Tổng thống Donald Trump nói Mỹ sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Trung Quốc Đại lục ban hành đạo luật an ninh cho Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21/5 đã cáo buộc Trung Quốc Đại lục đi ngược lại với các cam kết duy trì Hồng Kông như một khu vực bán tự trị, sau khi Bắc Kinh tuyên bố đề xuất xây dựng luật an ninh quốc gia nhằm hạn chế các hoạt động của phe đối lập ở đặc khu hành chính.
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng những cam kết và nghĩa vụ của họ với Tuyên bố chung Trung – Anh,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố, đề cập đến hiệp ước song phương được ký vào năm 1984, đảm bảo “mức độ tự trị cao” đối với Hồng Kông cho đến sớm nhất là năm 2047.
Bà Ortagus cho biết những cam kết này là chìa khoá để duy trì vị thế đặc biệt của Hồng Kông trong các vấn đề quốc tế và phù hợp với luật của Mỹ, cũng như cách đối xử hiện nay của Mỹ đối với Hồng Kông.
“Mọi nỗ lực áp đặt luật an ninh quốc gia nhưng không thể hiện ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ gây ra bất ổn cao và đối diện sự lên án mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế”, bà nhấn mạnh.
> Vì sao ĐCSTQ ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”?
Dự thảo nghị quyết về an ninh đối với Hồng Kông được Trung Quốc Đại lục trao quyền cho chính mình thiết lập khung pháp lý và cơ chế thực thi luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi lật đổ, khủng bố, ly khai và can thiệp từ bên ngoài, “hay bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia một cách nghiêm trọng“.
Điều 23 Luật Cơ bản của Hồng Kông yêu cầu chính quyền đặc khu ban hành luật an ninh riêng. Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó đã kết luận Hội đồng Lập pháp Hồng Kông không thể thông qua luật an ninh trong điều kiện chính trị hiện nay và Trung Quốc sẽ nhận trách nhiệm này.
Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được đệ trình tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (NPC) vào trưa 22/5. Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết này vào cuối kỳ họp, tức ngày 28/5. Nghị quyết sau khi được phê duyệt sẽ được chuyển cho cơ quan liên quan xây dựng cụ thể thành luật.
Bà Ortagus nói động thái của Bắc Kinh đã “phá hoại các cam kết và nghĩa vụ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Tuyên bố chung Trung – Anh.”
Trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Trung Quốc kiên quyết thông qua đề xuất luật riêng cho Hồng Kông.
“Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xử lý vụ việc rất mạnh,” ông Trump nói với các phóng viên trong khi rời Nhà Trắng tới Michigan.
Sự phẫn nộ trước đề xuất của Bắc Kinh đã bùng nổ tại đồi Capitol, nơi các nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng đã nhất trí thông qua luật tăng cường sự giám sát của Mỹ về các vấn đề ở Hồng Kông vào năm ngoái.
Ông Jim McGitas, chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, kêu gọi chính quyền Trump phản ứng bằng cách sử dụng các quyền trong Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, và nói rằng Mỹ nên “lãnh đạo một liên minh toàn cầu để hỗ trợ người dân Hồng Kông”.
Còn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, viết trên Twitter rằng động thái của Bắc Kinh muốn chấm dứt chế độ “một quốc gia, hai chế độ” đã “gây quan ngại sâu sắc.” Bà Pelosi nói rằng nỗ lực lách luật Hồng Kông của Bắc Kinh “cho thấy sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với luật pháp.”
Nhiều người khác cũng nhanh chóng đưa ra các nghị quyết lên án đề xuất này, cũng như các dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc – mặc dù thực tế là chính quyền Mỹ đã có thẩm quyền xử phạt các cá nhân nước ngoài được cho là chịu trách nhiệm đối với việc phá vỡ quyền tự trị ở Hồng Kông.
> Cuộc lật lọng kéo dài hơn 20 năm: ĐCSTQ và Hồng Kông
Trong khi đó, các quan chức chính phủ tại châu Âu và Vương quốc Anh cũng đưa ra các tuyên bố ủng hộ Hồng Kông tương tự như Mỹ.
Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên đối ngoại của EU, nhấn mạnh EU nhìn nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có ý nghĩa rất quan trọng. Bà cho rằng “tranh luận dân chủ ở Hồng Kông và sự tôn trọng các quyền và sự tự do là cách tốt nhất” để gìn giữ mô hình trên.
Chris Patten, thống đốc Anh cuối cùng của thuộc địa cũ, đã gọi đề xuất của Bắc Kinh là “một cuộc tấn công toàn diện” đối với quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông.
Người phát ngôn của Văn phòng Nước ngoài và Khối thịnh vượng chung của Anh cho biết “đang theo dõi chặt chẽ tình hình,” và mong muốn Trung Quốc “tôn trọng các quyền và tự do cũng như mức tự trị cao của Hồng Kông,” đồng thời nhấn mạnh “Vương quốc Anh cam kết bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông.”
Lê Vy
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…