Giới chức Ấn Độ hôm thứ Hai (28/8) đã tuyên bố rằng hai nước Trung – Ấn đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi cao nguyên Doklam và hoạt động này được tiến hành ngay thứ Hai. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nói rằng họ là bên chiến thắng trong sự vụ căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi một tuyên bố cho hay họ rất hài lòng về việc “quân xâm chiếm Ấn Độ đã rút hết về phía biên giới của họ”.
Trong khi, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận quân đội nước này đang “giải tán” khỏi cao nguyên Doklam sau khi hai nước đạt được thỏa thuận rút quân, chấm dứt khoảng 70 ngày căng thẳng.
Báo chí Ấn Độ cho biết động thái hòa giải này diễn ra vài tuần trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm chính thức Trung Quốc vào đầu tháng 9, dự một Hội nghị của năm nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Đầu giờ sáng thứ Hai (28/8), phía Trung Quốc đã nêu quan điểm rõ ràng rằng họ sẽ “tiếp tục có các quyền chủ quyền” tại khu vực Doklam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói rằng binh lính Trung Quốc tại thực địa đã xác minh quân Ấn Độ đã rút khỏi Doklam trong sáng thứ Hai (28/8). Truyền thông Trung Quốc coi động thái rút quân của New Delhi là chiến thắng của Bắc Kinh. Các phương tiện thông tấn nhà nước Trung Quốc khi dẫn tin Ấn Độ rút quân đều gọi “binh lính xâm chiếm của Ấn Độ đã rút quân”.
Một quan chức Ấn Độ trao đổi với BBC rằng cả hai nước đều đã rút “binh linh và vũ trang” khỏi khu vực tranh chấp. Có thể Bắc Kinh coi đây là sự xuống thang của Ấn Độ, nhưng phía New Delhi không nghĩ vậy.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc rút quân này là kết quả của những nỗ lực ngoại giao thực chất, diễn ra bí mật trong vài tuần qua. Một quan chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ đã miêu tả đó là “một trận hòa danh dự“.
Cả hai nước đều không tiết lộ họ đã có những nhượng bộ gì để đạt đồng thuận chấm dứt căng thẳng. Ngoại giới cũng không thể xác minh tuyến đường mà Trung Quốc xây dựng tại Doklam, khởi nguồn cho xung đột Trung – Ấn thời gian qua, liệu bây giờ đã được hoàn thành hay đã bị hủy bỏ?
Ông Atul Bhardwaj, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Quốc ở Delhi nói với BBC rằng thỏa thuận rút quân là “lựa chọn duy nhất” vì cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ Châu Á “không thể diễn ra”.
Ông Bhardwaj nói thêm rằng giải pháp này chỉ ra rằng “Ấn Độ lúc đầu thể hiện sự ưu tiên cho mối quan hệ và các cam kết với Bhutan”, nhưng sau đó các quan chức New Delhi đã thay đổi ý định.
Chuyên gia Bhardwaj lý giải rằng “Ấn Độ cần thị trường và các khoản đầu tư của Trung Quốc”.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung khoảng 3.500km đường biên giới và nhiều khu vực vẫn chưa được phân định rõ ràng. Một cuộc chiến tranh biên giới Trung – Ấn đã diễn ra vào năm 1962 và khi đó phía Bắc Kinh cũng tuyên bố là bên chiến thắng.
Tân Bình
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…