Trump cáo buộc Obama nghe trộm điện thoại khi tranh cử
Trong một loạt các dòng tweet hôm thứ Bảy 4/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm đã ra lệnh gắn thiết bị nghe lén ông và đội ngũ tranh cử trước khi cuộc bầu cử kết thúc.
“Tồi tệ! Vừa phát hiện ra rằng Obama đã “nghe lén” đường dây của tôi ở Trump Tower ngay trước chiến thắng [bầu cử] nhưng không phát hiện được gì. Đây đúng là chủ nghĩa McCarthy!“, ông Trump viết mà không nói thêm chi tiết về bằng chứng.
Tuy nhiên người phát ngôn của Tổng thống Mỹ vừa mãn nhiệm, Kevin Lewis ra tuyên bố trả lời rằng ông Obama không hề ra lệnh làm như vậy. Ông nói: “một quy tắc cơ bản trong chính quyền Obama là không một quan chức Nhà Trắng nào can thiện vào bất kỳ một cuộc điều tra do Bộ Tư pháp tiến hành“.
Nhưng thông báo này rõ ràng để ngỏ khả năng đã có một cuộc điều tra mật về đội ngũ tranh cử của ông Trump, trong đó có hoạt động nghe lén xảy ra.
“Việc một Tổng thống đương nhiệm thực hiện ‘nghe lén’ trong cuộc đua tranh trước bầu cử có hợp pháp hay không? Trước đó đã bị tòa phủ quyết. MỘT MỨC THẤP HÈN MỚI!“, Tổng thống Trump viết.
Ben Rhodes, cố vấn ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama trả lời ông Trump với lời lẽ gay gắt: “Không một Tổng thống nào có thể ra lệnh nghe lén. Những quy định như thế này được đặt ra để bảo vệ người dân khỏi những người như ông“.
Theo BBC, trong vòng vài tuần qua có các tin tức tiết lộ rằng, trong quá trình tranh cử có người đã xin lệnh tòa để thực hiện giám sát các thành viên trong đội ngũ tranh cử của Trump bị nghi có liên lạc bất thường với quan chức Nga. Yêu cầu này đã bị tòa án từ chối một lần vào tháng 10 năm ngoái, nhưng không có xác nhận chính thức và cũng chưa rõ Nhà Trắng có tiến hành một vụ điều tra hoàn chỉnh hay không.
Cáo buộc nghe lén của ông Trump được đưa ra sau khi một người dẫn chương trình radio thuộc phái bảo thủ tên là Mark Levin nói rằng ông Obama đã dùng thủ đoạn của “Nhà nước cảnh sát” để phá hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump trong những tháng cuối cùng.
Trang Breitbart News, một trong số trang tin ít ỏi của Mỹ công khai ủng hộ Tổng thống Trump, đã tóm tắt cáo buộc của Levin như sau: “Chính quyền Obama đã tìm cách và cuối cùng là có được thẩm quyền để nghe trộm chiến dịch tranh cử của ông Trump; họ vẫn giám sát đội ngũ của Trump khi mà chẳng tìm được bằng chứng sai phạm nào cả; thậm chí sau đó họ còn nới lỏng các quy định của NSA (Cơ quan Tình báo Quốc gia) để cho phép các cơ quan chính phủ được phép chia sẻ bằng chứng một cách rộng rãi”. Ông Levin nói rằng Quốc hội cần tiến hành một cuộc điều tra về các hành vi này của ông Obama.
Sau đó, ông Trump không kiệm lời khi chỉ trích người từng ủng hộ nhiệt thành đối thủ Hillary Clinton của mình trong cuộc bầu cử: “Tổng thống Obama đã hạ mình xuống mức thấp hèn như thế nào khi nghe lén điện thoại của tôi trong một quá trình bầu cử rất thiêng liêng. Đây là một vụ Nixon/Watergate. Một kẻ tồi tệ (hoặc bệnh hoạn)!“.
Vụ Nixon/Watergate mà ông Trump nhắc đến là vụ bê bối chính trị khét tiếng nhất tại Nhà Trắng năm 1972, dẫn đến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức sau khi truyền thông phơi bày một loạt các hoạt động tình báo chính trị, phá hoại và hối lộ của chính phủ.
Còn chủ nghĩa McCarthy (McCarthyism) mà ông Trump đề cập trong dòng tweet đầu tiên là thuật ngữ nói về việc tiến hành các hoạt động điều tra và cáo buộc không công bằng với lý do chính trị. Thuật ngữ này khởi đầu từ phong trào chống cộng cực đoan của Thượng Nghị sĩ Joe McCarthy những năm 1950.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Barack Obama bê bối chính trị chính trị