Trước căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang không lối thoát, cùng quan ngại về việc Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng hành động quân sự để đối phó với Bình Nhưỡng, Trung Quốc đang tăng cường củng cố an ninh vùng biên, sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng tiềm ẩn dọc theo biên giới với Bắc Triều Tiên.
Biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc kéo dài 1.415km, dọc theo tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, một trung tâm công nghiệp và khai mỏ với đầy bụi bặm và mùa đông giá rét.
Cầu nối thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên
Vào mùa du lịch, thành phố biên giới Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh đón tiếp hàng trăm lượt khách du lịch đến đây để ngắm cảnh Bắc Hàn. Du khách có thể đi thuyền trên sông Áp Lục, biên giới tự nhiên giữa hai nước hoặc đứng trên một phần của Vạn Lý Trường Thành dùng ống nhòm nhìn sang lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Ngoài khách du lịch, thành phố Đan Đông cũng khá tấp lập các xe tải chở hàng qua lại hai chiều. Giao thương vùng biên giữa hai nước vẫn duy trì bình thường kể cả khi mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang ngày càng xấu đi khi chế độ nhà Kim liên tục thử tên lửa đạn đạo và nhiều lần công khai lên án Trung Quốc đảng “nhảy theo điệu nhạc” của Mỹ.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Phố Wall lấy nguồn từ các báo cáo trên các website của chính quyền và quân đội Trung Quốc, cho biết gần đây Bắc Kinh đang tăng cường an ninh biên giới chặt chẽ hơn khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên và một số quan chức tại Mỹ đã thúc giúp sớm thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.
Lính Bắc Triều Tiên tuần tra trên sông Áp Lục
Mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên không chỉ được thiết lập chặt chẽ bằng hiệp định hợp tác chính thức, mà liên minh này thực tế đã từng “được rèn luyện bằng máu” trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53). Đây cũng là vùng biên giới được Trung Quốc quân sự hóa mạnh mẽ nhất. Trong vài tháng gần đây, ở khu vực chiến lược này, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và không kích bằng trực thăng.
CNN, dẫn theo một báo cáo được phát hành tháng trước bởi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết “một lữ đoàn phòng vệ biên giới mới được thành lập” đang tiến hành các hoạt động tuần tra để thu thập thông tin tình báo, đánh giá tình hình và lập bản đồ chính xác hơn về vùng biên giới này.
Một báo cáo khác cũng của PLA nói rằng “toàn bộ vùng này” vừa được đặt dưới tình trạng được “giám sát qua video 24 giờ”, trong đó có dùng các thiết bị như máy bay không người lái, xe tuần tra và máy ảnh công nghệ cao để chụp ảnh và ghi hình. Bắc Kinh cũng cho xây dựng nhiều hầm trú ẩn để đối phó với các vụ ném bom hạt nhân có thể xảy ra.
Tờ Fox News cho biết chính quyền Trung Quốc chưa có phát ngôn chính thức về các hoạt động chuẩn bị này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các biện pháp quân sự không nên là một lựa chọn để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.
Ông Mark Cozad, làm việc tại nhóm chuyên gia tư vấn Rand Corp, có trao đổi với Fox News rằng những sự chuẩn bị của phía Trung Quốc “vượt xa” so với việc tạo ra một vùng đệm thông thường tại vùng biên giới này.
Ông Cozad cho hay: “Nếu để chỉ ra một nơi mà tôi nghĩ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xảy ra xung đột đầu tiên, đó sẽ không phải là Đài Loan, biển Đông hay biển Hoa Đông mà tôi nghĩ đó chính là bán đảo Triều Tiên”.
Vùng biên giới Trung – Triều là khu vực mang tính chiến lược cao của Trung Quốc và cũng đã từng xảy ra khủng hoảng trong suốt Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, một trong những quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh lúc này không phải là các lực lượng quân đội sẽ đổ xuống biên giới, mà là làn sóng người tị nạn Bắc Hàn.
Một báo cáo gần đây của Quỹ Jamestown có trụ sở ở Hoa Kỳ chỉ ra rằng: “Một làn sóng ồ ạt dân Bắc Triều Tiên tràn qua biên giới Trung Quốc là một mối quan ngại lớn, đặc biệt đối với các vùng trung tâm dân cư đông đúc của Trung Quốc cách không xa biên giới và với khu vực kinh tế quan trọng ở Đông Bắc Trung Quốc”.
Mặc dù Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng “miễn dịch” với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ), nhưng đất nước này đã phải chịu đựng nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong quá khứ và hiện tại một số vùng ở Bắc Hàn cũng đang gặp hạn hán, các nhà phân tích nói rằng một cuộc xung đột trên bán đảo có thể sẽ dẫn tới hàng trăm ngàn dân thường, có thể là cả triệu người sẽ di chuyển về hướng bắc vào Trung Quốc, “bóng ma” người tị nạn đó là một nỗi lo lắng rất lớn đối với Bắc Kinh.
Cũng giống như cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria đã làm căng thẳng nguồn lực của các nước láng giềng và gây ra mâu thuẫn chính trị lan rộng ở Châu Âu liên quan đến các biện pháp đối phó với làn sóng nhập cư, nhiều người ở Trung Quốc cũng đang lo ngại nền kinh tế và an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng từ một cuộc xung đột cục bộ tại bán đảo Triều Tiên.
Đô đốc Mỹ về hưu Mike Mullen vào năm ngoái đã từng nói rằng: “Sự bất ổn trên bán đảo có thể lan sang Trung Quốc, khiến cho chế độ Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết tình hình an sinh xã hội trong nước”.
Vào tháng 3 vừa qua, Tướng về hưu Wang Haiyun đã phát biểu trên tờ Hoàn Cầu Thời báo rằng: “Cần thiết phải chuẩn bị cho hành động quân sự càng sớm càng tốt để đối phó với một cuộc chiến tranh tiềm ẩn trên bán đảo. Một khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta cũng nên xem xét thành lập một trại tị nạn quốc tế ở lãnh thổ Bắc Triều Tiên để ngăn chặn dòng người vượt biên sang Trung Quốc”.
Giám đốc CIA Mike Pompeo vào tuần trước đã công khai biểu thị việc ủng hộ thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng
Mâu thuẫn giữa Bình Nhưỡng và Washington đã tiếp tục leo thang khi Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo thành công vào hôm 3/7. Cả phía Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế đều xác nhận tên lửa mà chế độ Kim Jong-un phóng đi mới nhất có khả năng vươn tới bang Hawaii và Alaska của Hoa Kỳ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với CNN rằng tuần này Bắc Triều Tiên dường như đang chuẩn bị để phóng thử một tên lửa nữa.
Chính phủ Donald Trump đã và đang nỗ lực tìm cách gây áp lực lên Trung Quốc để hành động nhiều hơn nhằm kìm hãm đồng minh của họ và mặc dù Bắc Kinh vẫn lên án các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bắc Triều Tiên, nhưng dường như hiệu quả đạt được là không có.
Bắc Kinh gần đây thậm chí cũng đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc về những lời lẽ gay gắt của họ trong vấn đề hạt nhân, tên lửa Triều Tiên và khuyến khích tất cả các bên trở lại bàn đàm phán.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng gặp Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong điều kiện phù hợp, nhưng những lời ngỏ thiện chí như vậy của Seoul vẫn không được Bình Nhưỡng phản hồi.
Tình hình Bắc Hàn leo thang kéo dài đã dẫn đến sự thất vọng của tất cả các bên. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo vào tuần trước, đã công khai biểu thị việc ủng hộ thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng.
Tong Zhao, một nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie Tsinghua, nói với CNN rằng: “Do những căng thẳng ngày càng gia tăng và nguy cơ xung đột quân sự trên bán đảo, tôi chắc chắn Trung Quốc đã tăng cường các kế hoạch quân sự của họ“.
Hôm thứ Ba (25/7), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết quân đội nước này “vẫn duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện bình thường dọc biên giới Trung – Triều“.
Đầu năm nay, tờ Hoàn Cầu Thời báo đã cảnh báo “nếu vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên bùng nổ, một cuộc chiến tranh trên bán đảo là không thể tránh khỏi. Cuộc chiến này sẽ mang lại nhiều rủi ro đối với Trung Quốc hơn so với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bình Nhưỡng”.
Bài xã luận của tờ báo nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề hóc búa ngay bây giờ, nó sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn trong tương lai”.
Tân Bình (t/h)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…