Trong cuộc hội đàm cuối tuần vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với các đối tác trong khu vực ASEAN rằng họ nên cùng tham gia phản đối “các hành vi phá hoại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.”
Hôm 4/12, phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đang thăm Anji, tỉnh Chiết Giang, ông Vương Nghị cho biết hợp tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là “mặt phải của lịch sử”.
Điều này trái ngược với những nỗ lực nhằm “chia rẽ” hoặc kích động một “cuộc chiến tranh lạnh mới”, ông Vương nói, ám chỉ rõ ràng về Hoa Kỳ.
Ông cho biết Trung Quốc “thúc đẩy đoàn kết quốc tế” thay vì chia rẽ, lựa chọn “hợp tác” thay vì đối đầu và “ổn định” thay vì xung đột, đồng thời nói thêm rằng các nước nên tôn trọng chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của người khác.
Ông Vương cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tại Anji vào thứ Bảy (4/12) và có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith thông qua liên kết video vào thứ Sáu (3/12).
Cuộc gọi với ông Saleumxay diễn ra sau lễ khai trương trực tuyến tuyến Đường sắt Trung Quốc – Lào với sự tham dự của lãnh đạo hai nước.
Các cuộc gặp nói trên diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng trước để đánh dấu 30 năm đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Hội nghị thượng đỉnh được kỳ vọng sẽ khởi động quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, tập trung vào phát triển và hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực, bao gồm an ninh.
Trung Quốc đã tìm cách củng cố quan hệ với ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng tăng trong khu vực, cũng như với việc Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước ASEAN trong việc thúc đẩy một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Malaysia và Campuchia, các bên cũng đã đồng ý hợp tác để chống lại COVID-19, bao gồm nghiên cứu và phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị cũng như sản xuất vắc-xin, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tờ The Star của Malaysia dẫn lời ông Saifuddin cho biết Malaysia hoan nghênh “các công ty vắc-xin nổi tiếng từ Trung Quốc” thành lập các nhà máy và trung tâm R&D ở nước này, góp phần vào mục tiêu sản xuất vắc-xin của riêng Malaysia.
Hai nước cũng nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ Trung Quốc – ASEAN, bao gồm thúc đẩy hội nhập kinh tế và thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Sokhonn của Campuchia, ông Vương Nghị cam kết tiếp tục hỗ trợ vắc-xin và giúp nước này xây dựng nhà máy chiết rót vắc-xin. Khoảng 90% vắc-xin COVID-19 mà Campuchia sử dụng đến từ Trung Quốc.
Ông Vương nói, Trung Quốc cũng sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc và sân bay, kinh tế kỹ thuật số và nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ Campuchia.
Campuchia cũng ủng hộ “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” của Trung Quốc, một kế hoạch nhằm phối hợp nhiều hơn giữa các nước về phát triển kinh tế bền vững do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9.
Cả Malaysia và Campuchia đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 vào tháng Hai, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy vậy, sự kiện này đã và đang phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ các nhóm nhân quyền và các nhà lập pháp Anh và Hoa Kỳ vì trước lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…