Trong một phát ngôn hôm 3/3/2017 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama đã tiến hành các hoạt động nghe lén tại tòa nhà Trump Tower ngay trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
“Thật khủng khiếp! Vừa mới phát hiện rằng Obama đã tiến hành nghe lén tại Trump Tower ngay trước chiến thắng. Chưa phát hiện được gì. Nhưng đây rõ ràng là biểu hiện của chủ nghĩa McCarthy!” Trump đăng tweet hôm 3/3.
Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu Quốc hội điều tra về sự việc này.
Trong tuyên bố của mình hôm 5/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói: “Tổng thống Donald Trump yêu cầu, trong khuôn khổ cuộc điều tra các hoạt động của Nga đang diễn ra, các ủy ban tình báo Quốc hội hãy sử dụng thẩm quyền của mình để xác định xem nhánh hành pháp có lạm dụng quyền điều tra của mình vào năm 2016 hay không“.
“Cả Nhà Trắng và Tổng thống sẽ không bình luận gì thêm cho tới khi việc giám sát được tiến hành”.
Lời buộc tội nghe lén dường như bắt nguồn từ một câu chuyện được đưa ra bởi Louise Mensch trong bài viết đăng trên Heat Street ngày 7/11/2016.
Dựa vào “hai nguồn tin độc lập có liên quan tới Ủy ban phản gián, bà Louise Mensch đã viết rằng: “Cục điều tra liên bang (FBI) đã tìm cách và đã được tòa án FISA vào tháng 10/2016 cấp quyền cho phép theo dõi các thông tin liên quan tới các hoạt động của ‘những người Mỹ’ trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump có mối quan hệ với Nga.”
FISA (Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài) là một giấy phép cho phép FBI thu thập bằng chứng, bao gồm email và các cuộc gọi điện thoại liên quan đến công dân Mỹ và người thường trú tại Mỹ, những người có thể cố tính hoặc thậm chí vô tình hoạt động như “tác nhân của một thế lực nước ngoài”.
Mensch đã viết thêm rằng: “Cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng giấy phép này có quyền theo dõi bất kỳ ‘Người Mỹ’ nào có liên quan tới cuộc điều tra, và do đó cũng gồm chính Donald Trump và ít nhất ba người đàn ông đã hoặc từng là thành viên điều hành chiến dịch tranh cử hoặc là đại diện truyền thông của Trump.”
Ngày 19/01 vừa qua, tờ New York Times, qua những nguồn tin giấu tên, đã tiết lộ danh tính của ba người đàn ông có liên quan tới Donald Trump là Paul Manafort, Carter Page, và Roger Stone. Những người này đã bị điều tra vì có mối liên hệ với Nga.
Bài báo này cũng thừa nhận cuộc điều tra nêu trên có thể không liên quan đến cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thông Mỹ vừa rồi.
Manafort từng là cố vấn Quan hệ công chúng lâu năm cho các chiến dịch chính trị thân Nga ở Ukraine. Trump đã mời Manafort làm cố vấn vào tháng 3 năm 2016 và khuyến khích ông rút lui trong tháng 8 khi các hoạt động của ông ở Ukraine nổi lên. Tờ Times cho biết sau đó Manafort có thể đã giúp các chính trị gia Ukraine rửa tiền.
Một viên chức tình báo nói với tờ Times rằng FBI nhắm vào Manafort vì các kết nối liên quan tới Ukraine, chứ không nhất thiết phải có ảnh hưởng của Nga đối với chiến dịch Trump.
Carter Page là một nhà môi giới đầu tư chuyên nghiệp, gần như không có ảnh hưởng gì ở Nga hoặc trong chiến dịch của Trump. Julia Ioffe, một cây viết chuyên sâu vào các giao dịch của Page ở Nga trong một bài báo trên Politico ngày 23/9/2016 đã nói rằng Page có thể đã cố gắng làm tăng tầm ảnh hưởng của các mối quan hệ với Nga sau khi được Trump mời làm cố vấn chính sách đối ngoại.
Page được cho là đã gặp một quan chức Nga và một giám đốc điều hành hàng đầu của một công ty dầu khí lớn của Nga vào tháng 7 năm 2016, “một nguồn tin tình báo phương Tây” đã nói với Yahoo News về điều này. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo của Ioffe, các cuộc gặp như vậy có lẽ đã không diễn ra..
Roger Stone là một chiến lược gia và người vận động hành lang của đảng Cộng hòa. Ông đã làm việc sớm trong chiến dịch của Trump và từ lâu đã là một cố vấn thân tín. Tuy nhiên, Trump đã loại Stone khỏi chiến dịch của mình vào tháng 8 năm 2015.
Trump nói với tờ Washington Post vào thời điểm đó: “Tôi không muốn những người chỉ thích nổi tiếng, những người thích lên mặt báo hoặc người ra mặt chỉ vì bản thân mình. Chiến dịch này không phải là về họ. Đó là về chiến thắng và làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Stone có thể đã nằm trong tầm ngắm của FBI bởi vì ông biết trước về Wikileaks có email của Ủy ban Đảng Dân chủ Quốc gia (DNC) và John Podesta, cựu Chủ tịch của chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016 của Hillary Clinton.
Stone đã viết trên tweeter vào 21/8/2016 rằng: “Tin tôi đi, thời gian của Podesta sẽ sớm kết thúc thôi.”
Các nhà lãnh đạo tình báo của chính quyền Obama đã nghi ngờ vụ tấn công DNC là do một đội nhóm do chính phủ Nga thao túng. Một cuộc điều tra về vấn đề này vẫn tiếp diễn. Stone nói ông biết Wikileaks có được email, nhưng đã phủ nhận mối liên hệ với Nga.
“Tôi chưa bao giờ phủ nhận rằng Assange (người sáng lập Wikileaks) và tôi đã có một người bạn chung, người đó nói với tôi rằng Wikileaks có thông tin về [Hillary Clinton] và sẽ bắt đầu tiết lộ vào tháng 10. Ông ấy đã làm và họ đã làm. Assange KHÔNG hoạt động cho người Nga và không ai chứng minh được điều gì khác.” Stone viết như vậy trong một bài đăng trên Facebook cá nhân vào ngày 5/3/2016.
Chính Julian Assange cũng đã phủ nhận Wikileaks lấy nguồn tin từ Nga.
NSA có quyền truy cập vào các cuộc gọi điện thoại, email, văn bản và tin nhắn tức thời trên khắp Hoa Kỳ theo thời gian thực. Theo đó, hầu như tất cả các điện thoại đều bị nghe lén. Câu hỏi đặt ra là ai có thể truy cập dữ liệu này và dùng cho mục đích gì.
Mensch, nhà báo đã cho bùng nổ câu chuyện nghe lén điện thoại, đã viết rằng FBI đã nhận được lệnh điều tra việc liên lạc giữa một máy chủ tại tòa nhà Trump Tower ở New York với Ngân hàng Alfa của Nga.
Các thông tin liên lạc của máy chủ này đã được báo cáo vào ngày 31/10/2016 bởi Franklin Foer. Một số chuyên gia nói với anh ta rằng việc liên lạc giống như qua email, mặc dù không ai trong số họ truy cập nội dung của thông tin liên lạc.
Theo bài báo từ tờ New York Times ngày 31/10 lấy nguồn từ một viên chức tình báo giấu tên, FBI đã xem xét vấn đề này trong nhiều tuần lễ và “kết luận cuối cùng rằng có thể có một lời giải thích vô hại rằng đó là các email marketing hoặc thư rác, trong các địa chỉ liên lạc trên máy tính“.
Mensch rõ ràng không viết rằng FBI đã nghe lén bất kỳ điện thoại nào trong Trump Tower. Nhưng bà viết “Trong cộng đồng tình báo có suy nghĩ” rằng chính ông Trump là mục tiêu theo dõi.
James Clapper Jr., cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, cho biết theo hiểu biết của ông, không có bất kỳ hành động nghe lén nào diễn ra tại văn phòng của Trump.
“Không có hoạt động nghe lén nào chống lại ứng viên tổng thống Donald Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông ta,” Clapper đã nói vậy trong chương trình “Cuộc gặp gỡ báo chí” của kênh NBC vào ngày 5/3.
Cách phủ nhận này để ngỏ những vấn đề liên quan cần giải thích. Vì mọi thứ đều có thể bị đặt máy ghi âm, một câu hỏi đặt ra là liệu FBI có được phép truy cập vào các kênh thông tin của Trump hay không? Vào ngày 19/1, tờ New York Times cho biết “các cơ quan tình báo” đang xem xét “một thông tin lấy được do can thiệp” của Manafort, Page, và Stone, nhưng không có nêu tên ông Trump.
Phát ngôn viên của ông Obama, ông Kevin Lewis, đã nói trong một tuyên bố hôm 4/3 rằng: “Một nguyên tắc trọng yếu của chính quyền Obama là không có quan chức Nhà Trắng nào can thiệp vào bất cứ cuộc điều tra độc lập nào do Bộ Tư pháp triển khai. Là một phần trong thực tiễn đó, cả Tổng thống Obama lẫn bất kỳ nhà chức trách Nhà Trắng nào cũng không ra lệnh giám sát bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào. Bất cứ cáo buộc nào khác chỉ đơn giản là giả dối.”
Andrew McCarthy III, cựu trợ lý tư pháp Hoa Kỳ cho Quận Nam New York, ngày 5/3 cho biết trong bài báo trên National Review rằng: “Điều này có vẻ không trung thực ở nhiều cấp độ. Thứ nhất, như các quan chức của Obama biết rõ, trong tiến trình FISA, về mặt kỹ thuật thì tòa án FISA đã có ‘lệnh’ giám sát. Và theo quy chế, Bộ Tư pháp, không phải Nhà Trắng, mới là đại diện cho chính phủ trong tiến trình tố tụng trước tòa án FISA. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Obama có biết hay phê duyệt bất kỳ chiến dịch giám sát nào như thế hay không.”
Luật sư McCarthy giải thích rằng không có gì sai trái khi Tổng thống yêu cầu tòa án FISA ra lệnh giám sát những người bị nghi là tác nhân của các thế lực nước ngoài. Ông nói: “Người ta có thể cho phép tổng thống thực hiện nhiệm vụ hành pháp của mình để bảo vệ Hoa Kỳ chống lại các mối đe doạ từ bên ngoài.”
Một vấn đề được đặt ra là liệu tổng thống đưa ra yêu cầu giám sát như vậy có nhằm mục đích chính trị hay không. Obama có thể đã sai phạm nếu ông ta thực hiện nghe lén các cuộc gọi điện thoại của Trump và các cộng sự nhằm mục đích gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của Trump.
Theo thông tin trong bài viết của Mensch hồi tháng 6, FBI đã tìm thấy trong trát của tòa FISA có tên Trump. Nhưng tòa đã bác yêu cầu xin FISA này.
Thông thường, Tòa FISA chấp thuận hơn 99% hồ sơ, nhưng có 1/4 lệnh khám gửi trả về thêm hoặc bớt thông tin, một lá thư năm 2013 của tòa án FISA đã nêu như vậy.
Trong tháng 9/2016 khi thông tin về máy chủ tại Trump Tower xuất hiện, FBI đã rút gọn yêu cầu FISA và đệ trình lại lên tòa. Theo bà Mensch, thời điểm đó, tòa đã cấp lệnh khám.
Nếu trát của tòa đưa ra không bao gồm Trump hoặc các cộng sự của ông, điều đó có nghĩa là FBI không có bất kỳ lý do khả tín gì để tin rằng Trump bị thao túng bởi Nga. Ngược lại nếu trát đó có tên Trump, thì cáo buộc của ông Trump trên Twitter vừa rồi là dựa trên sự thật.
Minh Tâm
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…