Chiến tranh Trung – Ấn 1962: Một bài học chưa cũ
- Tân Bình
- •
Căng thẳng trên cao nguyên Doklam – vùng tam giới giữa Trung Quốc – Ấn Độ – Bhutan đã bước sang tháng thứ hai, điều này làm khuấy lại những kỷ niệm về cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đang lên tiếng cảnh báo về việc dạy cho Ấn Độ một bài học tương tự như 55 năm trước.
Thế giới rộng lớn đầy biến động dường như đã quên mất cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn 55 năm trước, diễn ra như trong bóng tối của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba sâu sắc hơn vào thời đỉnh cao của cuộc Chiến tranh lạnh. Nhưng trên cao nguyên Doklam những ngày này, bóng ma về cuộc chiến tranh đó vẫn còn ẩn náu và có thể trở lại bất cứ lúc nào nếu hai quốc gia đông dân nhất thế giới không thể giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán.
Cho đến trước khi tiếng súng vùng biên chính thức nổ ra, Ấn Độ chưa bao giờ từng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phát động một cuộc tấn công, nhưng cuối cùng Bắc Kinh đã chủ động khai hỏa. Ấn Độ bị tấn công vào ngày 20/10/1962, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Trung – Ấn 1962.
3/4/1959: Một đám đông người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ phản đối chế độ Bắc Kinh “vi phạm quyền tự trị của Tây Tạng”.
Niềm tin rằng Trung Quốc sẽ không đời nào phát động cuộc chiến chống lại mình, nên Ấn Độ gần như không có sự chuẩn bị và kết quả là khi xung đột xảy ra chỉ có khoảng 1 đến 2 vạn lính Ấn Độ phải đương đấu với 8 vạn quân Trung Quốc. Cuộc chiến tranh đã tiếp diễn khoảng 1 tháng và kết thúc vào ngày 21/11 của 55 năm trước, sau khi Trung Quốc chủ động tuyên bố ngừng bắn.
Trong bối cảnh căng thẳng biên giới đang lặp lại, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem cuộc chiến chớp nhoáng năm 1962 khởi đầu thế nào và diễn biến ra sao:
Cuộc chiến đã bắt đầu thế nào?
* Ấn Độ giành được độc lập từ Anh Quốc năm 1947. Sau đó hai năm, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Khi đó, một trong những chính sách ngoại giao quan trọng của chính phủ Ấn Độ là giao thiệp hữu hảo với Trung Quốc.
* Khi Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950, Ấn Độ đã gửi một lá thư phản đối và đề nghị mở các cuộc đàm phán về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc không bận tâm tới đề nghị của Ấn Độ và thậm chí còn tích cực hơn trong việc triển khai quân đội tới vùng biên giới Aksai Chin.
* Ấn Độ rất quan tâm đến mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí họ đã không tham dự một hội nghị vào năm 1951 tại San Francisco để ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản chỉ vì Trung Quốc không được mời. Trong những năm sau đó, Ấn Độ đã trở thành đại diện của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới khi Trung Quốc đã bị cô lập khỏi nhiều vấn đề. Ấn Độ thậm chí mạnh mẽ gây sức ép để Trung Quốc được là thành viên của Liên Hợp Quốc.
* Năm 1954, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký kết một Bản Nguyên tắc Cùng tồn tại Hòa bình 5 điểm và Ấn Độ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng. Thỏa thuận gồm 5 nguyên tắc sau: Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; Không xâm lược nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hợp tác cùng có lợi; Cùng tồn tại hòa bình.
* Vào tháng 7/1954, Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã ban hành một sắc lệnh chỉ đạo một sửa đổi trên các bản đồ của Ấn Độ để hiển thị ranh giới rõ ràng trên tất cả các tuyến biên giới. Tuy nhiên, lúc đó bản đồ của Trung Quốc cho thấy khoảng 120.000 km2 lãnh thổ của Ấn Đồ thuộc về Trung Quốc. Khi bị phía Ấn Độ truy hỏi, ông Chu Ân Lai, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã trả lời rằng có sai sót trong các bản đồ đó.
* Nhà lãnh đạo Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, ông Mao Trạch Đông cảm thấy bị mất mặt bởi việc Ấn Độ tiếp nhận Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ thực sự của người Tây Tạng, chạy trốn khỏi vùng lãnh thổ này sau khi Trung Quốc xâm lược vào tháng 3/1959. Căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia leo thang khi ông Mao Trạch Đông tuyên bố rằng cuộc nổi dậy Lhasa ở Tây Tạng là do người Ấn Độ hậu thuẫn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng lần đầu tiên thăm thủ đô Ấn Độ vào ngày 7/9/1959.
* Việc Trung Quốc cho rằng Ấn Độ chính là mối đe dọa của họ trong vấn đề cai trị Tây Tạng đã trở thành một trong những lý do nổi bật nhất cho cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn.
* Nhiều mâu thuẫn và sự cố quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng phát trong suốt mùa hè năm 1962.
* Ngày 10/7/1962, khoảng 350 lính Trung Quốc bao vây một trại gác biên giới của Ấn Độ ở Chushul và sử dụng loa phóng thanh để thuyết phục những người Gurkhas (một dân tộc thiểu số ở vùng biên Ấn – Trung) rằng họ không nên chiến đấu vì đất nước Ấn Độ.
* Trước đó vào tháng 10/1959, Ấn Độ nhận thấy rằng họ không sẵn sàng chiến tranh sau khi có một cuộc đụng độ giữa hai quân đội tại đèo Kongka, trong đó 9 cảnh sát Ấn Độ đã bị giết; Ấn Độ lúc đó nhận trách nhiệm về mâu thuẫn biên giới và rút đội tuần tra khỏi các khu vực tranh chấp.
Diễn biến chiến tranh Trung-Ấn 1962
* Ngày 20/10/1962, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm chiếm Ấn Độ tại khu vực Ladakh, qua McMahon Line (một tuyến biên giới giữa Đông Bắc Ấn Độ và Tây Tạng).
* Cho đến tận khi chiến tranh đã bắt đầu nổ ra, phía Ấn Độ tin tưởng rằng chiến tranh sẽ không bao giờ diễn ra và gần như không có sự chuẩn bị gì. Tư duy như vậy, nên Ấn Độ chỉ triển khai hai sư đoàn trong khu vực xung đột, trong khi quân đội Trung Quốc có tới ba trung đoàn đồn trú ở đây.
* Trung Quốc cũng cho cắt các đường dây điện thoại của Ấn Độ, ngăn chặn các khu vực biên giới liên lạc về trung ương.
* Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, bộ binh Trung Quốc cũng tung ra một cuộc tấn công từ phía sau. Các tổn thất liên tiếp buộc quân đội Ấn Độ phải chạy trốn đến Bhutan.
* Vào ngày 22/10, quân Trung Quốc đã đốt một bụi cây để nghi binh khiến cho lính Ấn Độ bối rối. Khoảng 400 quân Trung Quốc đã tấn công vào khu đồn trú của Ấn Độ. Cuộc tấn công ban đầu của Trung Quốc đã bị chặn lại bởi hàng loạt đạn súng cối của Ấn Độ.
* Khi quân đội Ấn Độ phát hiện ra rằng một lực lượng Trung Quốc tập trung tại một đèo, họ đã bắn súng cối và súng máy, giết chết khoảng 200 lính Trung Quốc.
* Ngày 26/10 một toán dân quân tự vệ người Sikhs bị quân Trung Quốc bao vây và khi những người dân tộc thiểu số này chưa thể phá vòng vây, một đơn vị của Ấn Độ đã tập kích và tấn công quân Trung Quốc, giải thoát cho người Sikhs.
* Theo lịch sử quân sự chính thức của Trung Quốc, cuộc chiến tranh đã đạt được các mục tiêu chính sách của Trung Quốc về đảm bảo biên giới trong khu vực phía tây. Trung Quốc chủ động tuyên bố ngừng bắn vào ngày 21/11/1962.
Lịch sử có lặp lại?
Đối với Trung Quốc, mối quan hệ với Ấn Độ đã bị tổn hại không thể sửa chữa sau năm 1962 và cho thấy chế độ Bắc Kinh nổi lên như là một sức mạnh hung hăng trong mắt thế giới. Ông Mao Trạch Đông từng phát biểu với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng ảnh hưởng của cuộc chiến tranh biên giới lên quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc sẽ kéo dài 30 năm, sau đó nó sẽ bị lãng quên. Tuy vậy, hiện nay sau 55 năm, lịch sử xung đột dường như đang lặp lại.
Sự tương đồng giữa các sự vụ đang diễn ra hiện nay so với tình hình năm 1962 rất rõ ràng. Kích hoạt cho căng thẳng nổ ra cũng là việc Trung Quốc cho xây dựng một con đường trên cao nguyên biên giới. Trung Quốc vẫn còn băn khoăn về sự ‘ve vãn’ của Ấn Độ với “những người ly khai” Tây Tạng. Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc hiện nay, ông Tập Cận Bình cũng đang củng cố quyền lực cá nhân trong ĐCSTQ và nhấn mạnh về sự thuần khiết của ý thức hệ. Mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng đang rất sôi động và có những mâu thuẫn mang tính chiến lược. Và cũng như năm 1962, Trung Quốc coi Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác song phương với Mỹ để bao vây và ngăn chặn Bắc Kinh. Ấn Độ tin tưởng vào sự vĩ đại và sức mạnh quân sự của mình giống như vào năm 1962. Và quan điểm của công chúng Ấn Độ về Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1962, không bên nào chiến thắng. Ấn Độ đã tổn thất trong cuộc chiến, Trung Quốc mất uy tín quốc tế. Tuy nhiên, dường như cả hai đều không nhớ bài học từ quá khứ và họ đang để mọi việc từ 55 năm trước đang dần lặp lại ở thời điểm hiện tại.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ Bhutan Chiến tranh biên giới Trung Quốc