quốc, với gần 70% người trưởng thành đã tiêm liều vắc-xin đầu tiên, làm dấy lên hy vọng các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.
Cụ thể, thành phố Melbourne của bang Victoria ghi nhận 514 ca mắc mới, vượt số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trong năm là 473 ca ghi nhận ngày 13/9.
Melbourne và Sydney – 2 thành phố lớn nhất nước Úc – đang đẩy mạnh chương trình tiêm vắc-xin trong bối cảnh nước này nỗ lực kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta, theo đó áp dụng lệnh ở nhà nghiêm ngặt đối với gần một nửa trong tổng dân số 25 triệu người.
Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm ở Úc thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác, với khoảng 80.000 ca và 1.128 ca tử vong, và nhà chức trách cam kết nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, có thể vào tháng 10 tới, sau khi thêm nhiều người tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Trong một cuộc họp báo tại Canberra, Thủ tướng Scott Morrison cho biết mục tiêu 70% và 80% dân số tiêm 2 liều vắc-xin là trong tầm tay. Theo một kế hoạch mở cửa trở lại công bố hồi tháng 7 vừa qua, chính quyền liên bang sẽ kêu gọi các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu sống chung với COVID-19 một khi đạt được các mục tiêu này. Cho tới nay, 44% người trên 16 tuổi ở Úc đã tiêm đầy đủ vắc-xin COVID-19, trong khi 69% đã tiêm ít nhất 1 liều.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…