Tình hình COVID-19: WHO cảnh báo không nên lơ là trước đại dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 951.000 ca mắc COVID-19 mới và 2.500 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 443.324.991 ca, trong đó có khoảng 5.657.615 người thiệt mạng.

(Ảnh minh họa: fokke baarssen/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (195.370 ca), Đức (179.888 ca) và Pháp (146.926 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (307 ca), Nga (267 ca) và Mỹ (228 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.

Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc COVID-19

Một số nhà nghiên cứu ước tính gần 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm COVID-19 ít nhất 1 lần trong 2 năm qua. Kết quả nghiên cứu mới này do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) công bố trên tạp chí The Lancet.

Do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt trong vài tháng qua. Vào đầu năm 2022, thế giới chính thức ghi nhận gần 300 triệu ca mắc COVID-19. Nhưng chỉ 1 tháng sau khi bước sang năm mới, tổng số ca mắc trên thế giới đã vượt 400 triệu. Hiện số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy đã có hơn 500 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa thực sự phản ánh đúng mức độ lây lan thực sự của virus corona trên toàn cầu.

Nghiên cứu của IHME đưa ra báo cáo toàn diện về số ca mắc COVID-19 khi phân tích dữ liệu của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo đưa ra số ca mắc mà các nhà nghiên cứu gọi đây là phát hiện gây sửng sốt. Cụ thể, đến giữa tháng 11/2021, ước tính có 3,39 tỷ người đã nhiễm virus corona ít nhất 1 lần, tương đương với khoảng 44% dân số thế giới. Đáng chú ý, con số ước tính này chỉ được đưa ra vào thời điểm trước khi biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu IHME đã tính toán và phát hiện tính đến ngày 14/11/2021, thế giới có 400 triệu ca mắc COVID-19. Dù nghiên cứu mới này không đưa tác động của biến thể Omicron vào mô hình tính toán, nhưng các tác giả cho rằng vào đầu năm 2022 có thêm hàng tỷ ca mắc nữa, trong đó có những ca mắc dù đã tiêm vắc-xin và ca tái nhiễm.

Các tác giả nghiên cứu nêu rõ các mô hình tính toán cho thấy hơn 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải chờ dữ liệu mới về huyết thanh học trong những tháng tới để đưa ra bản phân tích chi tiết. Theo đó, số ca mắc COVID-19 tính đến tháng 3/2022 có thể tăng gần gấp đôi số ca mắc tính đến ngày 14/11/2021.

Số liệu cũng cho thấy những khu vực có tỷ lệ nhiễm cao không đạt được miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, nghiên cứu phát hiện tỷ lệ mắc COVID-19 giảm không đáng kể ở khu vực đã có 80% dân số mắc bệnh.

Kể từ đầu dịch, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 được công bố chính thức thấp hơn nhiều so với số ca mắc thực tế. Hàng loạt công trình nghiên cứu theo dõi số ca mắc tại nhiều nơi trên thế giới và phát hiện rất nhiều ca mắc chưa được ghi nhận. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính gần 25% số ca mắc chưa được báo cáo chính thức.

Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân tích hơn 150 nghiên cứu và cho rằng tính đến cuối năm 2021, khoảng 65% dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.

WHO cảnh báo không nên mất cảnh giác trước đại dịch COVID-19

Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin ngày 13/4 cho biết ủy ban này hoàn toàn nhất trí rằng hiện nay không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác trước đại dịch COVID-19.

Phát biểu họp báo sau khi Ủy ban Khẩn cấp WHO kết luận rằng đại dịch vẫn gây ra tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) – mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra, ông Houssin khẳng định:
“Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus corona vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus corona đang biến đổi một cách không thể dự đoán được”.

Ông Houssin nói tiếp: “Hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng”.

Trung Quốc khẳng định thực hiện nghiêm “chính sách Zero-COVID linh hoạt”

Ngày 13/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19.

Theo Đài Truyền thanh nhà nước Trung Quốc, phát biểu trong chuyến thăm tới đảo Hải Nam, ở miền Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện nghiêm “chính sách Zero-COVID linh hoạt”. Việc làm này cần được thực hiện song song với nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch đối với hoạt động kinh tế và xã hội.

Những phát biểu trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nước này đang đương đầu với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong hơn hai năm qua. Thành phố Thượng Hải, trung tâm sản xuất và cửa ngõ giao thương quan trọng, đang là tâm dịch với hơn 25.000 ca mắc mới ghi nhận trong ngày 13/4. Thành phố này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa từng phần từ đầu tháng 4, khiến nhiều nhà máy tại đây phải dừng hoạt động.

Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 4 cho nhóm nguy cơ cao

Ngày 13/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi. Đối tượng tiêm là người từ 60 tuổi trở lên và đã tiêm mũi 3 được 120 ngày. Thời gian đặt lịch tiêm bắt đầu từ ngày 18/4 và thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 25/4.

Quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã tiêm mũi 3 nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vắc-xin bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3. Có khoảng 10,66 triệu người Hàn Quốc trong độ tuổi trên thuộc nhóm nên tiêm mũi 4.

Mũi tiêm thứ 4 chỉ được chỉ định tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém. Việc tiêm mũi 4 sẽ được triển khai tại các cơ sở y tế, sử dụng vắc-xin công nghệ mRNA. Người thuộc nhóm chống chỉ định sử dụng vắc-xin mRNA có thể tiêm bằng vắc-xin của hãng Novavax.

Hy Lạp tạm gỡ bỏ các hạn chế COVID-19 trong mùa du lịch hè 2022

Giới chức Hy Lạp cho biết ngày 13/4 vừa qua rằng  các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và các chứng nhận liên quan COVID-19 sẽ được gỡ bỏ trong mùa du lịch hè năm nay và nhà chức trách nước này sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp trên vào tháng 9 tới.

Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris nêu rõ quyết định nới lỏng các hạn chế là dựa trên số liệu về dịch tễ và đề xuất của các chuyên gia. Theo đó, từ ngày 1/5 đến 31/8 tới, người dân Hy Lạp sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm vắc-xin hay chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 khi vào các không gian trong nhà hay ngoài trời như nhà hàng, đồng thời nhà chức trách cũng đang xem xét gỡ bỏ yêu cầu trình chứng nhận điện tử về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh nước này.

Ngoài ra, đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà cũng không còn là bắt buộc kể từ ngày 1/6 và sinh viên sẽ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh mà không cần định kỳ trình kết quả tự xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Ông Plevris cho biết tất cả các biện pháp này sẽ được đánh giá lại vào tháng 9. Số ca mắc mới COVID-19 tại Hy Lạp đã giảm trong những tuần gần đây, với 15.000 ca mắc mới và 64 ca tử vong ngày 12/4. Trong tổng số 11 triệu dân nước này, khoảng 72% đã tiêm vắc-xin đầy đủ.

Bồ Đào Nha gia hạn các biện pháp phòng dịch

Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn các biện pháp chống dịch COVID-19 đến ngày 22/4 trong bối cảnh có nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia về nguy cơ làn sóng dịch mới có thể bùng phát tại một số nước. Như vậy, tình trạng cảnh giác dịch bệnh COVID-19 tại nước này sẽ kéo dài thêm 4 ngày so với quy định trước đó.

Theo thông báo của Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nga, nước này sẽ tiếp tục duy trì các quy định phòng dịch, trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín thuộc khu vực công cộng, cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện giao thông công cộng.

Những người chưa tiêm mũi vắc-xin tăng cường và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona cũng buộc phải thực hiện quy định đeo khẩu trang khi tới thăm khám tại các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão.

Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra quyết định trên trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và nhập viện đang giảm dần, song tỷ lệ tử vong do đại dịch vẫn có xu hướng tăng. Trong 14 ngày qua, cứ 1 triệu người nhiễm virus corona, có 29 người không qua khỏi. Thực tế này buộc giới chức Bồ Đào Nha cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19.

Nhiều chuyên gia gần đây dự báo làn sóng dịch bệnh có thể tái bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu trong mùa Thu năm tới, do đó, các nước cần có sự chuẩn bị để ứng phó với nguy cơ này.

Phan Anh (tổng hợp)

Toàn cảnh về đội quân Đại Bạch khổng lồ của Trung Quốc

Phan Anh

Published by
Phan Anh

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

18 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

32 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

55 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago