Ấn Độ – Trung Quốc, căng thẳng biên giới không lối thoát
Căng thẳng Trung – Ấn đã kéo dài 5 tuần và đang tiến tới bờ vực xung đột. Hôm 18/7, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đe doạ Bắc Kinh sẽ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực dọc biên giới hai nước dài khoảng 4000km, nếu Ấn Độ không chịu rút quân khỏi khu vực mà Trung Quốc đang có tranh chấp với Bhutan.
Ảnh chụp tại biên giới Trung Quốc – Ấn Độ năm 2008
Tranh chấp bùng lên trở lại ở vùng cao nguyên Doklam, một lãnh thổ ở biên giới ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Đây là vùng đất nằm ở phía Tây Bhutan bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Căng thẳng bắt đầu leo thang vào giữa tháng 6, khi quân đội Ấn Độ theo yêu cầu của Bhutan, đã đến ngăn chặn người Trung Quốc tiến vào Doklam để làm một con đường. Trung Quốc cho là Ấn Độ đã đưa quân vào phần đất của mình, trong lúc Ấn Độ và Bhutan khẳng định khu vực Doklam này là lãnh thổ Bhutan.
Bhutan là đồng minh thân cận của Ấn Độ và không đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nước này đã nhờ Ấn Độ can thiệp.
Theo tờ Guardian của Anh thì hiện khoảng 3.000 quân Ấn, Trung đang gườm nhau gần Doklam.
Hôm 18/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng yêu cầu quân Ấn Độ rút ngay lập tức khỏi khu vực biên giới Doklam để tránh “tình hình leo thang căng thẳng xa hơn“.
Hôm thứ Hai, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại cao nguyên Thanh Tạng gần với vị trí hai bên đang đối đầu. Theo truyền thông Trung Quốc, mục đích của cuộc tập trận là để tăng cường “khả năng chiến đấu của quân đội ở những địa điểm này”.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tập trận của Trung Quốc tại Tây Tạng nhằm vào hai mục tiêu: răn đe để đối phương đừng nghĩ tới việc gây chiến, đồng thời trấn an dân chúng trong nước về sự sẵn sàng chiến đấu của Quân Đội.
Cộng đồng quốc tế bắt đầu tỏ mối lo ngại. Có mặt tại Ấn Độ, ngoại trưởng Úc hôm 19/7 nêu lên mối quan ngại, rằng Úc không muốn tình hình leo thang có thể dẫn đến những ‘tính toán, đánh giá sai lầm’.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng kêu gọi hai quốc gia đi đến thỏa thuận vì hòa bình.
Ngoài ra, báo chí Trung Quốc với giọng điệu lên gân cũng khiến không khí căng thẳng đẩy lên cao độ. Thời báo Hoàn cầu cảnh báo Ấn Độ lui quân hay đối mặt với hậu quả của một cuộc xung đột toàn diện. Tờ báo cho biết Trung Quốc đã phát hiện binh lính Ấn Độ đã đồn trú tại khu vực biên giới và đang thiết lập cơ sở hậu cần, để đáp lại Trung Quốc phải củng cố cơ sở biên giới và nhanh chóng triển khai quân đội tới khu vực Doklam.
Tuy nhiên, ở mặt ngoại giao, cả Ấn Độ và Trung Quốc những ngày qua đều lên tiếng muốn giải quyết tình hình căng thẳng bằng phương thức ngoại giao nhưng không bên nào chịu nhượng bộ điều kiện của đối phương.
Ngoại trưởng Ấn Độ đã tố cáo Bắc Kinh có lời lẽ đe doạ hằng ngày. New Delhi sẽ tiếp tục giải pháp ngoại giao nhưng Phía Trung Quốc thì thẳng thừng tuyên bố chỉ nói chuyện khi Ấn Độ rút quân.
Đây là cuộc đối đầu lâu dài nhất giữa hai quốc gia từ khi xẩy ra vụ tranh chấp biên giới của Tây Tạng dẫn đến cuộc chiến tranh năm 1962, một cuộc chiến mà Trung Quốc tuyên bố thắng cuộc.
Nhà nghiên cứu Ashok Malik tại viện Observer Research Foundation tại New Delhi nhận thấy Trung Quốc đang cố kiềm chế ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á, có thái độ khiêu khích theo phong cách của Bắc Kinh, nhưng tranh chấp vũ trang không hẳn là sẽ bùng lên.
Theo ông, hai bên có lẽ sẽ gườm nhau như thế cho đến khi Trung Quốc gặp vấn đề tiếp tế và hậu cần ở khu vực mà nước này có dân cư thưa thớt và khó đi lại. Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ rút quân ngay khỏi khu vực, nhưng phía Ấn Độ mỗi lần đều trả lời không.
Ông Malik còn ghi nhận là mặc dù có cuộc đối đầu như thế tại vùng cao nguyên Doklam, nhưng hai ông Tập Cận Bình và Narendra Modi ngoài mặt vẫn vui vẻ khi gặp nhau ở thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
Những vụ đối đầu ồn ào nhưng không dẫn đến bạo động thường xẩy ra ở vùng biên giới hai nước từ sau cuộc chiến tranh năm 1962, nhưng có vẻ lần này nghiêm trọng hơn.
Trong thời gian qua, hai bên đã đổ quân vào khu vực, tuy đối mặt nhau mà không bạo động, nhưng giọng điệu của Trung Quốc lần này gay gắt hơn mọi khi.
Không khí căng thẳng hơn cũng là vì quan hệ Ấn-Trung xấu đi hơn trong mấy tháng qua, với nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc Trung Quốc đã ngăn không để Ấn Độ gia nhập Nhóm Quốc Gia Cung Cấp Hạt Nhân và vẫn duy trì quan hệ khăng khít với Pakistan, kẻ thù lâu năm của Ấn Độ.
Còn Ấn Độ nói không với kế hoạch một Vành đai, một Con đường của Trung Quốc mà nhiều quốc gia Châu Á tham gia.
“Tôi không biết tình hình này sẽ xuống thang như thế nào, không chỉ vì truyền thông của hai nước lên gân, mà còn bởi vì Trung Quốc có lẽ không muốn giảm căng thẳng“, phó giáo sư Yvonne Chiu tại Khoa Chính trị Đại học Hong Kong nói.
Theo ông Chiu, nếu cuộc xung đột kéo dài, Trung Quốc sẽ có lợi ích như củng cố tốt hơn tuyên bố chủ quyền khu vực, tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước và là một cơ hội hiếm có để bộ binh Trung Quốc tập luyện kinh nghiệm thực chiến.
Ngoài ra, mặc dù không nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, vùng Doklam trọng yếu đối với an ninh của Ấn Độ hơn các vùng tranh chấp khác ở biên giới Ấn – Trung.
Ông Jeff Smith, giám đốc chương trình an ninh châu Á tại American Foreign Policy Council, giải thích :
“Vùng này nằm sát vùng mà các chiến lược gia gọi là ‘yết hầu’ của Ấn Độ, tức là hành lang Siliguri, gắn các bang phía đông với phần còn lại của nước Ấn. Tuy New Delhi không có chủ quyền trên phần cao nguyên tranh chấp này, nhưng các cuộc đàm phán với Bhutan đã có kết quả là quân đội Ấn Độ được phép tuần tra ở vùng này“.
Trung Quốc thì dựa trên một hiệp ước năm 1890 để đòi chủ quyền trên vùng Doklam nhưng theo Ấn Độ, hiệp ước đó đã không còn hiệu lực sau các cuộc đàm phán năm 2012.
Một cuộc chiến sẽ không có lợi cho bên nào vì Trung Quốc và Ấn Độ có quan hệ thương mại chặt chẽ và bên nào cũng có những bận tâm khác về an ninh cho nên khó có thể gánh thêm một cuộc chiến.
Tuy nhiên, theo nhận định chung thì khó mà thấy căng thẳng có thể dịu đi bằng cách nào vì Trung Quốc có quan điểm rất cứng rắn về vấn đề này và dường như đang gây khó khăn để không thể đàm phán tìm lối thoát.
Ông Smith ghi nhận là Ấn Độ kín tiếng hơn trong vụ tranh chấp này, nhưng tỏ vẻ không nhượng bộ bất kỳ điều gì cho Trung Quốc. Hai bên có thể trường kỳ đóng quân đối mặt nhau, với nguy cơ căng thẳng leo thang.
Robert Manning, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, cảnh báo là thế giới phải hết sức thận trọng và nên quan tâm đến tranh chấp này vì “hai quốc gia liên can đều là nước có vũ khí hạt nhân. Đây là điều phải nghĩ đến”.
Trên hiện trường thì Trung Quốc đang phô trương sức mạnh ở Tây Tạng với cuộc tập trận quy mô, gần vùng đang tranh chấp với Ấn Độ.
Một chuyên gia phân tích ở Bắc Kinh đánh giá là cuộc phô trương lực lượng nói trên là một lời cảnh cáo đối với Ấn Độ và “Quân Đội Trung Quốc muốn chứng minh họ có thể dễ dàng áp đảo Quân Đội Ấn”
Tuy nhiên lực lượng Trung Quốc trong khu vực không đông, chỉ có vỏn vẹn hai lữ đoàn (dưới 20.000 lính) đang đóng tại Tây Tạng. Trong khi đó Ấn Độ có tới gần 200.000 quân đóng ở biên giới gần vùng tranh chấp.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ Trung Quốc