Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao tại khu vực biên giới Trung Quốc – Ấn Độ – Bhutan, hôm 24/7, Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo sẽ tăng cường quân lính đến để bảo vệ chủ quyền với bất kỳ giá nào, và yêu cầu Ấn Độ hãy “sửa chữa sai lầm”.
Lính Trung Quốc tại biên giới với Ấn Độ
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) tuyên bố:
“Rung chuyển một ngọn núi còn dễ hơn lay chuyển Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Ấn Độ không nên trông đợi vào may mắn và cũng đừng ảo tưởng bất cứ điều gì“.
Trước đó, ông Ngô tố cáo Ấn Độ “vi phạm nghiêm trọng lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại luật pháp quốc tế” khi cho quân “vượt qua biên giới quốc gia đã được hai nước công nhận”.
>> Tại sao Trung Quốc – Ấn Độ đối đầu quân sự tại Tây Bhutan?
Hồi tháng 6, Ấn Độ cho quân vào khu cao nguyên Doklam để phản đối việc lực lượng Trung Quốc xây dựng một con đường tại đây.
Mặc dù không có tranh chấp biên giới với Trung Quốc tại khu vực cao nguyên Doklam hiện do Bhutan quản lý, đây lại là một yếu điểm ‘yết hầu’ gần biên giới đối với an ninh Ấn Độ. Một thoả thuận an ninh giữa Bhutan và Ấn Độ đã cho phép quân đội Ấn Độ tuần tra khu vực này. Bhutan cũng đã nhờ Ấn Độ can thiệp sau khi phát hiện lực lượng an ninh Trung Quốc tiến vào Doklam để xây đường.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay quân đội nước này đã thực hiện các biệp pháp khẩn cấp trong khu vực và sẽ tiếp tục tăng cường triển khai binh lính và tập trận để bảo vệ chủ quyền.
Cùng ngày các quan chức Ấn Độ cho hay khoảng 300 binh lính hai bên đã đối mặt với nhau ở khoảng cách 150 mét, nhưng không xảy ra xung đột.
“Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Ấn Độ thực hiện các bước đi thực tế để sửa chữa sai lầm của mình, ngừng khiêu khích và thoả hiệp với Trung Quốc để cùng nhau bảo vệ sự yên bình của khu vực biên giới này“, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Căng thẳng an ninh đã diễn ra hơn 1 tháng mà không bên nào chịu xuống thang. Bhutan cáo buộc việc Trung Quốc cho xây con đường đã “vi phạm trực tiếp” các thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký về việc giữ yên nguyên trạng của cao nguyên Doklam.
Vua và Hoàng hậu Bhutan
Theo Reuters, các nhà ngoại giao cả hai nước đang âm thầm vận động để đảm bảo va chạm không xảy ra, trong đó đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh dẫn đầu nỗ lực tìm biện pháp để cả 2 nước xuống thang mà không bên nào bị mất mặt.
Trung Quốc khẳng định cao nguyên Doklam là lãnh thổ của mình và sẽ “không thoả hiệp bất cứ vấn đề gì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ”.
Trong những năm gần đây Ấn Độ và Trung Quốc chạy đua với nhau để tranh giành ảnh hưởng tại vùng Nam Á. Bắc Kinh đã đổ những món tiền lớn vào để mua chuộc Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, trong khi Bhutan vẫn duy trì liên minh chặt chẽ với Ấn Độ và không đặt quan hệ với Bắc Kinh.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc doạ Ấn Độ sẽ phải đối mặt với số phận tồi tệ hơn thất bại trong cuộc chiến biên giới hai nước năm 1962. Vì hiện tại cả 2 nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, các chuyên gia quốc tế cảnh báo một cuộc xung đột toàn diện nếu nổ ra sẽ là thảm hoạ cho Châu Á.
Minh Trí (t/h)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…