Tổng thống Argentina Javier Milei hôm thứ Tư (17/1) đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, lên án kịch liệt chủ nghĩa xã hội, cũng như bác bỏ “chủ nghĩa nữ quyền cực đoan” và nghị trình “môi trường” do chủ nghĩa xã hội thúc đẩy.
Ông Milei đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy bám chắc vào chủ nghĩa tư bản làm động lực phát triển.
Ông Milei vốn là một nhà kinh tế học theo chủ thuyết tự do, trong bài phát biểu dài gần 20 phút tại WEF, đã giải thích chủ nghĩa xã hội rốt cuộc đã dẫn tới nghèo đói như thế nào, chế độ nhà nước này “không phải là giải pháp” mà thay vào đó “chính nó là vấn đề” ra sao, và cánh tả đã đang bấu víu các thể chế chính phủ vào các nghị trình xa hơn của chủ nghĩa xã hội như thế nào. Đây là lần đầu tiên ông Milei phát biểu trước cộng đồng quốc tế kể từ sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Argentina vào tháng 12/2023.
“Tôi ở đây hôm nay để nói với quý vị rằng phương Tây đang lâm nguy. Phương Tây đang lâm nguy bởi vì những người có nhiệm vụ phải gìn giữ các giá trị của phương Tây đã để bản thân họ bấu víu vào một thế giới quan mà chắc chắn dẫn tới chủ nghĩa xã hội, và cuối cùng dẫn tới đói nghèo”, ông Milei nói trong phần mở đầu bài phát biểu tại Davos.
Tổng thống Argentina than phiền rằng các nhà lãnh đạo thế giới đã đang từ bỏ những ý tưởng về tự do, thay vào đó bám cứng vào nhiều phiên bản của phe cánh tả, những thứ mà ông xếp loại là những phiên bản của hệ tư tưởng tương đồng với “chủ nghĩa tập thể”.
Dù không nêu tên những trường hợp cụ thể, ông Milei đã giải thích rằng một số lãnh đạo thế giới đã bám chắc vào những ý tưởng cánh tả xuất phát từ mong muốn giúp người khác, trong khi những người khác đã làm vậy là để cố gắng “thuộc về” một đẳng cấp đặc quyền.
“Chúng tôi ở đây để nói với quý vị rằng những trải nghiệm chủ nghĩa tập thể chưa bao giờ là giải pháp cho những vấn đề vốn làm khổ sở người dân toàn thế giới, mà trái lại, chúng là nguyên nhân gây ra những khổ đau đó. Hãy tin tôi đi, không có ai phù hợp hơn những người Argentina chúng tôi để minh chứng cho hai vấn đề này”, ông Milei nói.
Ông Milei tiếp tục bài phát biểu bằng việc kể lại cách mà Argentina sau khi đã trở thành một siêu cường thế giới vào năm 1860, đã tự thấy mình trở nên bần cùng hóa trong hơn 100 năm qua do bám cứng vào các ý tưởng chủ nghĩa tập thể.
“Người ta nói rằng chủ nghĩa tư bản là xấu bởi vì nó là vị tư, tính toán cá nhân và rằng chủ nghĩa tập thể là tốt vì nó là vị tha, nghĩ cho người khác, và cuối cùng họ phấn đấu cho ‘công bằng xã hội’. Nhưng khái niệm ‘công bằng xã hội’ này vốn trở nên hợp thời trong thế giới thứ nhất trong thập kỷ qua, đã luôn thường trực trong thảo luận chính trị của đất nước chúng tôi trong hơn 80 năm qua”, ông Milei nói.
Tổng thống Argentina tiếp tục: “Vấn đề là công bằng xã hội không chỉ là không công bằng, mà nó cũng không đóng góp cho phúc lợi chung. Trái lại, nó thực chất là một ý tưởng không công bằng, bởi vì nó quá khích. Nó là không công bằng bởi vì nhà nước được cấp tiền từ thu thuế và thuế được áp một cách cưỡng chế – bất cứ ai trong chúng ta có thể lựa chọn không nộp thuế không nào? Điều đó có nghĩa rằng nhà nước được cấp tiền thông qua cưỡng chế, và gánh nặng thuế càng lớn, thì sự cưỡng chế càng lớn”.
Ông Milei tiếp tục bài phát biểu bằng việc tuyên bố rằng thế giới đang ở đỉnh cao nhất nhờ vào chủ nghĩa tư bản.
“Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ từng có thời gian thịch vượng lớn hơn thời kỳ chúng ta đang sống ngày nay. Thế giới ngày nay tự do hơn, giàu có hơn, hòa bình hơn, và thịnh vượng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử”, ông Milei nói.
Ông Milei nhắc lại tuyên bố mở đầu bài phát biểu với cảnh báo rằng phương Tây đang lâm nguy, khẳng định rằng các thể chế chính trị và kinh tế ở các quốc gia vốn có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị thị trường tự do, tư hữu tài sản, và những ý tưởng tự do khác nhưng thay vào đó lại đang “mở cửa cho chủ nghĩa xã hội” và có khả năng sẽ buộc người dân của họ vào “nghèo đói, khổ đau và trì trệ”.
“Bởi vì chúng ta phải không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội luôn luôn và khắp chốn là cảnh tưởng cùng kiệt vốn đã thất bại ở tất cả các quốc gia cố gắng áp dụng nó. Nó là thất bại kinh tế. Nó là thất bại xã hội. Nó là thất bại văn hóa. Nó cũng cướp đi sinh mạng của 150 triệu người”, ông Milei nói.
Ông Milei giải thích:
“Vấn đề cốt yếu của phương Tây ngày nay là chúng ta phải không chỉ đương đầu với những người mà ngay cả sau khi bức tường Berlin sụp đổ và bằng chứng trải nghiệm áp đảo, vẫn tiếp tục phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội bần cùng hóa, mà còn phải đương đầu với những vị lãnh đạo, những nhà tư tưởng và các học giả của chúng ta, những người với khung lý thuyết sai lầm, gây tổn hại cho các nền tảng của hệ thống mà đã đang đem đến cho chúng ta sự giàu có và thịnh vượng nhất trong lịch sử”.
Ông Milei cũng lên án chủ nghĩa xã hội vì nó thúc đẩy “một cuộc đấu tranh nực cười giữa đàn ông và phụ nữ” thông qua các phong trào nữ quyền.
“Chủ nghĩa tự do đã thiết lập bình đẳng giới rồi, tất cả chúng ta đều có quyền như nhau, những quyền này được Đấng sáng thế ban cho”, ông Milei nói.
“Thứ duy nhất mà nghị trình chủ nghĩa nữ quyền cực đoan mang lại là sự can thiệp lớn hơn của nhà nước để cản trở tăng trưởng kinh tế, trao việc làm cho giới quan liêu vốn không có bất kỳ đóng góp gì cho xã hội, dù là trong công thức của Bộ Phụ nữ hay trong các tổ chứ quốc tế được lập ra để thúc đẩy nghị trình này”, ông Milei nói tiếp.
Ông Milei cũng chỉ trích chủ nghĩa xã hội vì nó làm bùng nổ cuộc chiến giữa “con người và thiên nhiên” thông qua hoạt động và các tổ chức chống biến đổi khí hậu.
“Họ [những người theo chủ nghĩa xã hội] xác nhận là con người phá hủy hành tinh và rằng hành tinh phải được bảo vệ bằng mọi giá, ngay cả việc tiến xa tới mức vận động cho các cơ chế kiểm soát dân số hoặc nghị trình phá thai đẫm máu. Những ý tưởng gây hại này đã đang thâm nhập mạnh mẽ vào toàn xã hội”, ông Milei nói thêm.
Ông Milei giải thích rằng cách tả có thể đạt được những mục tiêu của họ “nhờ vào việc chiếm hữu truyền thông, văn hóa, các trường đại học và các tổ chức quốc tế. Trường hợp cuối cùng này là nghiêm trọng nhất bởi vì chúng có ảnh hưởng tới các quyết định chính trị”.
Tổng thống Argentina cũng đã gửi lời mời tới các quốc gia khác hãy đi theo ý tưởng của ông, lưu ý rằng Argentina bây giờ “biết rất rõ” hệ thống xã hội chủ nghĩa là cùng kiệt thế nào.
“Từ khi chúng tôi quyết định từ bỏ mô hình tự do vốn đã làm chúng tôi giàu mạnh, chúng tôi đã bị mắc kẹt vào vòng xoắn suy thoái khiến chúng tôi nghèo hơn mỗi ngày”, ông Milei nói.
Ông Milei kết lại bài phát biểu bằng việc gửi thông điệp tới các doanh nhân – cả những người có mặt tại hội nghị thượng đỉnh WEF ở Davos lần này, và cả các doanh nhân ở khắp mọi nơi – đừng để bản thân họ bị nhà nước bắt nạt. Ông lên án nhà nước không phải là giải pháp, mà là “vấn đề”.
“Đừng để bản thân quý vị bị bắt nạt, đừng đầu hàng giới chính trị vốn chỉ muốn duy trì quyền lực. Quý vị là những ân nhân của xã hội, quý vị là những người anh hùng, quý vị là những người tạo ra thời kỳ thịnh vượng phi thường nhất mà chúng ta từng được trải nghiệm. Đừng để bất kỳ ai nói với quý vị rằng tham vọng của quý vị là vô đạo đức”, ông Milei nói.
“Quý vị là những người giữ vai trò chủ đạo trong câu chuyện này và hãy biết rằng từ hôm nay, quý vị có Argentina là đồng minh vô điều kiện”, ông Milei tiếp tục.
Hải Đăng
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…