Bắc Hàn thiếu lương thực trầm trọng do hạn hán kỷ lục
Một báo cáo của tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa cho hay Bắc Hàn đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực trầm trọng do đợt hạn hán tồi tệ nhất từ năm 2001.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người già. Bắc Hàn vốn đã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới, đợt hạn hán này sẽ khiến tình trạng thiếu ăn ở trẻ em lại càng trầm trọng hơn.
Trong những tháng vừa qua, việc thiếu mưa liên tục gây hại tới các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai tây và đậu nành mà phần lớn người dân Bắc Hàn phụ thuộc vào đó để làm nguồn lương thực. Hơn nữa, hạn hán rơi vào ngay thời kỳ đầu của quá trình sinh trưởng khiến cây trồng chết sớm mà các cơn mưa muộn vào tháng 7 không thể cứu được.
FAO dự đoán sản lượng đầu năm 2017 của Bắc Hàn đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 450.000 tấn xuống còn 310.000 tấn.
Hồi tháng 3, một báo cáo của LHQ chỉ ra rằng cứ 5 người Bắc Hàn thì có 2 người thiếu ăn và hơn 70% dân số nước này sống phụ thuộc vào trợ cấp nước ngoài.
FAO cho rằng những tháng tới đây tình trạng an ninh lương thực sẽ còn tồi tệ hơn, người dân đối mặt với nguy cơ chết đói và thiếu ăn thường xuyên hơn.
Trong những năm gần đây, Bắc Hàn còn phải trải qua nạn đói do lũ lụt khiến hàng vạn gia đình mất nhà cửa và ruộng đồng. Tác động tích luỹ của thiên tai lũ lụt rồi lại hạn hán cộng với tình trạng cấm vận do phát triển vũ khí khiến quốc gia này không còn khả năng giải quyết vấn nạn thiếu lương thực và suy dinh dưỡng.
FAO cho hay Bắc Hàn cần tiến hành hoặc được tài trợ để tiến hành một loạt chương trình nâng cấp hệ thống tưới tiêu, giữ và thoát nước để nâng cấp ngành nông nghiệp trong điều kiện thiên tai liên miên.
Giữa những năm 1990, Bắc Hàn trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng khiến 1 triệu người chết vì đói và bệnh tật.
Trong một báo cáo của LHQ năm 2016, có 25.000 trẻ em Bắc Hàn cần điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho hay gần 1/3 trẻ em Bắc Hàn thiếu cân nặng và chiều cao vì thiếu ăn thường xuyên; 1/3 trẻ dưới 5 tuổi và 1/3 các bà mẹ trẻ bị thiếu máu.
Theo BBC, đợt hạn hán kéo dài hiện tại khiến Bắc Hàn cần phải nhập khẩu lương thực khẩn cấp, tuy nhiên các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho việc này gặp khó khăn. Các chương trình trợ cấp lương thực cho quốc gia hẻo lánh này cũng giảm mạnh trong nhiều năm qua, do chế độ Kim Jong Un đẩy mạnh chương trình hạt nhân tên lửa và thắt chặt quản lý việc các tổ chức cứu trợ quốc tế được tiếp cận đất nước này.
Hồi tháng 6/2017, Bình Nhưỡng từ chối đề nghị viện trợ nhân đạo vô điều kiện của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì Hàn Quốc ủng hộ quốc tế trừng phạt chương trình tên lửa của miền Bắc.
Một báo cáo của LHQ đầu năm nay cho hay viện trợ nhân đạo là cực kỳ cần kíp tại Bắc hàn bởi thiên tai thường xuyên như lũ lụt và hạn hán.
“Trong tình trạng chính trị căng thẳng, ước đoán 18 triệu người khắp DPRK (Bắc Hàn) tiếp tục phải chịu cảnh mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng, cũng như không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản”, báo cáo LHQ nói.
“Hơn nữa, 10,5 triệu người, chiếm 41% tổng số dân Bắc Hàn không được ăn uống đầy đủ”.
Bắc Hàn chỉ có dân số 25 triệu người, nhưng nuôi một đội quân khoảng 1 triệu người và thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu lương thực nghiêm trọng trong nhiều năm liền.
Nạn đói khinh hoàng 1996-2001
Nạn đói kinh khủng nhất của Bắc Hàn bắt đầu năm 1996, sau đó 2 năm WFP phải vận động một chương trình giải cứu được cho là lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này để cứu đói người dân Bắc Hàn. Trước năm 1996, Bắc Hàn là một quốc gia hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, và người ta chỉ biết những gì đang diễn ra sau khi Bình Nhưỡng buộc phải cầu cứu các tổ chức cứu trợ quốc tế.
Năm 1998, WFP cho hay họ đã lập kế hoạch trợ cấp cho 1/3 dân số Bắc Hàn, tức là gần 7,5 triệu người. Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi được khảo sát vào năm đó được mô tả là bị suy dinh dưỡng cấp, nhiều gia đình phải ăn cỏ, lá cây để sống sót.
Đến năm 2001, Bắc Hàn lại tiếp tục trải qua một mùa đông tồi tệ nhất từ khi nước này thành lập, đất nước lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng lương thực là ngô và lúa mỳ.
Trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2001, WFP nói rằng họ đã viện trợ lương thực cho khoảng 8 triệu dân Bắc Hàn.
Theo BBC, một số cải cách trong vòng 20 năm qua đã được âm thầm thực hiện để tránh lặp lại nạn đói kỷ lục này. Chẳng hạn mặc dù nông nghiệp vẫn bị nhà nước quản lý hoàn toàn, nông dân đã được phép giữ lại nhiều sản phẩm hơn, dẫn đến việc tăng sản suất và sản lượng. Tuy nhiên nhà nước vẫn quản lý chặt chẽ mọi động thái tiếp cận của nước ngoài.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Hàn Hạn hán